VICTOR TARDIEU TIÊN SINH VỚI TRƯỜNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG

     Nhân ngày kỷ niệm ngũ chu niệm Victor Tardieu tiên sinh mà anh em trong trường Mỹ thuật bấy nay van kêu bằng một danh hiệu rất đông phương, rất thân mật là “cụ Tạc”, tôi tưởng nên nói kỹ hơn về trường Mỹ thuật này, cái lò từng đào tạo được nhiều tay nghệ thuật tài hoa đã góp công vào cuộc phát triển chung của đất nước. Trước khi nói đến lịch sử và ảnh hưởng của trường Mỹ thuật Đông dương (Ecole des Beaux-arts de l'Indochine), tưởng nên nhắc qua thân thể và sự nghiệp của họa sĩ Victor Tardieu, một nhà nghệ sĩ chân tài có quan hệ mật thiết đến trang lịch sử văn hóa cận đại Việt Nam, mà bữa 14 tháng 7 năm 1942, Mỹ thuật thế giới và tri thức giới ở đây đã làm lễ kỷ niệm giữa một buồi sáng sậm sụt sa mưa, cỏ cây mừng đuợc nhuần tưới trong cơn êm đềm mát mẻ.

Chân dung họa sĩ Victor Tardieu

     Sinh năm 1867, mất năm 1937. Họa sĩ Victor Tardieu là người đầu tiên đặt hòn đá góc nhà để xây dựng cho xứ này một cái lâu đài Mỹ thuật tráng lệ nguy nga. Chính tiên sinh đã đẻ ra trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, rồi do trường này đào tạo, nhiều tay thanh niên Việt Nam được thành tài về mọi phương diện như hội họa, điêu khắc và kiến trúc, đã có tên tuổi trong mỹ thuật giới Đông Tây, đã làm quảng cáo cho non sống đất nước. Trải bao nhiêu bước thăng trầm khó khăn, tiên sinh mới vận động được việc lập ở Hà nội một trường Mỹ thuật. Sau khi nó đã khai sinh, tiên sinh lại phải tốn bao tâm lự: mới duy trì cho nó đứng vững được đến ngày nay.

     Có lần, ở Kinh tế đại hội nghị (Grand conseil économique), người ta cho rằng trường Mỹ thuật chỉ làm tốn tiền của ngân sở cho, chứ chẳng mang lại cho chính phủ một ích lợi gi. Rồi người ta yêu cầu đóng cửa trường lại. Nguời ta muốn cho mấy thanh niên đang theo đuổi nghệ thuật kia quay về làm ruộng, tập lấy cái nghề sinh sản thóc lúa, khỏi phải chạy rông trong khi hết gạo còn hơn. Nhưng, với nghị lực, và kiên nhẫn, với tinh thần hi sinh vi nghệ thuật, tiên sinh không rủn chí, không ngã lòng, cứ tranh đấu, cứ chống lại hết thảy trở lực, Rồi nhờ sức tiên sinh vận động với các nhà cầm quyền, trường Mỹ thuật lại được người ta nhìn bằng con mắt thiện cảm. Còn về phần nhà trường, tiên sinh cứ gắng sức làm việc để cho càng ngày càng tấn tới hơn... Có khi đau yếu vì làm việc quá độ, tiên sinh buộc phải vào nằm nhà thương, nhưng không bao lâu, tiên sinh lại muốn gượng bịnh, quay về nhà trường đề cử tiến hành mọi việc và dìu dắt môn đồ, dù thế nào thì thế.

Họa sĩ Victor Tardieu và các sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương.

     Đối với các học sinh trong trường, tiên sinh xử rất ân cần, chu tri, khiến những người đã thụ nghiệp nơi tiên sinh có cái cảm tưởng như dược sống trong bầu không khí gia đình êm đềm, thân mật, yêu thương. Chẳng những vậy, tiên sinh lại cương quyết bênh vực họ nếu một khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Trong khi ngồi ghế giám đốc nhà trường, tiên sinh năm nào cũng săn sóc trông coi hết thảy những yếu điểm rất khó trong chương trình học từ niên khóa thứ nhất đến niên khóa thứ năm. Không màu mỡ, không xa hoa, không kiểu cách, tiên sinh cặm cụi cần cù làn buớc trên đường nghệ thuật với một cuộc đời sinh hoạt theo lối dễ dãi, đơn sơ. Hằng ngày, người ta thường thấy ánh đèn ở phòng làm việc báo hiệu tiên sinh thức khuya dậy sớm.

