TRƯỚC HẾT LÀ GIÁ TRỊ CON NGƯỜI

     Có quan tâm ít nhiều tới nền văn hoá Việt Nam, chắc ai cũng nghĩ rằng, bài học đầu tiên của truyền thống, ở đây là giá trị Nhân đạo, phản ánh cuộc đấu tranh tồn tại của dân tộc qua những ngàn năm lịch sử, để đạt tới tình yêu và lòng tôn kính con người.

     Nền văn hóa Đông Sơn, từ thiên niên kỷ III trước Công Nguyên, mà đại diện thuyết phục trên toàn thế giới là những trống đồng lừng danh, đã nói lên đời sống lạc quan, yêu đời, của một cộng đồng nhân loại nông nghiệp khá lớn, quần tụ rất sớm ở vùng Đông Nam Á, một đời sống hòa bình chan chứa giữa con người và vũ trụ. Từ đó tới nay, nhìn lại những thời điểm lịch sử then chốt của mình, những gi còn lại trong nền mỹ thuật Việt Nam, dù là ở triều đại nhà Lý 1009 - 1225 với sự gặp gỡ tất yếu với tinh thần Phật giáo chính thống, dù là ở thời kỳ thắng thế của một trào lưu văn nghệ dân gian cực kỳ phong phú như vào thế kỷ XVII, hay đặc biệt từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã tạo tiền đề cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khi nền văn nghệ mới xã hội chủ nghĩa tự chuẩn bị để đóng vai trò duy nhất trên đất nước, thì bao giờ mỹ thuật Việt Nam cũng muốn chan chứa một tâm hồn dân tộc giản dị, chỉ biết có tình cảm đằm thắm trước nhân loại và thiên nhiên, với bản sắc không gian và thời gian riêng của mình.

     Tôi chợt nghĩ rằng, ở phương Tây thì có khác. Vì gì, vào cuối thế kỷ trước, Paul Gauguin đã chối bỏ nước Pháp quê hương, với nền văn minh cơ khí, mà ra đi rồi chết ngoài hải đảo, chỉ cốt tìm cái bình yên, nhân ái, nguyên thủy của đời sống khi còn hoang mạc? Phải chăng bức tranh rất lớn của ông, mang cái tên Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là ai? Chúng ta đang đi đâu? (1897 - 1898), hiện treo ở Bảo tàng Boston (Hoa Kỳ), có giá trị trước hết như một lời kêu gọi triết học bi thảm, lời kêu cứu trước sự xô bồ của thế giới Âu - Mỹ đấy cơ khí, nơi máy móc chực lẫn át, choán chỗ và xóa bỏ con người, trước nhất là con người nghệ sĩ, bị coi như một bộ phận vô vọng. 

     Cha ông chúng ta xưa kia đã phải tốn bao xương máu để bền bỉ bảo vệ nền nghệ thuật nhân đạo của mình, đặc biệt là đã oanh liệt đánh trả chính sách đồng hóa xưa kia của bọn phong kiến phương Bắc, cũng như những ý đồ nô dịch của nền văn hóa thực dân mới gần đây trên một phần đất nước. Cho nên, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay ở nước ta sẽ không thể là mâu thuẫn và tổn hại đối với những tìm tòi nghệ thuật, mà ngược lại, là nhấn đậm vẻ đẹp nhân đạo thường trực của nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, bởi hơn bao giờ hết, ta muốn hiểu rằng ngày nay, chủ nghĩa xã hội là đồng nghĩa với giá trị cao nhất và nguyên vẹn của con người.

     Tôi xin phép dẫn ra đây trường hợp hội họa sơn mài của chúng ta, một chất liệu, hay nói đúng hơn, một thể loại mỹ thuật, mà ở đó, tôi có tìm thấy những giải đáp nhất định, khi mỹ thuật đi cùng với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật.

     Trước những năm 30 của thế kỷ XX, Sơn mài cổ truyền của Việt Nam chỉ luẩn quẩn trong giới hạn thủ công mỹ nghệ với vài ba màu gốc (đen, son, vàng kim và cánh gián tức nâu). Mấy chục năm gần đây, nhờ những tim tòi của kỹ thuật hóa chất, chúng ta đã làm phong phú thêm bảng màu, tăng độ bền của nền, rút gọn một số thời gian cho việc chuẩn bị vóc và thể hiện tranh... Phần nào nhờ đó mà khả năng sơn mài thuần trang trí xưa kia lên trình độ hội họa. Hội họa sơn mài của chúng tôi ngày càng phong phú về chất liệu. Nhiều màu mới được tìm ra, nhiều kỹ thuật thể hiện mới được thực nghiệm, việc giảng dạy Sơn mài ở Trường Mỹ thuật Yết Kiêu đã trở thành nguồn cảm hứng say mê nhất của lớp trẻ. Nhiều thành tích cụ thể của sơn mài đã rõ ràng, qua những cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Tóm lại, từ một chất liệu mỹ nghệ của một kỹ thuật cổ truyền, sơn mài của chúng ta đã được cải tiến và phát triển cao, nhờ những đóng góp của khoa học kỹ thuật.

