SƠN TA - MỸ THUẬT THUẦN TÚY HAY MỸ THUẬT TRANG SỨC?!

       Trong báo Action ngày 21 tháng 6 vừa rồi nhân bình phẩm cuộc Triển lãm của FARTA tại hội-quán Khai trí, ông J.F.A nói: “…Hội họa thuộc về Mỹ thuật thuần túy, còn những tấm tranh Sơn ta chỉ có thể và cũng chỉ nên có một giá trị hoàn toàn là trang sức mà thôi…”. Trước khi bàn đến ý sai lầm này, ta hãy theo quan niệm thường phân biệt Mỹ thuật thuần túy (Art pur) với Mỹ thuật trang sức (Art décoratif) mà ông J.F.A đã gợi đến giá trị của nó. Bức hội họa hay pho tượng là tác phẩm của Mỹ thuật thuần túy, còn chiếc ghế hành, tấm màn thêu, cái khay sơn chẳng hạn đều xếp vào sản phẩm của Mỹ thuật trang sức.

      Đặc tính Mỹ thuật này là khéo dung hòa vào vật dụng hàng ngày cả hai quan niệm thường khó đi đôi với nhau: quan niệm Mỹ thuật và quan niệm thực tế. Nhà Mỹ thuật trang sức chế kiểu một chiếc ghế bành không phải chỉ cốt sinh cái ghế đẹp mắt mà thôi, cái ghế còn phải tiện lợi, người ngồi vào phải có cảm giác dễ chịu, thư thái. Không những thế, nó lại còn phải sáng tác tùy cảnh. Thí dụ: chiếc ghế hình dáng này vào phòng khách này đẹp, vào phòng khác có thể hỏng về phương diện hình sắc vì đã không hòa hợp với toàn thể đồ đạc bầy cùng một chỗ. Suy đó, một tác phẩm Mỹ thuật trang sức muốn toàn mỹ phải ăn nhập với hoàn cảnh để tạo lên một không khí Mỹ thuật sứng đáng.

       Đến như một bức họa, nguyên thủy của nó là kết quả sự sáng tác biệt lập do tâm trí ngệ sĩ mà nên. Nó sinh ra tuy người ta vẫn treo nó trên tường, không phải để lấp một miếng tường, để mang, để đựng cái gì, hay để ăn nhập với cái gì. Lồng khung treo lên, nó như một khuôn cửa mở vào một cảnh riêng, một không khí riêng với một tâm trạng riêng. Nói ngay đến khái cảm của người xem tranh cũng không giống cái thú của một người ngắm một tác phẩm Mỹ thuật trang sức. Tác phẩm Mỹ thuật thuần túy cảm súc ta mạnh mà sâu đến rung chuyển tâm hồn làm khoái trá tinh thần và như cả sác thịt nữa. Còn chiếc ghế bành hay một tấm thêu, dẫu khéo léo đến đâu cũng chỉ mang lại cho ta cái thích ưa nhìn có chừng độ phơn phớt bên ngoài mà cũng dễ chán.

Khay bàn Sơn mài Nhật bản thế kỷ IXX

      Đứng giữa, Mỹ thuật thuần túy và Mỹ thuật trang sức có những bức họa trang sức (peinture décoratives), về cách bố cục hình sắc thì tựa như tranh, song lấy dản dị đơn sơ làm cốt, mục đích là để tô điểm, làm tôn một cảnh nào đó về loại này, ở Châu Âu có những tranh trang sức, nhà thờ, đền đài, dinh thự. Còn ở độ mươi năm nay, có một số tranh Sơn ta mà nghệ thuật thiên hẳn về phương diện trang sức thường chúng ta vẫn gặp ở các phòng triển lãm.