     Để bênh vực và dẫn đạo cho các học sinh đã tốt nghiệp được dễ dàng trong đường đời, để giúp các nghệ sĩ có cái cơ quan trình bày tác phẩm, và để hấp dẫn các nhà công nghệ được gần gũi nghệ thuật tiện bề thâu thái kiểu mẫu và nâng cao nghề mình, tiên sinh sáng lập ở đây một hội khuyến khích về mỹ thuật và kỹ thuật, tức là “Việt Nam mỹ thuật kỹ nghệ hội” mà hiện nay ông Charles Lacollonge đương đứng lãnh đạo đấy. Trải hơn 15 năm gánh cái thiên thức thiêng liêng đối với nhà trường, đối với học trò, tiên sinh đã làm phụ được tấm lòng ủy thác của chính phủ Pháp và phỉ được thâm ý kỳ vọng của giới nghệ thuật ở xứ này.

     Khoảng năm 1936, tiên sinh gặp ông Lê Văn Đệ ở Paris. Tiên sinh, trong khi nói chuyện, tỏ ý phó thác trường Mỹ thuật vào tay mấy bạn thanh niên Việt Nam ta đầu tiên được nhờ giáo dục của trường ấy mà thành tài. Phải, “tiên tri giác hậu tri, tiên giác giác hậu giác”: đó là bổn phận của những ai đã được tắm gội ân trạch giáo dục về phương diện mỹ thuật tất phải lần hồi đem cái sở học mà chỉ dẫn lớp hậu tiến, khiến cho bước tiến triển của nhà trường mỗi ngày một rộng hơn, to hơn và cao hơn, rồi do đó tiến trình của nền mỹ thuật Việt Nam mới mong có một tương lai thật tốt - tươi rực rỡ. Victor Tardieu tiên sinh dần dần liệt sức vì quá nỗ lực, cải nỗ lực có hạn của người đời!

     Rồi qua ngày 12 tháng 6 năm 1937, tiên sinh, xa gia đình, vắng vợ con, vĩnh biệt các anh em trường Mỹ thuật sau mấy bữa nằm trên giường bệnh ở nhà thương Saint Paul, gieo một cái tang chung trong nghệ thuật giới Nam Việt.  Tới nay, người ta, trong thâm tâm, vẫn đinh ninh nhớ rằng, đến phút cuối cùng, tiên sinh hãy còn nhắc nhỏm suy nghĩ đến trường Mỹ thuật Đông dương mà chính tay tiên sinh đā sáng lập bằng cái tinh thần “cúc cung tận tụy”.

     Hạt thóc giống tuy chết đi, nhưng do nó lại nảy ra cây mạ xanh tươi rồi thành cây là gì bông kết giẻ. Cùi hi sinh của hạt thóc giống thật có ích lợi cho tương lai. Họa sĩ Victor Tardieu mất đi, nhưng trường Mỹ thuật Đông dương, con đẻ tinh thần của tiên sinh, còn sống đời đời. Như vậy tiên sinh vẫn là bất hủ.

     Trường Mỹ thuật Đông Dương được lập tại Hà nội từ đầu mùa đông năm 1925.Ban đầu nó là một cái xưởng bỏ không của sở Xe lửa ở Phố Reinach, sau được sửa lại làm thành một nơi tụ tập các tay họa và trình bày các tác phẩm về mỹ thuật, rồi từ đó được mang cái danh hiệu tốt đẹp: Truờng Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương.

“Tôn chỉ của trường là dung hợp tự nhiên với truyền thống, khiến học sinh phải quan sát và biểu diễn tự nhiên theo những nguyên tắc mỹ học phố thông của loài người và phát triển những tinh thần đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam và Đông phương, khiến học sinh lãnh hội lấy cái đẹp của nghệ thuật xưa và hiểu rằng nó vốn có quan hệ mật thiết với mình”.

     Trong trưong chia làm ba ban: Hội họa, điêu khắc và kiến trúc, đều chịu dẫn đạo dười quyền chi phối của họa sư V. Tardieu. Ban hội họa thành lập trước, rồi dần dần đến hai ban kia sau.  Ban đầu, như trên đã nói, trường này bị người ta hắt hủi, lăm le những toan đóng cửa nhưng từ sau cuộc triển lãm lần thứ nhất bày các tác phẩm của học sinh trong trường để công chúng vào xem, người ta phải ngạc nhiên trước những thành tích rất rực rỡ. Một nhà cầm quyền ở đây đã phải khen ngợi trước khi ra khỏi phòng triển lãm: “Mỹ thuật này rất đáng khuyến khích…”.

