TRANH SƠN MÀI THỜI KỲ ĐỔI MỚI

     Nếu làm một bảng tổng kết nho nhỏ để so sánh tranh sơn mài thời đổi mới so với tranh sơn mài của các thời kỳ trước, chúng ta sẽ thấy ngay có rất niều thay đổi: đó là sự thay đổi về số lượng cũng như kích thước tranh, thay đổi về chất liệu và kỹ thuật, thay đổi về nội dung và hình thức.

     1. Về số lượng và kích thước

     Tranh sơn mài thời kỳ Đổi mới phát triển khá mạnh. Nhất là khoảng 20 năm trở lại đây, khi không còn những khó khăn đáng kể về kinh tế, rất nhiều họa sĩ sáng tác tranh sơn mài. Họ thích tìm hiểu và thử nghiệm chất liệu này. Chuyên nghiệp cũng như không chuyên, ở đây không có sự nề hà, ai cũng có thể thử nghiệm làm sơn mài, do vậy mà số lượng tranh sơn mài xuất hiện tại các triển lãm và các gallery ngày một nhiều, nhiều hơn hẳn so với trước đây, với chất lượng cũng tùy ý, không đồng đều. Có những triển lãm bị áp đảo bởi tranh sơn mài, với những kích thước cũng áp đảo. Sự phát triển nhanh mạnh này của tranh sơn mài có thể hiểu được, bởi bên cạnh những lý do quen thuộc mà ai cũng biết như độ bền thời gian, sự độc đáo chất liệu, vẻ Á Đông huyền bí của “quốc họa", yếu tố ngẫu nhiên bất ngờ trong quá trình sáng tác... thì còn có một lý do hấp dẫn đáng kể nữa là tranh sơn mài bán rất được, bán Với giá cao, và được nhiều khách nước ngoài ưa chuộng.

     2. Về kỹ thuật và chất liệu

     Tranh sơn mài thời kỳ đổi mới có những thay đổi, tìm tòi mạnh bạo về kỹ thuật cũng như chất liệu. Bảng màu của thời kỳ này rộng mở, không còn hạn chế ở son - then - vàng - bạc - trắng (vỏ trứng) - nâu cánh gián và một số màu truyền thống quen thuộc của thời kỳ trước. Nhiều họa sĩ đã tìm cách đưa thêm bột màu vào tranh để tạo ra những gam màu nhẹ nhàng, tươi sáng, mới lạ. Ngoài ra, các chất liệu đa dạng như bột trai, bột xà cừ, bột nhũ, kim sa, chu sa các loại cũng được tích cực sử dụng để tạo vẻ đẹp lóng lánh cho chất liệu. Sơn Nhật cũng được dùng đan xen, kết hợp, tạo thêm các sắc màu rực rỡ, bắt mắt (tạm thời chưa nói đến hiệu quả của nó).

Có những thử nghiệm táo bạo hơn, đi xa hơn, còn gắn lên tranh sơn mài cả đồng xu cổ hoặc giả cổ, vải gai, sỏi, thủy tinh..., hay đắp nổi và khắc rạch, tạo bé mặt gồ ghé, lồi lõm, khác hẳn với thẩm mỹ truyền thống là “sâu - trong - phẳng”, kết quả thường cho ra đời loại tranh gần với “phù điêu” mà nhiều người đắn đo không biết có nên gọi là sơn mài nữa hay không, hay gọi là sơn đắp?

     Kỹ thuật thời kỳ này phát triển rất đa dạng. Ngoài một số bước cơ bản chung về kỹ thuật sơn mài mà ai cũng biết thì còn có rất nhiều kỹ thuật thuộc về bí quyết cá nhân. Ai cũng nắm trong tay một số bí quyết riêng của mình thu được từ quá trình thử nghiệm. Làm thế nào để pha trộn được một gam màu mới độc đáo, làm thế nào để tạo ra được các vân màu sang quí, hay các vết rạn tự nhiên như gân lá, hay các cách biểu chất khác nhau trên bề mặt, làm thế nào để kết hợp đan cài thêm sơn Nhật mà không lộ liễu... Có vô số vấn đề về kỹ thuật. Họa sĩ tranh sơn mài giống như thày thuốc Đông y thường hay giữ gìn bí quyết kỹ thuật, công thức pha chế sơn, pha màu, dung môi, hóa chất. Đó là lĩnh vực không chạm tới được.