Buổi chấm thi hết năm học thứ III & IV năm 2020 tại trường đại học mỹ thuật Việt Nam. 

     Nhưng điều cốt tử là, nếu như nghệ thuật sơn mài của Việt Nam đạt được những thành tích rực rỡ, như mọi người đã thừa nhận, thì căn bản là bởi các nghệ sĩ đã nhìn thấy ở đấy sự gặp gỡ mới, giữa xã hội và con người mới, dưới ánh sáng mới của chủ nghĩa nhân đạo trong đời sống nghệ thuật.

     Chưa bao giờ chúng tôi định kéo tuột hội họa sơn mài về phải nghệ thuật, máy móc hóa sự sản xuất nghệ thuật thành hàng loạt và đồng loạt. Chúng tôi vẫn xúc động nhiều hơn khi từ cái hơi ấm thực của tâm hồn và bàn tay nghệ sĩ, mà hồi hộp chờ đợi tình, sắc hiện dần lên dưới cái công việc cá biệt kỳ thú là mài lớp sơn, trong việc đắn đo giát từng lá vàng rực cháy, hay đột ngột gắn từng đốm vỏ trứng lung linh.

     Cuộc gặp gỡ giữa nghệ sĩ với chất liệu của mình, trong truyền thống mỹ thuật của chúng ta, từ hội họa đến điêu khắc, từ một lọ gốm nhỏ đến một quần thể kiến trúc, đều được hiểu là sự đồng cảm thiết tha giữa con người với thiên nhiên, giữa đời sống xã hội với đời sống vạn vật. Có lẽ là từ nguồn gốc kín đáo và sâu xa này mà người Việt có cách gọi Tổ quốc mình là Đất Nước (dịch ra tiếng Pháp chỉ là "Terre Eau"; còn ra tiếng Anh chỉ là "Land Water ...). Họa sĩ vẽ lụa chúng ta muốn làm sống tiếp cuộc đời thiên nhiên của những con dâu tằm trên nền tranh. Nhà điều khắc muốn làm sống tiếp cuộc đời thiên nhiên của gỗ, đá, lên tượng. Nhà kiến trúc muốn cỏ, cây, sông, núi cùng chan hoà trong nhà cửa của con người. Làm chết thiên nhiên không phải là mục đích của họ. Người Việt Nam muốn nhìn ngắm một tác phẩm mỹ thuật, một đồ dùng mỹ nghệ để thấy được bóng dáng quê hương trong đó.

     Rõ ràng, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang làm thay đổi nhiều giá trị, mà thiết thân nhất đối với nghệ thuật tạo hình là mở rộng rất nhiều hai khái niệm vật thể và không gian, trên cả hai bình diện vật lý học và triết học. Dưới con mắt của họa sĩ Âu châu, hai sự thật này đã hiện lên thuẫn lý trong nhiều thế kỷ trước đây, trong giới hạn của một vài nguyên tắc khoa học từ thời Phục hưng để lại. Nhưng, đối với nghệ sĩ Việt Nam, từ hai nguồn hiểu biết: 

     1) Tâm lý tạo hình cổ truyền của nghệ thuật dân tộc.

     2) Những phát kiến của khoa học kỹ thuật mới, mà bao giờ họ cũng hăng hái học tập và trân trọng, họ đang tìm đạt tới một không gian tạo hình sinh động hơn, rạng rỡ và nhân đạo hơn, để phản ánh cho được hiện thực mới, đầy mơ ước và hy vọng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước mình. Nghĩa là, nghệ sĩ Việt Nam đang vươn tới một không gian xã hội học trong sáng, không phải chỉ bằng những tìm tòi kỹ thuật về hình thức, mà trước hết là bởi nhu cầu nội tại của sự phản ánh trung thành và tích cực một hiện thực rộng lớn, với nhiều giác độ khẩn trương và toàn diện. Chúng tôi không nhìn hiện thực của mình từ một điểm trước mắt một cách máy móc, cố định, giống như dưới thứ ánh sảng lạnh lùng, bố trí của xưởng họa hàn lâm trước đây, mà nhìn đất nước sống động chuyển mình trong bầu ánh sáng đan xen, tràn ngập cuộc sống và sáng tạo thực.

     Một vài thành công của chúng tôi về hội họa sơn mài đã thấy xuất hiện trên những bố cục mạnh dạn, rộng rãi, những hòa sắc tươi sáng, những hình họa chuyển mình với nhịp điệu bất ngờ, hưng phấn. Từ những thành công đó, một vài tác giả đang bắt đầu mạnh dạn dùng sơn mài trong tranh khổ lớn, với những đề tài anh hùng ca. Trên những thành công này, quê hương đang hiện lên trong vóc dáng mới, cao đẹp hơn, rạng rỡ hơn, và trên tất cả là Nhân đạo hơn trong thế kỷ khoa học kỹ thuật này. 

#DươngViên#TháiBáVân