TÂM SỰ QUANH CHUYỆN SÁNG TÁC

     Hoạ sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc (1918 - 1990) là một trong những hoạ sỹ tài năng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, ông có những đóng góp đáng kể cho nền Mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông luôn miệt mài sáng tác và nghiên cứu Mỹ thuật. Cho dù gặp rất nhiều khó khăn, cản trở nhưng ông vẫn kiên trì vượt lên, đứng vững trên con đường Sáng tạo, để lại những tác phẩm đẹp cho đời. Ông dành tình cảm đặc biệt cho sơn mài và thường xuyên dùng chất liệu này để diễn tả trong các tác phẩm của mình. Bút pháp của ông phóng khoảng, không tỉa tót chi li, mà giữ trọn vẹn liền mạch trong một phong cách hiện thực, gắn bó sâu sắc với đời sống hiện thực của xã hội lúc bấy giờ. Dưới đây là bài viết của ông chia sẻ về chuyện sáng tác tranh của mình năm 1978. 

     "Tôi vào nghề tính đến nay đã 42 năm. 1935 - 1945 tôi coi đó là giai đoạn còn đang học. Những năm ấy, dù là những năm tôi mới vào nghề, cũng rất quan trọng: đó là giai đoạn trau dồi vốn nghề nghiệp cho những giai đoạn sau. Tôi cần nhắc lại điểm này bởi lẽ, cũng đã từ lâu, tôi tự cho mình đã có nhiều vốn sống, nhiều vốn nghề, do đó mà tự tin rằng mình có thể thích ứng với bất cứ nội dung nào, với bất cứ loại đề tài nào.

Hoạ sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc vẽ tranh tại xưởng

     Trong kháng chiến chống Pháp, ở tôi, sự trăn trở về vốn sống và vốn nghề lại không giống như ngày nay. Vốn nghề đã có, tôi đi vào kháng chiến, sống phần lớn nông thôn và miền núi, những nơi trước đây tôi đã đến, tiếp xúc với những con người trước đây tôi đã gặp. Với nội dung của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, người đi tìm cái mới (con người mới, bối cảnh mới) không gặp nhiều khó khăn như khi sống trong nội dung của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày nay. Bây giờ, tôi bắt gặp những người tham gia cách mạng và kháng chiến qua những nét của cuộc sống xã hội mà mình đã quen thuộc, và từ đó mà lĩnh hội được nội dung mới. Tất nhiên, tôi cũng đã cố gắng đi tìm nét điển hình của con người mới, sinh hoạt mới.

     Nhưng, bấy giờ, tôi đâu đã biết đến lập trường của giai cấp Vô sản. Ở từng con người gặp trong cuộc sống kháng chiến, tôi chỉ mới nắm bắt được hình ảnh con người Việt Nam đứng lên đánh kẻ xâm lược.

     Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, qua những đổi thay do cuộc cải cách ruộng đất và cuộc cải tạo xã hội ở thành phố mang đến một mặt, tôi sử dụng vốn hiếu biết cuộc sống tích lũy được trong thời gian qua, mặt khác, đi thu lượm thêm vốn sống mới. Đi vào để tài công nghiệp, về vùng mỏ, tôi nhận thấy ở đây con người và thiên nhiên vẫn quyện vào nhau, không như trong các cơ xưởng, chỉ những máy với người.

     Đối với tôi lúc bấy giờ, một căn phòng, dù rộng lớn như một xưởng máy, cũng chỉ là một căn phòng, nghĩa là một cái gì tôi cảm thấy khó lòng thể hiện cho đẹp. Thực ra, chính là tôi bất lực, chứ không phải thực tế ấy không có gì để làm cho đẹp.

     Đến những năm gần đây, thực tế lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã làm ngợp cảm xúc và ngọn bút của tôi, và cũng vì không có hoàn cảnh bám sát thực tế chiến đấu như một số bạn khác, cho nên tôi đã không sáng tác được gì để phản ánh hiện thực lịch sử ấy của đất nước.

     Vấn đề chính tôi muốn nêu lên ở đây là một câu hỏi nóng hổi: Những đổi thay lớn lao của xã hội chúng ta hiện nay đã tác động đến suy nghĩ và sáng tác như thế nào? Và cái vốn sống và vốn nghề của minh còn có thể thích ứng với hiện thực mới nữa hay không? Tôi cho rằng, chủ đề hùng tráng về các cuộc chiến đấu vũ trang dễ gây cho chúng ta những hứng thủ mạnh hơn và mau lẹ hơn so với các biểu hiện của công cuộc cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới.

     Xin đưa ra một vài hình ảnh.