     Tuy nhiên, cũng đã đến lúc chúng ta cần sòng phẳng với nhau về mặt tên gọi.

     Ví dụ, có dòng tranh dùng rất nhiều sơn Nhật, toàn bộ là sơn Nhật, không cần đến yếu tố mài, chỉ phun với xoa, vậy ta có nên gọi nó là sơn mài nữa hay không? (hay cứ gọi thắng là tranh sơn xoa hoặc tranh sơn thuần túy cho xong). Trong lĩnh vực hội họa trên toile, chúng ta đã phân biệt rõ ràng và khoa học: sơn dầu, acrylic, chất liệu tổng hợp,... Vậy tại sao trong lĩnh vực hội họa trên vóc, ta không thử dùng một số thuật ngữ như: sơn mài (hoặc rõ hơn, sơn mài truyền thống, sơn mài Việt Nam) để tránh nhập nhằng với loại tranh sơn trên vóc, hoặc sơn và chất liệu tổng hợp trên vóc?

     Trong sự bùng nổ về kỹ thuật và chất liệu này, tranh sơn mài nói chung không chí gặt hái được toàn thắng lợi mà còn gặp cả những khó khăn, mâu thuẫn bất cập. Nhất là khi họa sĩ vội vã dùng nhiều sơn Nhật, với mong muốn mở rộng bảng màu hoặc tăng tốc về thời gian, giảm vốn đầu tư, để sơn Nhật lấn át sơn ta, dẫn đến độ trong và độ sâu mất đi, chỉ còn các mảng màu trang trí loè loẹt, hời hợt, bóng loáng, có phần dễ dãi, thì cũng là lúc sản phẩm của họ có nguy cơ trở thành hàng trang trí mỹ nghệ phóng to, hay còn gọi là “hàng chợ".

     3. Về nội dung và hình thức

     Trước đổi mới, tranh sơn mài Việt Nam thiên về các chủ đề hướng ngoại như sinh hoạt, lao động, phong cảnh trữ tình, đề tài chiến tranh cách mạng,... với một tình cảm chân phương, trong sáng, giản dị. Nhiều họa sĩ cố gắng hướng sơn mài tới gần cái nhìn hiện thực - tả thực cho dễ hiểu. Song, họ chỉ có thể tiến gần tới đó, pha trộn các yếu tố tả thực với bảng màu ưỚc lệ hữu hạn, bởi bản chất ngôn ngữ sơn mài vẫn là tượng trưng và ước lệ cao độ, rất khó tả thực, chỉ thích hợp với trang trí.

     Một số họa sĩ Việt Nam thế hệ đầu đã có tác phẩm thành công trong lĩnh vực sơn mài cần phải nhắc đến như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Sỹ Ngọc, Huỳnh Văn Gấm, Phan Kế An, Hoàng Tích Chù, Lê Quốc Lộc, Trần Đình Thọ, Kim Đồng, Nguyễn Đức Nùng, Văn Bình,...

     Mỗi người một vài tác phẩm, không nhiều, nhưng chính những người này đã làm nên thời hoàng kim cổ điển của sơn mài Việt Nam những năm 50 - 60. Tranh của thế hệ đầu đã trải qua nhiều ngả đường, từ hiện thực - trang trí ước lệ pha sắc thái lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, cho đến hiện thực cách mạng, và rồi cả trừu tượng (như tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí thời kỳ sau). Kho tàng tranh sơn mài Việt Nam được nối tiếp bởi thế hệ thứ hai, thứ ba như Nguyễn Hiêm, Hoàng Trầm, Thế Vinh, Thanh Ngọc, Xuân Doãn, Trần Liên Hằng, Lê Trí Dũng, Đặng Thu Hương, Đoàn Văn Nguyên, Hoàng Đình Tài,...

