XEM TRANH (Phần I)

      Về nghệ thuật trong tranh, công chúng muốn một quan niệm tả chân đèo để như ảnh, còn về nhân vật phô diễn trong tranh thì bắt phải thật đẹp. Cái đẹp, đó đã có nhiều, rồi nghệ sĩ không bao giờ nghĩ khác thế. Song công chúng hiểu về cái đẹp một cách thiển cận. Đối với họ, chỉ có những cái cao quý, to tát, xinh xắn, dễ yêu là đẹp.

      Trong một bức tranh họa một thiếu nữ trắng tươi, miệng nhỏ, mắt tinh, họ khen đẹp; nhìn một bức ảnh lâu đài bát ngát, chung quanh núi non cao rộng, họ thích lắm. Họ có những cảm tình ấy là vì không phân biệt “mỹ thuật” với “đời”. Họ không biết rằng những cảm giác đó là của riêng cá nhân vật chất. Họ yêu thích vì họ nghĩ sẽ được ở cái lâu đài ấy, được sống chung với người đàn bà ấy thì họ sung sướng lắm.

      Sung sướng, đã cố nhiên! Đừng tưởng nghệ sĩ không bao giờ có những thèm muốn của họ. Nhưng nghệ sĩ không lẫn “mỹ thuật” với “đời”. Trong một cảnh, một vật, “cái người” trong họa sĩ biến đi để nhường chỗ cho nhà mỹ thuật. Đối với nhà nghệ sĩ ấy, cái đẹp không bó trong khuôn khổ một nét mặt xinh tươi, hay một lớp nhà đồ sộ. Cái đẹp còn nhiều hình, nhiều trạng, rộng, xa hơn thế, cái đẹp ở cả trong những tiểu tiết tầm thường, xuống đến những vật người ta cho là khinh rẻ, xấu xa.

      Một con đĩ bệu rạc, bơ phờ, xác thịt nát ủng có một vẻ đẹp lãng mạn xúc động tâm hồn nghệ sĩ. Một mảng tường rêu mốc, hay một cái nhà đổ nát dưới màu trời u ám, hay một chút lá - một chút thôi - rực rỡ dưới ánh sáng hay đôi giày cóc gậm vứt trong một góc tường, ... đều có thể là những cảm hứng tốt cho sự sáng tạo mỹ thuật. Cái thế giới đẹp của nghệ thuật là thế giới hình và sắc. Miễn hình và sắc làm thỏa mãn sự ham muốn mỹ thuật là đủ rồi. Nghệ sĩ không đánh giá sự vật bằng tiền, cũng không bằng luân lý. Chỉ có hình và sắc.

      Quan niệm ấy đã làm cho họ xa công chúng - (tôi vẫn nói với công chúng Annam). Công chúng thì lấy sự thực cái đã có sẵn và lấy đẹp tuyệt đối - cái đẹp có một - làm gốc cho mọi sự phán đoán. Còn nghệ sĩ thì lấy cái đẹp thiên hình, lấy sự sáng tạo – cái chưa có hay có rồi nhưng một cách khác - giải nghĩa cho những sự tìm tòi nghệ thuật.

       Tôi thấy nhiều người ở một phòng triển lãm đi ra, phê bình, chán nản thành thực: “Chả có cái quái gì!” hay đứng trước một bức họa đàn bà, chế nhạo: “Người hay ngợm, không biết đẹp nỗi gì, mỹ thuật ở chỗ nào mà họ cũng vẽ!” Người hay ngợm ấy không đẹp nỗi gì bởi không có nước da trứng gà bóc, cặp mắt mơ màng, hay miệng tươi như cánh hoa. Cuộc triển lãm chẳng có quái gì, bởi chỉ có những tình, những cảm, những cái không kể giá tiền, không lòe loẹt như chiếc gấm, phải có tấm lòng dễ cảm mới thấy.

      Sự cách biệt giữa nghệ sĩ và công chúng, mấy năm về đây, cũng may mà thu hẹp lại rồi. Vì đã có một số người, tuy còn ít nhìn tác phẩm biết nhận ra kết quả một sự tìm tòi. Tôi còn nhớ năm 1929, ở phòng triển lãm thứ nhất của người Annam, lần đầu các nhà mỹ thuật Việt Nam đưa tác phẩm ra trình công chúng. Công chúng chỉ cười, chế nhạo. Những nguời đứng đắn thì bảo đó là một việc bôi bác long trọng, vô ý thức. Đến năm 1931, kết quả tốt của tác phẩm mỹ thuật.

      Việt Nam bày ở cuộc đấu xảo thuộc - địa Pháp, những tin, những bài báo ngoại quốc làm hứng khởi nghệ sĩ nước ta, có ảnh huởng là đưa lại cho công chúng Annam một chút lòng tin tương lai mỹ thuật. Họ chưa thích, nhưng họ không hoài nghi như trước nữa.

      Rồi tiếp đển những cuộc trưng bày Việt Nam khác ở phòng triển lãm Paris, đến những sự khuyến khích liền liền ở Pháp đưa lại, Ngày nay khi ta thấy hàng vạn người Annam kéo nhau đến xem một cuộc triển lãm Mỹ thuật, cái kết quả ấy không phải ngẫu nhiên mà có. Tuy vậy, một số rất lớn, có cả rất nhiều người học thức, đi xem tranh vẫn còn vương theo những quan niệm đã kể ở đầu bài này. Nếu đưa họ chọn một bức họa có khuynh hướng mỹ thuật chân chính và một bức vẽ thiếu nữ Tàu thô thiển, nhẵn nhụi, hồng hào, nằm cạnh đồ vàng, đồ lụa, một bức tranh, trong hàng nghìn bức bày bán ở hè các phố, tôi dám chắc người ấy không ngần ngừ, nếu thành thực, theo sự thích của mình, chấm bức sau, vì nó đã hòa hợp một cách mãn nguyện những điều mà họ muốn thấy. Song ta có thể hy vọng một ngày kia thời gian đem đến cho công chúng một tri thức thẩm mỹ sáng suốt hơn.

      Khi trong văn chương người ta còn thích đọc những nhân vật không phải đàn bà đẹp, như con đĩ xấu, thằng ăn cắp hay người đi ở, ta chưa đến nỗi tri người ta không bao giờ thưởng thức được ở tranh những nhân vật mà họ vẫn yên trí rằng xấu. Ngày ấy, ai ai cũng hiểu cái đẹp trong mỹ thuật không cốt ở đầu đề mà coi là sự thành công của một ý muốn sáng tạo. Tôi không nói ý muốn sáng tạo nào ta cũng phải thích. Ta vẫn có quyền bác bỏ, có quyền ghét khi không hợp ý ta, nhưng đó là một câu chuyện khác không giải nghĩa cái đẹp.

#TôTử