TRANH SƠN MÀI VIỆT NAM

     Tranh Sơn mài cùng với tranh lụa đã làm nên cái khởi sắc và cũng là bộ mặt của nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại kể từ những năm 30 trở lại đây. Nếu tranh lụa mở đầu một cách hanh thông, khẳng định ngay chỗ đứng trên thế giới thì tranh sơn mài phải trải qua một thời kỳ dài mò mẫm và phải được nhiều người tâm thành chung lưng đấu cật mới làm cho tranh sơn mài cất cánh và mở chân trời sáng tạo rộng lớn chưa lường hết được. Ngay từ những năm đầu tiên mới thành lập, Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã đón những nghệ nhân có tay nghề cao về sơn ta để lập xưởng ngay trong trường chuyên thực hiện các bài tập trang trí xuất sắc của sinh viên nhà trường. Chính tại xưởng sơn ta của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương một số sinh viên Việt Nam có óc tò mò khoa học, trong giờ trang trí, đã cộng tác thân thiết với một số nghệ nhân giàu kinh nghiệm để đưa sơn ta từ một chất liệu đơn thuần trang trí dần dần trở thành một chất liệu có những khả năng biểu đạt nghệ thuật. Bác phó Thành (Đinh Văn Thành) là một trong những nghệ nhân mà tên tuổi được giới họa sĩ làm tranh sơn mài trọng vọng do tay nghề cao, do lương tâm nhà nghề và còn do luôn sẵn sàng lao vào các cuộc phiêu lưu với sự gợi ý của họa sĩ để mở rộng hơn nữa những khả năng biểu hiện của sơn ta vượt ra khỏi khuôn khổ đã định vị của một nghề cha truyền con nối từ bao đời nay.

     Thuật ngữ Sơn mài là một thuật ngữ mới mẻ ra đời từ những năm 1930, tiếng Pháp là Laque poncée dùng trong Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thoạt đầu, tiếng dùng chưa thống nhất, trong ngôn ngữ thông thường thì dùng tranh sơn ta để đối với tranh sơn dầu của Tây; trên tờ Thanh Nghị số ra ngày 19/8/1944, Nguyễn Đỗ Cung đã viết: "Chất sơn dừa đủ bắt đầu nhấc cánh”. Đến năm 1948, tờ Văn nghệ kháng chiến số ra ngày 19/7 đăng bài Sơn mài của Tô Ngọc Vân: "chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là sơn ta nhưng đã biến hóa hẳn do nghệ thuật mài sơn”, để từ đó có thuật ngữ thống nhất với một nội hàm được xác định.

     Sơn ta là loại sơn thảo mộc lấy từ nhựa cây sơn độc hại thường gây bệnh gọi là lở sơn (tên khoa học là rhus vernicifera) không phải chỉ có ở Việt Nam mà có cả ở Trung Quốc và Nhật Bản. Cả 3 nước Viễn Đông này đều biết dùng nhựa cây sờ vào việc chế tác đồ thủ công mỹ nghệ dùng trong thờ cúng và dùng trong gia đình, không phải mới gần đây mà có nguồn gốc xa xưa (mộ cổ Việt Khê ở Việt Nam thời Tây Hán ở Trung Quốc). Sử Nhật Bản ghi người Nhật đã dùng đồ sơn nhựa cây từ thời Asuka (538-645), đến thời Nara triều đình lập riêng một sở trông coi phường thợ sơn và chia ruộng đất cho nông dân chuyên trồng cây dâu và cây sơn như nghĩa vụ. Ở Việt Nam, cây sơn trồng trên các đồi Phú Thọ cho loại nhựa tốt nhất là loại nhựa lấy từ lúc mặt trời chưa mọc. Jean Dunand (1877 - 1942) là một nhà tư sản Pháp, sau Đại chiến thứ nhất đã đón cả một hiệp thợ sơn có tay nghề ở Việt Nam sang Paris lập xưởng sớm nhựa, ông đã nhận trang trí toàn bằng sơn nhựa tất cả phòng khách lớn trên tàu xuyên Đại tây dương "Noócmăngđi” nổi tiếng một thời trước Đại chiến thứ hai. Dunand đã viết bài khảo cứu về sơn ta và dịch đăng nhiều kỳ trên tờ Khoa học tạp chí của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ở Nam bộ trong những năm 30.

