TỪ MỘT BẢO VẬT QUỐC GIA
Bảo vật ấy ra đời từ những cục đá mài và một bàn tay hăng hái, từ Xưởng họa Quần Ngựa (Hà Nội) nơi gặp gỡ các họa gia Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Mai Trung Thứ làm nên một trường phái hội họa Hà Nội những năm 30 – 40 thế kỷ XX. Những bàn tay tài hoa ấy … khi đong đưa run rẩy trước tấm toan trắng, khi cào cấu đập tung trên tấm sơn ướt đầy bí ẩn ám ảnh một thời quá vãng – Bàn tay nghệ sĩ Nguyễn Gia Trí nhiều lần như thế trên những tấm sơn qua lời kể của các bạn đồng khóa để ta thấy được con đường đi đến một bảo vật quốc gia.
Năm 1965, họa sĩ Trần Quang Trân (Ngym) cho biết Nguyễn Gia Trí học cùng ông khóa IV đang học dở dang năm thứ hai thì bỏ đến khóa VII lại tiếp tục học cùng khóa với Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn, Vũ Đức Nhuận… Mặc dù nắm vững kỹ thuật sơn dầu Châu Âu, Nguyễn Gia Trí lại hướng vào chất liệu dân tộc sơn ta. Khoảng cách bỏ dở không học giữa hai khóa IV – VII Gia Trí làm gì? có người nghi ngờ ông bị ốm (ốm gì mà lâu thế!) có người lại đoán ông đi làm chính trị, nhưng sau sáu bảy năm đóng cửa tìm tòi không giao tiếp bạn bè đến nỗi phóng viên báo Ngày nay, Indochine, Volonté Indochinoise phải lên tiếng: “Chúng ta đến thăm Trí đi, anh ta vẽ bằng than hàng năm trời rồi…”. Nhà thơ Huy Cận kể rõ ràng hơn khi nhắc đến người bạn đóng cửa tuyệt giao bạn bè này “… “Tôi bắt đầu quen biết Nguyễn Gia Trí từ tháng 10 – 1939 lần đầu tiên gặp anh ở báo Ngày nay (cơ quan ngôn luận của nhóm Tự lực văn đoàn. HY) Anh mang kính cận rất nặng, hàm răng rất trắng, đầu húi “cua” (tóc cắt ngắn) có dáng như một nhà lực sĩ, hai bắp tay gân guốc, mài tranh không hề biết mỏi. Có lúc anh vừa mài tranh vừa nói chuyện với chúng tôi. Anh mài say sưa rõ ràng mài nhưng không phải là động tác cơ khí mà là một động tác sáng tạo. Vừa mài anh vừa cười vui giải thích về cái nghề mài tranh độc đáo này…”
Tôi hiểu với ông, tranh sơn mài thực sự là hội họa không còn vương vấn chất mỹ nghệ kệch cỡm, bảng màu đôn nhã bình ổn của ông đã tạo cho sơn mài một ngôn ngữ rộng lớn khoáng đạt thiết tha thả sức tung hoành cho cảm xúc nghệ thuật. Nhắc đến ông người nào cũng phải thốt lên: Gia Trí đã để lại một vẻ đẹp; sơn mài lộng lẫy tôn giáo, cổ điển bởi ông là người duy nhất đã khám phá cái linh biến của sơn mài truyền thống biến nó, chuyển cả thể chất thành quý vật không còn tầm thường nữa mà đài các quý phái khó tính. Biết bao thí nghiệm mò mẫm của Trần Quang Trân, Lê Phổ, Nguyễn Khang, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn. Thành công đó đã nhường cho Nguyễn Gia Trí.
Quãng thời gian từ 1938 đến 1944 là thời kỳ cực thịnh của ông. Để có bước thành công ông tuyệt giao bạn bè sáu bẩy năm liền, một sự hy sinh hiếm có ông biến mình thành một vị chân tu cô lập mà thuần khiết thánh thiện, nối với ngoài đời trần tục bằng những tác phẩm phong cảnh, thiếu nữ gần gũi với “Cảnh làng quê”; “Chợ Bờ”; “Hồ Gươm trung thu”; “Thiếu nữ bên hồ sen”… Với sắc vàng óng ánh, vỏ trứng nhễ nhại, sơn then thăm thẳm. Những chất liệu của sơn mài truyền thống: Đen (then), đỏ (son) vàng quý, bạc quý đã chung sống với vỏ trứng một chất liệu được ông chú tâm ứng biến qua nhiều cấp độ: đập vụn, tung vãi, dồn nén quy tụ nhẩy nhót tưng bừng trên tà áo dài thiếu nữ, vẻ đẹp thiếu nữ được diễn tả tài hoa là hiện thân của khát vọng tự do, mộng mơ. Tranh “Thiếu nữ bên cây phù dung”; “Thiếu nữ bên bờ suối” những năm 60 trong sưu tập của ông Đức Minh là đỉnh cao của hòa sắc liêu trai sơn mài Nguyễn Gia Trí.
