TRANH KHẮC GỖ PHƯƠNG ĐÔNG - PHƯƠNG TÂY

      Nếu chỉ nói riêng về khắc thì con người đã biết khắc các hình động vật vào xương, vào đá ngay từ thời nguyên thủy. Bản chất việc khắc đã tạo nên cho con người cái cảm giác mạnh mẽ sâu sắc, dứt khoát, bền lâu. Nếu nói về nghệ thuật khắc gỗ và in chữ trong sách - với hình minh họa đơn tuyến - thì ở phương Đông có thể người ta đã làm it ra cũng trên 300 năm trước công lịch.

      Nhưng hiện nay không có bằng chứng cụ thể về Tần Thủy Hoàng thống trị ở Trung Quốc năm 213 trước công lịch đã đốt sách, chôn học trò để tiêu diệt tăn tốc mọi chống đối của nho sĩ. Bị cắt đứt với quá khứ, con người phải quay lại với những bước dò dẫm ban đầu thường kéo dài chậm chạp hàng nghìn năm. Mục đích đầu tiên của nghệ thuật khắc gỗ trước sau vẫn là tìm cách nhân những trang chữ thành nhiều bản để phổ biến và giữ nguyên văn lại lâu bền trong bản khắc. Thế kỷ II sau công lịch, người Trung Quốc đã in được mấy trang chữ bằng bản khắc nét chữ lõm trên mặt đá mài phẳng: chữ trắng trên nền đen. Sau mới tìm lại được cách thuận lợi hơn là khắc nét chữ nổi trên gỗ để in chữ đen trên nền trắng.  Đối với Trung Quốc, chữ và hình vẽ là hai chị em sinh đôi "thư hoạ đồng nguyên" nên đã in được chữ người ta nghĩ ngay tới in hình vẽ ... Bản in khắc gỗ vào thời kỳ sớm nhất hiện nay sưu tầm được, xuất hiện ở Trung Quốc năm 868 sau công lịch nhưng nghề in ở Trung Quốc chắc chắn có sớm hơn nữa, vì người Nhật Bản đã áp dụng phương pháp in khắc gỗ của Trung Quốc để in sách từ thế kỷ VII. Thời ấy chữ và hình vẽ mới chỉ in với một bản khắc màu đen. Qua một số hình vẽ chỉ đi nét chu vi trong kinh phật cổ, người ta nhận thấy tính khái quát, ước lệ cao chứa đựng một tín hiệu thông tin cô đọng, hàm súc, bí hiểm, đậm màu sắc tôn giáo. Tới năm 1340 (đầu nhà Nguyên) thêm bản khắc in màu đỏ, đến cuối thế kỷ XVI thì thêm nhiều bản khắc màu. Thế là mảng, màu đã được dần dần bố sung cho nét đen.

     Ở châu Âu, người ta hầu như ít nghĩ tới màu sắc cho tranh khắc gỗ. Quyển sách in chữ đầu tiên bằng bản khắc gỗ xuất hiện năm 1430. Năm 1470 người ta bắt đầu in hình vẽ kèm theo chữ. Những hình vẽ này, ngoài nét chu vi còn được đánh bóng với những đường gạch khít khác nhau và đây cũng là một đặc điểm của tranh khắc gỗ châu Âu, khác với tranh khắc gỗ châu Á. Năm 1486, bắt đầu thời kỳ định hình của loại tranh khắc gỗ phương Tây. Người ta đã thể hiện một cách chân xác hình ảnh những tỉnh thành và những phong cảnh phỏng theo bản vẽ trước thực tế - lên tranh khắc gỗ.