     Sơn nhựa cây đến khi có lớp họa sĩ mới ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẫn dừng lại ở chức năng bảo quản và trang trí đồ dùng thường ngày. Trong hội thảo nhân kỷ niệm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, những người tham dự đã khẳng định hai phát kiến quan trọng nâng Sơn nhựa cây từ một chất liệu trang trí thuần túy thành một chất liệu mới trong sáng tác tạo hình: họa sĩ Trần Quang Trân không dùng nguyên vẹn quỳ vàng để dát mà nghiền thành bụi vàng rắc lên tạo ra nhiều sắc độ khác nhau của ánh sáng - họa sĩ Trần Văn Cẩn cùng bác phó Thành mài màu sơn cho nhập hẳn vào tranh, trước đó không có kỹ thuật này. Người ta hăm hở vẽ tranh sơn mài như vẽ tranh lụa, tranh sơn dầu hay tranh khắc gỗ, in đá, bột màu. Cái khác lạ giữa việc vẽ tranh sơn mài và vẽ tranh sơn dầu là: ở Sơn dầu chủ yếu nghệ sĩ đắp phủ sơn lên, hình thể hiện rõ trước mắt để biết ngay hiệu quả cuối cùng - ở sơn mài là một quá trình ngược lại, họa sĩ mài lớp sơn phủ kín tất cả hình thể, đường nét, màu sắc cùng các chất biểu cảm đặt trên nền vóc, quá trình mài bỏ lớp sơn phủ là quá trình làm hiện lên hình tượng nghệ thuật cuối cùng. Chất liệu còn nhiều khả năng tiềm ẩn để ngỏ nhiều con đường cho khám phá sáng tạo mới; ngoài then, son, vàng kim, theo đúng cách truyền thống người ta còn tạo hình bằng gắn vỏ trứng và bằng nhiều cách khác ngoài mong đợi. Chất liệu mới đã đáp ứng quan niệm thẩm mỹ lâu đời của người Việt, nghệ thuật phải thực nhưng vẫn thấy như là hư, hư đấy nhưng mà vẫn cảm nhận rõ ràng là thực.

Nghệ nhân Đinh Văn Thành và Họa sỹ Phạm Hậu trong giờ thực hành đánh sơn ta tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội

     Tuy nhiên, trong nghệ thuật, chất liệu dù có vai trò rất quan trọng không thể chối cãi được, nhưng tự nó sẽ vô hồn nếu không có tài năng thổi vào nó luồng sinh khí làm rung động tâm hồn người xem. Cần phải có những họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sớm mài, cảm nhận sâu sắc chất liệu và làm chủ kỹ thuật biểu hiện của loại chất liệu đỏng đảnh khó tính ấy. Năm 1944, khi so sánh những bức sơn mài của Nguyễn Gia Trí vẽ năm 1939 và năm 1944, Nguyễn Đỗ Cung đã thốt lên: "Đen đỏ vàng. Với những màu hơn kém nhau chút ít của nghề sơn, họa sĩ đã cho ta cuộc sống mà sự giàu sang tương tự như cuộc sống của ta. Còn gì khô sượng bằng vỏ trứng gà giữa mấy màu đen, đỏ. Vỏ trứng đó đã thanh ánh sáng nhễ nhại và huyền diệu trên thân thể của một thiếu nữ mặc áo đỏ trên một bức sơn. Giữa một cảnh lộng lẫy, thiếu nữ đó đã tưng bừng đi ra cũng mặc áo xám xanh. Sắc xám xanh này chỉ có sơn đen và vỏ trứng gà. Người ta đã quên chất sơn, quên đầu đề, quên hết để mà tưởng được sống giàu sang cảnh họa sĩ Nguyễn Gia Trí”.

     Cách mạng tháng Tám 1945 rồi kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các họa sĩ Việt Nam rời bỏ đô thị bị chiếm đóng cùng nhân dân đánh giặc cứu nước. Khi đời sống kháng chiến dần được ổn định vùng tự do, các họa sĩ tập hợp nhau lại lập xưởng họa ở Xuân Áng, Phú Thọ, xưởng họa Quần Tín, Thanh Hóa. Các họa sĩ bắt tay nghiên cứu sơn mài, gia tăng bảng màu còn rất hạn chế của sơn truyền thống, đưa thẳng vào nghệ thuật cuộc sống của người dân thường, tranh được độc lập dân tộc và có ý thức cao về cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam. Xưởng họa Quần Tín, Thanh Hóa, ra một tập san giới thiệu tranh in đá của các họa sĩ vẽ về làng Cảnh Dương chiến đấu. Cũng tại đây ra đời bức mài Cái bát của họa sĩ Sỹ Ngọc hấp dẫn do hình tượng trực tiếp, mạnh, do tình cảm chân chất mà sâu xa, đồng thời cho thấy khả năng của sơn mài thoát khỏi tháp ngà nghệ thuật để dấn thân vào đời sống. Tô ngọc Vân đã nói với niềm tin sắt đá: "Ở tình thế đặc biệt kháng chiến của nước ta, sơn mài là hoạt động hội họa độc nhất có thể thực hiện được, bởi những nguyên liệu dùng cho sơn mài chúng ta có sẵn để tự cung. Cuộc kháng chiến càng trường kỳ, chúng ta lại càng dư thời giờ đưa sơn mài đến tột bậc của ĐẸP, để phút đầu độc lập của chúng ta, sơn mài được điều luyện trong tay người Việt Nam, sẽ trao như kỷ niệm của những người đã chiến đấu cho tự do hòa bình, trao sang tay các nhà nghệ sĩ trong thế giới góp một phần vào sự xây dựng một nền văn nghệ mới cho nhân loại”.