     Tranh sơn mài thời kỳ Đổi mới có sự thay đổi đáng kể cả về nội dung lẫn hình thức.

     Về nội dung: có rất nhiều tranh hướng về chủ đề: tâm linh, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, hoài niệm văn hóa cổ, hoài niệm làng quê, tình yêu và ám ảnh nội tâm.

     Các tranh chủ đề phong cảnh, sinh hoạt dân gian, chân dung vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển, tuy không nhiều. Bên cạnh đó, dòng tranh trừu tượng không nội dung cụ thể, hoặc trừu tượng trang trí thuần túy, lại đặc biệt phát triển, phát huy thế mạnh trang trí và vẻ đẹp chất liệu của sơn mài.

     Về hình thức: tranh sơn mài thời kỳ đổi mới rất đa dạng về ngôn ngữ và phong cách cá nhân. Bên cạnh lối vẽ hướng tới tả thực ước lệ theo kiểu truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, rất nhiều họa sĩ trẻ đã cố gắng đổi mới bằng cách lập thể hóa, kỷ hà hóa trừu tượng hóa, hiện đại hóa ngôn ngữ sơn mài của mình, kết hợp với trang trí. Không ít tác giả thử nghiệm cùng một lúc nhiều ngôn ngữ hình thức khác nhau, hoặc chiết trung, kết hợp nhiều ngôn ngữ trên một tranh. Vì vậy, sự phân chia thành xu hướng trở nên khó khăn và vô nghĩa. Tuy nhiên, để có được cái nhìn mạch lạc trong mê cung tranh sơn mài ngày hôm nay, có thể chia sơn mài thời kỳ này thành mấy dòng chính sau đây, kết hợp cả ngôn ngữ hình thức lẫn chủ đề nội dung (sự sắp xếp này chỉ có tính tương đối cũng như thuật ngữ tên gọi chỉ là ước lệ).

     Tranh phong cảnh: Một số tranh của Trấn Thành, Nguyễn Phúc Lợi, Nguyễn Đình Tuyên, Lê Minh Sơn, Dương Sen, Lê Xuân Chiểu, Nguyễn Quốc Huy ... 

     Tranh hướng về chủ đề lễ hội - tín ngưỡng, tâm linh: Một số tranh của Nguyễn Huy Hoàng, Chu Anh Phương, Lê Hữu Ích, Nguyễn Văn Chuyên ...

     Tranh tượng trưng - hoài niệm: Bùi Hữu Hùng, Trần Ngọc Hưng ... 

     Tranh ngây thơ - dân gian: Văn Tơn, Lưu Quang Lâm, Trần Đình Khương...

     Tranh trở về nguyên sơ: Vũ Thăng ...

     Tranh trừu tượng kỷ hà - tâm linh: Mai Đắc Linh, Trịnh Quốc Chiến, Nguyễn Kim Quang...

     Tranh trừu tượng gợi hình, có yếu tố biểu hiện: Đỗ Minh Tâm ...

     Riêng xu hướng trừu tượng phát triển mạnh, chia thành nhiều nhánh nhỏ với nhiều phong cách cá nhân khác nhau như trừu tượng của Trương Bé, Hồ Hữu Thủ, Xuân Việt, Mai Hiên, Công Kim Hoa...

     Ngoài ra còn rất nhiều họa sĩ thử nghiệm làm tranh sơn mài hoặc tranh sơn trên vóc nói chung của ba miền Bắc - Trung - Nam mà mọi sự điểm tên đều không tránh khỏi chủ quan, thiếu sót, như: Lê Quảng Hà, Lê Hồng Thái, Lê Thừa Tiến, Lê Văn Thin, Nguyễn Thị Chinh Lê, Đoàn Thị Hương, Trình Tuân, Công Quốc Hà, Đào Minh Tri, Thành Chương, Lê Thiết Cương,.. Chính các tác giả - tác phẩm này công với niềm say mê sáng tạo đã góp phần làm nên khí thế tưng bừng, ngập tràn hy vọng của tranh sơn ngày hôm nay.