     Cuộc triển lãm đầu tiên ấy đem lại cho nhà truờng những ảnh hưởng rất sâu xa và kết quả rất tốt đẹp: dư luận các giới phải chú ý đến; những kẻ phản động phải hạ khí giới “cừu địch”; bạn hữu ủng hộ mỗi ngày một nhiều...  Dự cuộc đấu xảo thuộc địa năm 1931, các tác phầm của trường Mỹ thuật Đông dương làm cho hết thảy báo chỉ ở Paris đều phải lớn tiếng khen tặng; người bên chính quốc phải nhìn các nghệ sĩ Việt Nam bằng cặp mắt khác thường. Đó là khởi điềm của nhà trường nhẹ bước trên đường vinh quang. Rồi nhờ cái đà ấy, trường Mỹ thuật Đông dương cứ lần lượt nhận được vòng hoa thưởng tuởng do mọi nơi trao tặng: năm 1932, ở Rome (Ý); năm 1934 ở kỳ đấu xảo quốc tế tại Milan (Ý); năm 1934, ở cuộc triền lãm thuộc địa tại Naples (Ý); năm 1935, ở Bruxelles (Bỉ); năm 1937, ở San Francisco (Mỹ) và cùng năm ấy ở cuộc triển lãm tại Paris (1937).

     Từ đó, trường Mỹ thuật Đông dương, đối với xứ sở, đã có một lực lượng khá mạnh; đối với nền văn hóa Việt Nam, đã tỏa ra rất nhiều ảnh hưởng, ảnh hưởng đến mọi phương diện như xã hội sinh hoạt, tri thức sinh hoạt và kinh tế sinh hoạt ở xứ ta. Nếu để quan sát những sự vật ở quanh ta đã thay đổi biến thiên theo hoàn cảnh và thời gian, ta rất dễ nhận thấy trường Mỹ thuật đã đánh dấu các trình tự tiến hóa của nền nghệ thuật bằng những nét rất quan trọng trên trang lịch sử văn hóa Nam Việt; từ những tấm tranh tết “con cóc dạy học”, “đám cưới chú chuột”..., ta đã bước sang lối hội họa có phương pháp, có viễn vọng, có màu sắc hòa hợp nhau, gây được hứng thú về mặt thầm mỹ. Những tấm tranh lụa, tranh sơn của những ngọn bút nổi danh bày trong các phòng Triển lãm bấy nay đã làm chứng một cách rõ rệt như thế.

     Về nhà cửa, những nếp nhà cổ hoặc cổ diêm thấp xè, hoặc kèo cột lủng củng dần dần nhường chỗ cho những ngôi nhà tân thời ba, bốn từng đồ sộ nguy nga do các kiến trúc sư vẽ kiểu.

     Về phục sức, dựa theo những kiểu thời trang do một vài họa sĩ thả ra, các bạn gái đua nhau cải cách ăn mặc, may sắm những bộ áo tân thời. Nhưng vì quan niệm hiểu sai hai chữ “Mỹ thuật” và lạm dụng cải nghĩa “tân thời” nên lắm khi sự ăn mặc quá khêu gợi, quá lố lăng lại làm mang tiếng cả những người đã có sáng kiến cải cách về y phục. Dẫu sao, đó cũng là những dấu hiệu bề ngoài để ghi một bước tiến hóa về phần hình thức của một dân tộc.

     Ngoài đó ra, những phương diện khác như nghề dệt lụa ở Hà Đông, nghề thêu, nghề lam đăng ten, nghề sơn, nghề đắp nặn, nghề in, nghề chạm trổ, nghề làm đồ gỗ... đều có chịu ảnh hưởng của trường Mỹ thuật Đông dương chẳng ít thì nhiều...

     Nói tóm, trường Mỹ thuật Đông dương đã góp công lớn vào cuộc tiến hóa chung ở xứ này. Suy nguyên công ấy, người ta, hằng năm, không quên đặt cái vòng hoa trước pho tượng bán thân V. Tardieu tiên sinh, mỗi lần gặp ngày kỷ niệm nhà nghệ sĩ chân tài ấy.

HoaBằng