     Người đưa tranh khắc gỗ châu Âu lên đỉnh cao nghệ thuật dựng lên thời kỳ lịch sử rực rỡ của loại hình này là hoa sĩ người Đức Albert Durer 1471 - 1528. Ông đã tìm tòi đem lại rất nhiều vẻ lạ, làm giàu cho tiếng nói của các nét khắc mà chỉ cần đến bản in đen. Cái đẹp trong tranh khắc của Durer là cái đẹp có phân tích lý giải với tầm nhận thức sâu sắc về bản chất, quy luật của thiên nhiên trên cơ sở thế giới quan của thời Phục Hưng đã vượt xa thời Trung Cổ. Sự vật được quy cách hóa trong khi họa sĩ nghiên cứu bằng ngòi bút sắt và đưa lên mặt gỗ phẳng theo phương pháp duy nhất: chia mảnh tách bạch để khắc. Khi in cũng chỉ bằng một màu đen đồng bộ trên giấy trắng tạo thể nhất quán trong cái hạn chế chung của chất liệu mà họa sĩ coi như dành chỗ cho mình, đem cái tài xử lý hình tượng một cách trí tuệ bù vào. Do đó, tranh khắc gỗ của Durer dù có dày đặc chi tiết vẫn không phương hại đến đại thể của nó trái lại còn đem đến cho nghệ thuật khắc gỗ một sự diễn tả phong phú, tinh vi mặc dầu phương tiện thô sơ. Cái lớn của Durer ở chỗ ông đã qua sáng tác thể hiện một quan niệm hoàn chỉnh về tranh khắc gỗ đen trắng. Ông lại là người khởi đầu và phát triển loại hình này tới đỉnh cao của nghệ thuật, tiêu biểu cho khuynh hướng phương Tây. Những tranh khắc gỗ của Durer đều tự tay tác giả và in với số lượng lớn và chính vợ ông đã đem bán ở các chợ được quảng đại nhân dân nhiệt liệt tán thưởng.Sau ông, họa sĩ Hans Holbein cũng làm một số tranh khắc đen trắng theo hướng ấy, nhấn đậm thêm đặc điểm thời đại cả về nội dung và hình thức trong lịch sử đồ họa Đức. Trải qua một thời gian hưng thịnh, đến giữa thế kỷ XVI tranh khắc gỗ ở châu Âu tàn lui dần. Có thể là do sản xuất hàng loạt quá nhiều lại chưa có sự đổi mới nên không còn sức hấp dẫn người mua.

Hoạ sỹ Albert Durer (1471 - 1528)

     Người ta xoay sang nghệ thuật khắc đồng ở thế kỷ XVII, XVIII. Nhưng chính vào đầu thế kỷ XVII. Nghệ thuật khắc gỗ lại vượt lên với sức sống mới ở Nhật Bản và tiến tới thời kỳ nổi tiếng vang dội ở châu Âu cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Với quan niệm tạo hình đặc biệt Á đông, tranh khắc gỗ Nhật Bản đã gợi ý cho hội hoạ châu Âu tiến lên một hướng mới. Đối với các hoạ sĩ Nhật Bản thì hình người, cái tủ, cái bàn, con trâu, con ngựa về bản chất là những hình rời, riêng rẽ, độc lập cũng như những từ trong ngôn ngữ. Nếu trong một từ thường gồm nhiều nghĩa thì trong một hình thường cũng gồm nhiều hình phụ. Ví dụ hình nửa người cô gái mặc áo hoa gồm các hình: đầu tay và áo hoa. Trong hình áo hoa gồm các hình hoa, trong hình hoa lại gồm các hình cánh hoa, hình nhị hoa. Các hoạ sĩ tách các hình nâng thành họa tiết, nhấn mạnh tính cách trong ranh giới của riêng nó, không để lẫn với các hình khác. Mỗi hình có một chu vi, một màu thích hợp và có giá trị nghệ thuật riêng trên cơ sở hài hòa với toàn