4. Hiệu quả cuối cùng

     Thành tựu rất dễ thấy của tranh sơn mài thời kỳ Đổi mới là sự phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật và chất liệu, mở rộng bảng màu, mở rộng cách biểu đạt, biểu chất, đa dạng hóa ngôn ngữ hinh, đa dạng hóa chủ đề nội dung, đa dạng hóa phong cách cá nhân, phát huy thế mạnh của chất liệu sơn mài là tính tượng trưng, trang trí. Tranh sơn mài thời kỳ mới đã biết trở về cội nguồn khai thác văn hóa cổ để nối cầu với hiện đại, đã tạo nên âm hưởng dân tộc và truyền thống, đã vươn mạnh hơn ra ngoài biên giới, tạo thành bản sắc Việt Nam trên thị trường quốc tế.

     Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển ào ạt quá nhanh và bên cạnh những thành tựu dễ thấy như kể trên, chúng ta cũng không thể không nói đến những nhược điểm của tranh sơn mài. Khá nhiều họa sĩ tham lam diễn tả bề mặt, ôm đồm trang trí, "đồng hiện" khắp mặt tranh, dễ gây sự mệt mỏi, nặng nề cho con mắt người xem (bệnh trang trí tràn lan này vốn thuộc bản sắc truyền thống của người Việt, không biết có thay đổi được không ...). Cách trang trí diễn tả kín đặc bề mặt như vậy thường làm cho tranh bị lu mờ hoặc mất đi hình tượng - chủ đề chính. Một số tranh gây áp chế cả bằng kích thước lớn, phóng to. Sự lạm dụng quá nhiều các motif trang trí cổ, hoa văn cổ vá víu quá nhiều câu chuyện trên một tranh, các chủ đề tâm linh mù mờ, khó hiểu, nặng nề là điều thường gặp ở loại tranh sơn mài hướng về truyền thống cổ. 

     Ở một thái cực khác là các bức tranh mạnh tính trang trí hiện đại, thường là tranh trừu tượng với hình thức ổn ào, màu sắc cuốn hút, bắt mắt, dùng nhiều sơn Nhật hoặc đa chất liệu. Các tranh này chủ yếu phô diễn bề mặt, biểu chất, trang trí.

     Song đôi khi, sau thời trang ồn ào đó, sự hấp dẫn thường tan đi rất nhanh, và người xem vẫn thèm muốn ở đó một ý tưởng, một chiều sâu, một sự lắng đọng tình cảm nào đó.

     Nhóm cuối cùng là các bức tranh vẽ thiếu nữ với sen, với nón và lá chuối, thiếu nữ áo dài, chải đầu tắm gội, phong cảnh làng quê, sinh hoạt dân gian, chăn trâu, thả diều, trẻ em chơi... Cả nội dung lẫn cách vẽ tạo cảm giác khá dễ dãi, tư duy đơn giản, dễ lặp lại. Loại tranh này nếu không được đầu tư cẩn trọng, từ tốn và sâu sắc hơn sẽ dễ bị xuống cấp, trở thành tranh “du lịch”, souvenir, mỹ nghệ đang đầy rẫy ở các gallery và thị trường tranh Việt Nam.

     Có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ đến việc thành lập một Hội các họa sĩ sơn mài Việt Nam, với mục đích tập hợp trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, khuyến khích lẫn nhau trong việc duy trì và phát triển nghề nghiệp truyền thống này.

     Con đường của tranh sơn mài cũng như con đường sáng tạo nghệ thuật là cả một chân trời rộng mở. Tiềm năng bí ẩn của chất liệu sơn mài còn đang nằm phía trước chờ đợi sự phiêu lưu khám phá của các nghệ sĩ. Cuộc phiêu lưu này không chỉ cần đến tài năng và nhiệt tình lao động thuần túy, mà còn cần đến cả sự hy sinh nghiệt ngã vì nghệ thuật.

#BùiNhưHương