     Trong nông nghiệp, cái đã có, cái đang có, và cái sẽ có rất khác nhau. Để đưa nước đến cho cây lúa và hoa màu, chẳng hạn, xưa kia ta tát nước bằng gàu giai và gàu sòng. Đẹp lắm chứ, nhưng thực ra cũng nhọc mệt lắm, mà năng suất lại rất thấp!

     Ngày nay, nhiều nơi đã dùng máy bơm thay thế hàng trăm người tát bằng gàu. Vẽ cảnh tát nước gàu giai, gàu sòng, tôi dễ thành công hơn với vốn nghé có của tôi. Nhưng tôi ủng hộ máy bơm hay chiếc gàu? Cũng vậy, trong trưởng hợp vận chuyển phân, mạ, lúa, dáng gánh xưa cũng đẹp lắm! Thời làm bài thi ra trường , tôi đã phải hàng tháng thuê mẫu gánh nặng thật sự để vẽ cho kỳ được điệu gánh. Bây giờ, ta có xe cải tiến, thuyền, ô tô, ủng hộ cái nào?

     Những mảng màu trên mái rạ, trên mái ngói cũ, những sắc nước ao tù bồng bánh bèo xanh, những con đường mòn, cây cỏ man mác buồn, và cả màu quần áo người nông dân xưa ... đã nhập vào người tôi, bám rễ vào đó rất sâu. Cho nên, nhìn cái vòi bơm, chiếc xe cải tiến, mái ngói mới, máy cày, những cánh đồng vuông vức thiếu các bờ lượn chia măm xẻ mún như xưa, tôi chưa làm sao vẽ cho đẹp được. Đây rõ ràng là nếp quen thuộc cũ đã được khắc vào cách nghĩ, cách nhìn của tôi, để rồi từ đó truyền ra tay, tận đầu ngọn bút, khiến cho tôi có vẽ cái gi rồi cũng lồ lộ ra dấu ấn cũ, dù tôi có cổ ngụy trang cho nó bằng áo - mũ - giày rất mới, để cho nó cái tên rất hợp thời. Nhưng người tinh mắt vẫn nhận ra.

     Cách đây ít năm, khi nghe nhắc lại việc đi thực tế, thú thực đã có lúc tôi nghĩ rằng, cái gì chứ thực tế ở xã hội ta, thì từ năm 1945 đến nay, tôi đi có thiếu gì đâu!

     Miền núi, nông thôn, miền biển, cơ xưởng, các mẫu người khác nhau... có cái gì mà tôi chưa từng vẽ tới? Thậm chí các loại cây, các loài động vật (trâu, bò, ngựa, gà...), có cái gì mà tôi đã không một lần nghiên cứu? Đã có lần tôi bảo người đặt vẽ: Cái đó, thuộc lắm rồi, yên trí! Đúng là có thuộc thực, có nghiên cứu thực, muốn vẽ là ra ngay. Chẳng thế mà bạn bè còn bảo: Anh ngoáy một cái là ra ngay, ở trong bụng cả, có gì mà phải suy nghĩ! Người ta quý bạn, người ta mới bảo thế. Chứ riêng mình với mình thì lại tự bảo: ừ, muốn vẽ bịp bợm thì cũng chẳng khó gì, bôi bác như thế nào mà chẳng được, cố giải thích thế nào cho xuôi thì thôi. Có điều là, với lương tâm của mình, biết nói sao đây?

     Trước thực tế của xã hội ta ngày nay, tôi đã lúng túng trong rất nhiều năm. Đến lúc này đây, tôi thành thật nghĩ: không đi thực tế, không xong. Tôi không hiểu thơ văn cho lắm. Nhưng, ít nhất cũng đối với mỹ thuật, thực khó mà tưởng tượng rằng có thể ngồi nghe người ta kể chuyện mà vẽ thành tranh. Làm minh họa, tranh truyện, áp - phích, như thế còn tạm được (tạm thôi), chứ đã gọi là "sáng tác" thì không thể làm thế.

Tác phẩm Đổi ca - Hoạ sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc

     Muốn tạo ra những hình khối mới mà không qua nghiên cứu kỹ để thấm nhuần cái mới, thì cái cũ quen thuộc cuối cùng vẫn trở lại trên sáng tác phẩm. Cánh đồng hiện đại, máy bơm, máy cày, xe cải tiến..., những cái đó phải trở thành hình tượng đẹp, vì vấn đề không phải chỉ có vẽ cho rõ đây là máy bơm, đây là xe cải tiến, đây là động tác gieo thắng... Cánh đồng quen thuộc, với đàn cò trắng, với những lùm tre, nay mai sẽ không phải là hình tượng điển hình của nông thôn xã hội chủ nghĩa nữa.