bộ. Ngược lại, màu sắc cùng với nét chu vi đóng vai trò trụ cột trong sự thể hiện yếu tố nền tảng của tranh là "Hình". Hình chiếm địa vị trên hết, nó thu hút sự chú ý của người xem. Do đó, các hoạ sĩ Nhật Bản để hết tâm sức vào việc nghiên cu cách điệu hình, luôn luôn tìm cho nó một ý nghĩa mới sinh động và nhiều thi vị. Họ gạt bỏ ánh sáng, bóng tối ra ngoài hình, coi như không phải bản chất của sự vật - thay vào những hình màng phẳng được gia vị hóa bằng cách làm nổi chất của màu trong khi in. Không phải không có lý khi chính các nhà lý luận nghệ thuật Nhật Bản đã nhận định: Tranh khắc gỗ Nhật Bản là sản phẩm của văn hóa thị dân hay nói cho thực đúng văn hóa của thương nhân và thợ thủ công. Cổ nhiên họ không phủ nhận vai trò chủ yếu của các họa sĩ cũng như không thể phủ nhận vai trò kích thích phát triển nghệ thuật của xuất bản và vai trò thực hiện sản xuất có sáng tạo trong khắc và in của các người thợ thủ công. Cũng không thể không kể đến sự đóng góp của nhân dân Nhật Bản đã nuôi dưỡng nghệ thuật khắc gỗ bằng sức mua tranh khá lớn. Trong tranh khắc gỗ Nhật Bản, điểm nổi bật nhất là cái nhất quán của sự tinh vi từ nét khắc đến chất của giấy, màu. Tranh phải in qua ít nhất 10 bản khắc với mười lần in liên tiếp mà các vị trí của hình vẽ và nét vẫn chính xác. Một vệt nước mưa mảnh hơn sơi tóc, chuyển ba bốn độ đậm nhạt và màu sắc, in làm mấy lượt vẫn nối tiếp nhau thông suốt không chệch. Những nét nhỏ tắp vẫn gây ấn tượng mạnh như đúc trong thép, ôm hình rắn rỏi do nét khắc sắc sảo in trên giấy dai, mịn, bắt màu nhanh nhạt. Màu luyện kỹ, chất lượng cao, in mỏng mà vẫn vừa vững chắc rực rỡ vừa nhẹ nhàng trong trẻo. Đặc biệt màu đen rất quí hay dùng trong tranh khắc gỗ Nhật Bản được hầu hết người sành sỏi ưa thích.Với kỹ xảo như thế, các nghệ sĩ mặc sức đi sâu phát hiện những vẻ đẹp tân kỳ, thú vị của cuộc sống để ngợi ca, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân một nước đang tràn đầy hứng khởi bước vào thời kỳ phát triển kinh tế rực rỡ ở thế kỷ XVII. Nhưng đối tượng tranh khắc gỗ Nhật Bản không phải là tầng lớp quý tộc phong kiến. Bọn họ chơi những tranh lụa quí giá hoặc những tranh khắc lõm tô màu trên bình phong lộng lẫy rất đắt tiền. Còn tranh khắc gỗ bị coi như loại dung tục. Loại tranh này mang nghệ thuật đến cho những người dân thường, chủ yếu là tầng lớp tư sản đang lên do đó nội dung của tranh khắc gỗ Nhật Bản hướng về những đề tài mà người dân Edo thời đó ưa thích. Họ vẽ nhiều về những phụ nữ xóm bình khang y phục lộng lẫy đủ kiểu, đủ màu trong các dáng dấp yêu kiểu mỹ lệ hoặc những điệu bộ kỳ thú gần vũ kịch, khi bi thống, khi hùng tráng của những diễn viên sân khấu Kasubi, vì thế tranh khắc gỗ Nhật Bản được gọi là Ukiyo - e (tranh về "thế giới phù du "). Đến giữa thế kỷ XVII Ukiyo - e mở rộng đề tài sang cả phong cảnh hoa điều và các sinh hoạt khác nữa.