Mùa đông năm 1978 một đoàn chuyên viên nghiên cứu mỹ thuật đã đi khảo sát sưu tầm tranh cận hiện đại tại Sài Gòn và trưng bày chuyên đề: Nghệ thuật điêu khắc cổ tượng cổ tại bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn được giới thiệu tại nhà khách Đà Lạt (xưa là dinh Bảo Đại) có một bình phong lớn do họa sĩ Nguyễn Gia Trí thể hiện. Bức bình phong này rất nhanh chóng được chuyển từ Đà Lạt về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thay vào bức Nguyễn Gia Trí ở Đà Lạt là bức bình phong sơn khắc “Tây Nguyên bao la – Tây Nguyên hùng vĩ” của hai anh em họa sĩ Nguyễn Như Hoành – Nguyễn Như Huân sáng tác năm 1960 có kích thước tương tự.
Đây là một tấm bình phong cỡ lớn được Nguyễn Gia Trí sáng tác khoảng thời gian 1938 – 1944 gồm 8 tấm có giá đỡ kích thước 160x400cm, hai mặt trang trí thiếu nữ trong vườn và phong cảnh thiên nhiên. Đây cũng là tác phẩm bình phong duy nhất bảo tàng mỹ thuật Việt Nam được sở hữu nên phòng nghiên cứu đã có nhiều công trình nghiên cứu kỹ để tiếp đến hoàn chỉnh bộ hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.
Tác phẩm Thiếu nữ trong vườn - Họa sỹ Nguyễn Gia Trí
Công việc đầu tiên là tìm tên cho tác phẩm và phong cách sáng tác trên tấm bình phong này đề tài thiếu nữ, phong cảnh. Trở lại với cuộc triển lãm ngày 11 Janvier 1939 tại trường Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Gia Trí công bố tác phẩm sau 6,7 năm tìm tòi thể hiện trên những tấm bình phong cỡ lớn.
Bài viết của họa sĩ Tô Ngọc Vân về triển lãm này trên báo Ngày nay ngày 21 Janvier 1939 nhận xét: “Bốn bức bình phong bày trong phòng triển lãm bốn lối bố cục, bốn cách dùng màu nhân vật đặt trong những hoàn cảnh đặc biệt chỗ thực chỗ hư những cô gái quê giấu kín thân hình trong đụn áo luộm thuộm xù xì ở bức tả “Đình làng vào đám” với sự thực ngộ nghĩnh buồn cười, những bóng ma hình người dáng điệu nhẹ nhàng khêu gợi hiện lên trên tấm bình phong vàng kệch ở thế giới nào đưa lại với tất cả vẻ thơ của một giấc mộng đẹp”.
Nếu bức bình phong sưu tầm được từ Đà Lạt có mặt trong triển lãm này lại mang một phong cách khác cả hai mặt tranh Thiếu nữ trong vườn và Phong cảnh Nguyễn Gia Trí làm rất cẩn thận. Tạo hình các thiếu nữ đang rong chơi chạy nhảy trong vườn, mô-típ ba cô gái túm tụm từng nhóm như gợi ý cho những sáng tác sau này của ông trên tranh “Vườn Xuân Bắc Trung Nam” (sưu tập Bảo tàng mỹ thuật TP Hồ Chí Minh). Đó là hình ảnh thiếu nữ dịu dàng đa cảm, những vạt áo loang loáng trong nắng xuân, những dáng điệu tưng bừng tung tăng tuổi trẻ giúp ta quay trở lại ký ức xưa với cảnh vật con người tràn ngập tình đất hương cây nồng ấm.
Tác phẩm Dọc Mùng - Họa sỹ Nguyễn Gia Trí
Mặt phong cảnh với lá khoai môn, lá chuối quen thuộc được họa sĩ Hoàng Lập Ngôn khẳng định trên tranh là lá môn và chuối giống cách gọi tre và chuối tên một tranh sơn mài của họa sĩ Văn Bình (1960). Chú thích của Bảo tàng Mỹ thuật ở tác phẩm này là “Thiếu nữ trong vườn – Phong cảnh”. Gần đây trong các lời giới thiệu mặt phong cảnh có tên là “Dọc mùng”. Tên nào cũng hay nhưng cần thống nhất một tên từ nghiên cứu tư liệu đầy đủ của Bảo tàng Mỹ thuật từ khi có tác phẩm này (1978) trong bộ sưu tập quý.
Bức bình phong này là điểm nhấn của phòng trưng bày cận đại Bảo tàng Mỹ thuật. Người xem thỏa sức chiêm ngưỡng với từng chi tiết thể hiện tài năng bậc thầy hội họa Nguyễn Gia Trí. Người đã can đảm lao vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm như một định mệnh của số phận cuộc đời./.
#NguyễnHảiYến