VẼ VÀ SỐNG

      Tương lai rồi đẹp lắm. Chừng nào ta đỡ thấy băn khuăn, nhớ tiếc, thèm muốn một thế giới gì hầu như vẫn có. Chừng nào ta hết bứt rứt, như sẵn một nối mênh mang oan uổng không thốt nổi ra lời. Chừng nào Vẽ và Sống cùng được hòa theo một nhịp.

      Giờ đây quằn quại trong cơn mộng dữ. Vẽ rồi vẽ. Mà hồ xong một bức, nhìn lại đã thấy xa hẳn những đường vẫn nghĩ. Còn chi những cảm giác thắc mắc bên lòng muốn ghi chép nổi lên tranh. Muốn, thường đi một đàng, mà tay vẽ mất nết, vẫn bội phản, đưa ra một nẻo.

      Ta sống hàng ngày với bao nhiêu hình dáng thân yêu. Hình dáng đoán được trong một cái nhìn quen thuộc, đâu từ ngàn xưa, một cái nhìn làm sống dậy cả một dĩ vãng êm ấm, mịt mùng một cái nhìn của người mẹ, một cái nhìn của người nhà quê chất phác gặp bên ruộng đất. Hình dáng một giọng ru em, một câu chuyện kể, một lời tâm phúc... những hình dáng thân thiết đó bao trùm tâm hồn ta, khiến ta nhìn cảnh vật với những đường nét tất phải khác người.

      Trừ ra, khi nào ta lấy thước đo và kỳ khu ngồi ghi chép từng nét một của cảnh vật, theo những quy củ dạy sẵn ở nhà trường, thì chúng ta mới không vẽ khác nhau cho lắm. Nhưng người cầm bút vẽ, đứng giữa tạo vật, đâu phải chỉ còn là đôi con mắt biết phân biệt và một cái tay biết đặt bút ghi đúng, đậm, nhạt, dài, ngắn, một cảnh mình đương ngó. Ta cũng lại không phải chỉ còn khô khan là một khối óc trơ trọi, có thể yên ổn tụ vét và đưa ra những hình sắc, mà mong rằng sẽ thật hoàn toàn mới mẻ và bền vững lâu dài. Cho cả những khi không ngờ, ta vẫn cứ đủ cả giác quan và hơn thế nữa, ta còn là một người bị ràng buộc với bao nhiêu thế hệ, với bao nhiêu hoàn cảnh, trường hợp rất phức tạp, với Sự Thực. Ta không thể tự cấm ta cảm động tự nhiên và rồi, để nghĩ ngay đến một lối diễn tả thích hợp. Vì đó, đã nên bao nhiêu lối tả trong Mỹ thuật, mỗi lỗi mỗi khác. Khác nhau ngay từ trước khi định tả.

      Đừng nói đến những khi ta vẽ không hề cảm động, những khi làm việc đều đặn như một cái máy, theo những điều đã học. Trong những phút rung động say sưa, ta thử bình tâm xét lại, cái Nhịp điệu của những đường nét thực thà cảm thấy.

      Có phải đâu những hình thù vô tư, không nhúc nhích, không hòa hợp, và lăn tăn, nhiều, đủ, như trong mọi chi tiết của ảnh chụp? Cái Nhịp điệu đằm thắm nhất, cảm thấy trong giây phút đó, lại cũng không thể giống mọi nhịp điệu sẵn có của những tác phẩm đồ sộ khác về Mỹ thuật, đã được phổ biến ở một nơi nào trên thế giới. Nhịp điệu đó riêng biệt hẳn và chỉ có trong nếp nghỉ và lối diễn tả Việt Nam.

      Những câu ca dao, những ngôi đình cổ, những bước chân đi... mỗi cái thường mang theo ít nhiều dáng dấp của cái Nhịp điệu vĩnh viễn ấy khiến ta còn nhận được cái phần sót lại qúy báu, dưới mọi nước Sơn phủ kỳ quái, và mong mau đạt tới những thể kết tinh phong phú, hợp lý và huy hoàng.

      Những ai là người đã từng băn khoăn suy nghĩ về Cảm giác riêng của mình, cũng phải nhận đấy là một điều có thực, cũng đã đều cảm thấy, và sẽ dễ đồng ý với tôi rằng: Thực hiện được Nhịp điệu đó bằng một cách nào của Nghệ thuật, tức là có công gây nên cái hoàn cảnh thuận tiện cho sự phát triển hồn nhiên sau này của Cảm giác.

      Lại ngẫm nghĩ riêng về những tác phẩm Mỹ thuật của mọi hồi cực thịnh trên thế giới, rồi đi lui lại, cho tới những đồ cổ sơ của những dân tộc đó, ta sẽ thấy những hồi thịnh chỉ là những hồi đã tìm được cách phô diễn, rực rỡ và rõ ràng hơn, những mầm gốc tự nhiên có sẵn, mà bao nhiêu thế hệ trước đã từng ghi chép lại một cách sơ sài.

Sinh viên trường Mỹ thuật Đông dương đi thực tế tại Văn miếu quốc tử giám 

      Mỹ thuật Việt Nam đã trải bao phen bị hủy hoại, bị tàn phá hoặc bị dụng tình đè nén bằng nhiều cách. Kiến trúc và Điêu khắc lại thường dùng gỗ làm vật liệu chính, thì ở một xứ ẩm thấp như xứ này, lại thêm luôn luôn những trận lụt khủng khiếp những cơn cháy hãi hùng, tang thương đã không phải nhỏ. Di tích mỹ thuật của Việt Nam còn lại cũng không nên lấy làm lạ. Mất tích qúa đã nhiều, nhưng rải rác sót lại chút nào vẫn thừa duyên để lưu luyến, yên ủi, vỗ về lòng mong mỏi cái Đẹp muôn năm của Việt Nam và còn dư sức khuyến khích, thôi thúc luôn luôn theo đuổi công việc tìm tòi ấy. Những thời xưa đó sở dĩ để lại được cho hậu thế những hình dáng quen thuộc, mặn nồng và hồn hậu hơn những bộ tịch "lai" trong tranh của chúng ta cấu tạo hàng ngày, là vì người xưa đã thực thà hơn chúng ta ngày nay, nên đã ghi chép nổi cái Nhịp điệu đặc biệt, hằng thân thiết về Hình Sắc của Trời riêng cho Ta cảm thấy.

       Không dụng tình phục cổ, tôi chỉ tin rằng muốn tiến thì trước tiên phải thực.

      Nhưng thực đối với chúng ta ngày nay không phải chuyện dễ nên trong chốc lát, mà là cả một công trình cố gắng rất kiên nhẫn... để quên, để thấy. Cố gắng tìm ta, thực với ta, thì rồi thật không thóat khỏi sẽ cảm thấy cái phần mà, duyên số ta, đã phải mang tự muôn xưa.

      Cho tới nay, tôi vẫn tin rằng: “Vẽ là luôn luôn tìm lối phô diễn cái Nhịp điệu thân thiết đó, mà nghỉ đến gột rửa những cặn bã vướng óc mỉnh, đã nhầm hấp thụ phải, tức là có chịu hy sinh cùng tận tụy, ngõ hầu mong tiến trên con đường sung sướng Hiểu biết chân thành sự Sáng tác Cao cả”.

      Tận tụy mà cầu thì Chân Hạnh Phúc sẽ đến và mai sau đây mới thực thấy huy hoàng.

#NguyễnĐỗCung