Tác phẩm Em đi học chữ Bác Hồ - Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên

     Điều mà Tô Ngọc Vân dự đoán năm 1948 thì mười năm sau trở thành hiện thực cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958. Có thể coi Triển lãm 1958 là một dấu son trong sử nghệ thuật sơn mài nói riêng và trong sử mỹ thuật Việt Nam; nhân dân tổ quốc - nghệ thuật quyện chặt vào nhau trong tâm hồn nghệ sĩ và toát lên tranh tràn đầy cảm hứng trong sáng, dung dị. Cuộc triển lãm tiếp theo, năm 1960, cũng là một sự tôn vinh của nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Chất liệu truyền thống trong tay các họa sỹ sơn mài Việt Nam đã thành ngôn ngữ nghệ thuật linh động phô diễn được cảm xúc phong phú trước các đề tài ngày càng mở rộng. Sự kỳ diệu của chất liệu giúp nghệ sĩ rất đắc lực trong việc kết hợp diễn tả cuộc sống vốn dĩ là thế với cuộc sống phải trở nên như thế. Nhiều họa sĩ có những tác phẩm để lại dấu ấn cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam: Trần Văn Cẩn với Tát nước đồng chiêm, Nguyễn Sáng với Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Nguyễn Đức Nùng với Bình minh trên nông trang, Hoàng Tích Chù với Tổ đổi công miền núi, Nguyễn Tư Nghiêm với Ông Gióng, Phan Kế An với Nhớ một chiều Tây Bắc, Huỳnh Văn Thuận với Thôn Vĩnh Mốc, Trần Đình Thọ với Tre, Nguyễn Văn Tỵ với Nhà tranh gốc mít, Văn Bình với Vịnh Hạ Long, Nguyễn Thế Vinh với Lớp học bổ túc văn hóa ở Tây Nguyên, Lò An Quang với Xây trụ cầu Thăng Long, Huỳnh Văn Gấm với Cô Liên, Dương Bích Liên với Bác Hồ đi công tác ở Việt Bắc, Hoàng Trầm với Mẹ chiến sĩ, Hồ Hữu Thủ với Chị em, Dương Viên với Niềm tin, Vũ Duy Nghĩa với Ngọn đèn chài, Phòng Phẩm với Chống hạn, Lê Quốc Lộc với Tư trong bóng tối, Trần Duy với Hoa mùi, Phan Văn Đôn với Phong cảnh Phnom Penh, Phạm Việt với Trong lòng đất, Xuman với Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên, Phạm Việt Hải với Phong cảnh, Đoàn Văn Nguyên với Em đi học chữ Bác Hồ, Lê Trí Dũng với Cổ tích, Doãn Tuân với Hội làng bán thóc, Huỳnh Phương Đông với Mặt trận phía nam cầu chữ Y, Thái Hà với Trong rừng U Minh, Nguyễn Hiểm với Qua cầu khỉ, Nguyễn Khang với Hữu nghị, Kim Đồng với Lò nồi thủ công...

Tác phẩm Bình Minh Trên Nông Trang - Họa sỹ Nguyễn Đức Nùng

     Có họa sĩ dụng Tâm cho thấy sơn mài cũng như sơn dầu đủ khả năng diễn khối nổi theo nghệ thuật cổ điển châu Âu như Nguyễn Đức Nùng trong bức Bình minh trên nông trang, Nguyễn Sáng trong bức Lớp học ban đêm, hiệu quả thật tốt đẹp do cảm xúc mạnh và tay nghề cao. Nhưng các họa sĩ không muốn đóng sơn mài vào cái khuôn có sẵn của sơn dầu để khai thác sâu hơn khả năng của sơn mài tạo dựng một không gian nghệ thuật mà sơn dầu không cung cấp được. Trước thành tựu của nghệ thuật sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là trường đại học ở nước ta sớm có sinh viên nước ngoài đến học về chuyên sơn mài. Họa sĩ Phạm Tăng sống bên phương Tây nhưng vẫn sáng tác bằng sơn mài. Nhiều bậc lão thành như: Phạm Hậu, Phạm Đức Cường, Hoàng Tích Chù... rất tận tụy trong việc truyền nghề cho các lớp người trẻ nhanh chóng làm chủ được kỹ thuật sơn mài tránh phải mò mẫm đi đường vòng. Trong sự thành công của một số họa sĩ ta cần tính đến sự góp sức của những nghệ nhân chuyên nghề làm vóc, làm sơn. Sự hợp tác chặt chẽ giữa nghệ sĩ và nghệ nhân, đó cũng là nét riêng của nghệ thuật sơn mài. Chân trời của nghệ thuật sơn mài thật rộng lớn còn dành cho các thế hệ mai sau tiếp tục khám phá sáng tạo phù hợp với thời đại của mình.

#HoàngCôngLuận