Tác phẩm Mỹ nhân và cây lược - Hoạ sỹ Utamaro Kitagawa 

     Trong hội họa Việt Nam tranh khắc gỗ là loại hình có truyền thống lâu đời. Chúng ta được thừa kế một vốn quí trong di sản văn hóa hiếm hoi của ông cha để lại: đó là nguồn tranh khắc gỗ dân gian cổ. Tranh khắc gỗ dân gian cổ được nhân dân hết đời này đến đời khác yêu thích và đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu được. Trong cái thúng của bà nội trợ đi sắm tết, cạnh con gà, con cá, mớ dưa là cuộn tranh buộc bằng rơm nếp vàng óng. Ví không có cảnh:

Đi đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Om sòm trên vách bức tranh gà

... thì không ra tết.

     Hiển nhiên là tranh khắc gỗ dân gian cổ đã được in sâu vào lòng quần chúng và hình nét vẫn "sắc không mòn" trước thử thách của thời gian. Một nghệ thuật được như thế phải là một nghệ thuật mạnh. Với màu đỏ như xôi gấc, vàng tươi như lúa chín, hửng ấm như nghệ kho cá, xanh rờn như lá mạ ,xanh dịu như cốm non, nâu như luống cày mới lật, tranh dân gian cô mang đậm cái hương vị của thôn quê, đồng nội Việt Nam. Mộc mạc, thôn dã là đặc tính của nó. Nó đích thực là nghệ thuật của nông dân. Trong quan niệm tạo hình, các nghệ nhân không cần đến chi tiết để làm trang sức, họ tìm cái đẹp bản chất trên hình thể chủ yếu của sự vật và chỉ thể hiện đơn giản bằng rất ít nét. Trong tranh Lợn ăn cám chỉ có hình một con lợn màu điệp xám viền nét chu vi đen đậm trên nền màu gạch, mình lợn điểm một xoáy âm dương xanh đỏ - đó là đốm tươi duy nhất nổi bật rực rỡ trên toàn bộ hòa sắc trầm, chín nục. Chỉ có thế thôi mà người ta không thể dễ quên cái cảm giác thú vị do chất điệp sáng đục mà nghệ nhân cố ý in dày trên mình lợn, tạo những vết tróc để lộ ánh vàng óng ánh ở lớp màu dưới. Hình con lợn nhìn theo hướng nghiêng nhưng cái mũi lợn quay ra hướng thẳng vì như thế có lợi cho ý nghĩa của hình. Hình sẽ rõ hơn, người xem dễ nhận thấy hơn, sức truyền cảm sẽ nhanh hơn. Nghệ nhân Việt Nam đã giải thích điều ấy một cách hồn nhiên là vẽ thì cần cốt sao cho "thuận con mắt" là được. Trong tranh dân gian cổ "nét" chủ yếu dùng để diễn đường chu vi, có tính khái quát cao và là khung cốt đơn sơ nhưng cứng cáp trong cấu trúc của hình. Để "cắt ván" (tức là khắc) nghệ nhân không dùng dao mà dùng chàng đục để lấy rung động cho những nét to không bị trơ, cứng. Ta thấy nghệ thuật khắc gỗ cổ Việt Nam thủy chung duy nhất với cây thị. Nó cho gỗ dẻo quánh, tiếp xúc với nước thớ không bị nở, và nhất là bền có thể dùng hết đời này sang đời khác. Trong việc in, hồ nếp giữ vai trò quan trọng. Màu dạng nước qua hồ nếp kết thành lớp bột vững chắc, trong trẻo nhiều âm vang rất thuận lợi cho việc tạo chất. Lại có vỏ điệp đem cái óng ánh rất dân tộc điểm xuyết cho vẻ chung mộc mạc của tranh in (ở Nhật Bản người ta thường dùng chất đồng, chất bạc).

Tác phẩm Hành Quân Mưa 1970 - Hoạ sỹ Cửu Long Giang

     Giấy dó, giấy lý tưởng để in tranh khắc gỗ là đặc sản của nước ta: ta đã biết nghề làm giấy từ thế kỷ III. Sách Nam phương ký chép: "Ở Giao Chỉ có nhiều cấy dó, vỏ dó làm giấy rất tốt, lại có thể làm vải. Ta sử dụng nguyên liệu địa phương chế được nhiều giấy tốt hơn Trung Quốc đặc biệt là giấy mật hương làm bằng vỏ và lá trầm hương, màu trắng có vân như mắt cá rất thơm và bền chắc bỏ vào nước không hỏng. Ngoài ra còn chế giấy trắc li bằng rêu biển". Cách đây mấy chục năm, làng Nghĩa Đô làm giấy dó "Công cứ" dùng để in tranh rất tốt. Tất cả những yếu tố đó có tính truyền thống đã luyện cho tranh khắc gỗ cổ Việt Nam một giọng nói mạnh mẽ, âm vang, nhiều sức hấp dẫn. Rất tiếc là những ấn tượng về tranh khắc gỗ dân gian cổ in cách đây mấy chục năm, trước kia bày ở bảo tàng Viễn đông bác cổ đã bị thực dân Pháp chiếm đoạt mang về nước, ở trong ký ức những người từng biết nó, rực rỡ hơn nhiều so với những bản in mới ngày nay.

     Tuy vậy trong cuộc thi sắc đẹp quốc tế tổ chức ở Mat - xcơ - va (năm 1970), tập I tranh khắc gỗ cổ dân gian Việt Nam được tặng giải nhất và trong cuộc thi sách đẹp quốc tế 1.B.A tổ chức ở Lai - xích (năm 1971), tập II được tặng huy chương vàng, chứng tỏ một cách khách quan giá trị nghệ thuật của nó. Nội dung tranh dân gian cổ đối với cuộc sống của chúng ta ngày nay thì cổ, nhưng đối với đồ họa thế giới thì quan niệm tạo hình và tạo chất của nó lại là mục tiêu rất mới lạ mà phương Tây đang tìm kiếm.Tranh khắc gỗ Việt Nam hiện đại có nói được tiếng nói độc đáo của dân tộc hay không lệ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng trong đó có yếu tố học tập một cách sáng tạo vốn cổ. 

#QuangPhòng