     Sẽ không còn nhiều lùm cây cho cò đậu, sẽ không còn nhiều bụi tre phơ phất giữa đồng, sẽ mất đi những bờ ruộng quá hạn hẹp, những cây đa, cái quán,.. như một số tranh trước đây đã quen thể hiện. Cảm xúc của tôi ngày nay trước cái máy cày phải làm sao cho đậm đà không kém (nếu chưa nói là đậm đà hơn) cảm xúc của tôi ngày xưa trước con trâu, Con bò... Sưu tầm thêm vốn sống, tìm hiểu thêm các yếu tố vẫn chưa đủ. Vấn đế còn ở cách nhìn, nếu không thì một công trường xây dựng sẽ hiện lên như một cảnh hoang tàn, một thanh nữ ngày nay sẽ không khác gì mấy so với cô "gái mới" cách đây mấy chục năm về trước. Còn khó khăn hơn nữa là, vừa nhìn cho ra những khía cạnh đẹp ở hiện thực mới, vừa giữ được cốt cách dân tộc, không rơi vào chủ nghĩa tân tạo tư sản hoặc chủ nghĩa tự nhiên tầm thường.

     Như vậy, quan niệm của tôi ngày nay về sáng tác phải khác hẳn quan niệm của người nghệ sĩ sáng tác dưới chế độ cũ. Dưới chế độ cũ, nhà mỹ thuật tự động làm tranh, nặn tượng để bán cho khách mua, nên phải chiều nhiều thị hiếu, phải cạnh tranh, do đó mà sinh ra lắm kiểu sáng tác, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy sống. Tranh tượng đã là hàng hóa, khi tranh của Picasso chạy thì rất nhiều người vẽ theo kiểu Picasso, cũng vậy trong trường hợp tranh Matisse vì người chơi tranh cũng chạy theo thị hiếu. 

     Còn trong xã hội ngày nay, nghệ sĩ là của quần chúng, nghệ thuật không còn là hàng hóa nữa. Văn học - nghệ thuật đã là món ăn tinh thần của quần chúng, thì món ăn ấy có ngon, có tinh khiết, có bổ và lành mới xứng đáng được đưa cho quần chúng. Nhất là phải ngon. Người nghệ sĩ không còn sản xuất theo quy luật giá trị nữa, mà sáng tác cho quần chúng, nghĩa là theo ý của trái tim mình. Cho nên, mặc dầu được Đảng rèn luyện và tuân theo đường lối của Đảng, từng nghệ sĩ vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về từng tác phẩm của mình. Anh ta không thể sản xuất ra hàng xấu, hàng giả, rồi sơn phết cho nó, ngụy trang cho nó bằng nhiều hình thức, kể cả việc quảng cáo cho nó nữa.Việc gì phải quảng cáo! Bản thân tác phẩm sẽ nói, sẽ truyền cảm. Tranh và tượng mà phải có bản chú giải kèm theo, e rằng chưa phải là tranh hay tượng hay.

     Tôi những mong, một ngày kia, nghệ sĩ sẽ có đủ điều kiện để hoàn toàn chú tâm vào sáng tác, không phải lo tranh này có được duyệt không, có được mua không, giá cao hay thấp, ai mua, có phải thù lao ông cai đầu dài nào không, và triết khấu bao nhiêu phần trăm... Những cái đó hạn chế sáng tác rất nhiều. Nghĩ đến chuyện đã qua mà buồn cười. Tranh "ế" nhưng lại được một nhà hảo tâm nào đó "rước", sau khi đã đưa cho một số tiền giữa lúc túng thiếu. Thế mà còn cảm động cho rằng “nhà” kia biết chơi mỹ thuật, rồi có những ý nghĩ sai lệch hoặc tủi thân không đáng có.

     Tôi nghĩ rằng, xã hội của ta ngày nay là một "ông bầu" lớn. Ông bầu ấy tạo cho người làm nghệ thuật những thuận lợi cần thiết đối với công việc sáng tác. Ngược lại, người làm nghệ thuật cũng có đầy đủ tinh thần trách nhiệm để làm cho sáng tác phẩm của mình phục vụ xã hội được tốt, không chấp nhận quy luật hàng hóa trong nghệ thuật, không tự coi mình là người bán hàng hóa nghệ thuật cho Nhà nước. Có như vậy, nghệ thuật mới được nâng cao, mới có những tác phẩm lớn mang dấu ấn và tầm cỡ của thời đại.

#Sỹ Ngọc