      Nói đến những tác phẩm này mà dùng tiếng “giá trị trang sức” là để chỉ cái nét làm thêm hay tôn vẻ đẹp một cảnh nào, chung quy cái đẹp thêm vào ấy vẫn là cái đẹp của Mỹ-thuật trang sức nghĩa là hời hợt, nóng nổi. Bởi những tính cách tiện lợi, tùy cảnh, trang sức, thứ nhất, bởi sức gợi cảm tầm thường của nó. Mỹ thuật trang sức so với Mỹ thuật thuần túy hầu như bị coi như ở hạ cấp. Và cũng vì thế một bức hội họa xoàng như tấm cửa quét sơn, trước một mỹ công trang sức tinh sảo, ngang nhiên ta đây thuần túy.

      Giờ chúng ta quay lại ông J.F.A với vấn đề Mỹ thuật Sơn ta. Nhìn sản phẩm Sơn ta mười năm về trước, ta có thể nhận với ông F.A rằng cốt cách cổ của Sơn ta là thuộc Mỹ thuật trang sức. Dùng sơn son, sơn then, thếp vàng, thếp bạc từ cột đình, hoành phi, ngai thờ cho đến tầm bình phong, cái khay, cái cháp, đôi guốc, Sơn ta đã không ngoài mục đích trang sức để làm hoặc tôn nghiêm một không khí hoặc lỗng lẫy một đồ vật. Cách dùng Sơn ta cũng nhu ở mọi sứ Á Đông, sơ sài giản dị, đem vàng bạc, sơn son, sơn then nguyên chất mà thếp, sơn lên.

      Từ ngày có trường Mỹ thuật Đông dương và nghệ sĩ Việt Nam, nghệ thuật Sơn ta đã biến hình, thoát ra ngoài phạm vi cổ sơ của nó. Những nguyên liệu, không cứ phải dùng nguyên chất nữa. Người ta chồng chúng nó lên nhau một lần hay năm bảy lần, rồi mài đi mài lại: do đó làm lộ ra những mầu sắc mới mẻ, quý giá chưa từng có, hợp nên những điệu nhạc mầu không thường và gây ở ta những mỹ cảm thấm thía.

      Từ đấy, với một tính cách đặc biệt, một nét mặt tráng lệ, Sơn ta đã phân tách hẳn sơn Tầu và sơn Nhật mà nó cùng một gốc. Và cũng từ đây, ở trong tay một vài nghệ sĩ Sơn ta đại tài, nghệ thuật Sơn ta, vừa ra khỏi nếp cổ đã rũ ngay khuynh hướng trang sức của nó, để chèo lên con đường hội họa, con đường Mỹ thuật thuần túy. Nhưng ông J.F.A vội kéo nó xuống mà khuyên rằng: "Hội họa mới thuộc Mỹ thuật thuần túy: Còn tranh Sơn ta chỉ có thể và cũng chỉ nên ở dưới Mỹ thuật trang sức thôi!".

      Tại sao thế? Cuối bài trong báo Action, ông đã trả lời: "Sơn ta nên giữ nề nếp cổ của Á Đông". Nhưng đó là mới trả lời về sự “chỉ nên”, nhưng còn tại sao lại “chỉ có thể”? Trong Mỹ thuật giới, nếu người ta quen tin “chỉ có thể” thì phạm vi Mỹ thuật phải thu hẹp lại biết bao! Sự cao cả của Mỹ thuật là có thể biến đổi mãi mãi, chứ không chỉ có thể thế này hay thế khác, người ta đã thấy trong Hội họa Pháp thế kỷ thứ 19 và 20, nhiều môn phái tương phản hẳn nhau, mà ngần ấy môn cùng tuyệt mỹ cả.

      Nếu ông J.F.A bảo Sơn ta vì mầu sắc không đủ để tả chân như mầu sắc của Hội họa. Thí dụ không có mầu xanh lá cây để tả cây cối, mầu da thịt để tả sắc người, những mầu thuận tiện để chép hiện cảnh của ánh sáng… nếu ông nói thế, thì cố nhiên là ông có lý. Nhưng cái lý của người đứng trên miếng đất nghệ thuật tả chân. Phiền một nỗi, mấy nhà Mỹ thuật Sơn ta, vì chót mang cổ tật của người nghệ sĩ phương Đông lại hoạt động trên miếng đất trái lại. Bào chữa họ, họ chỉ việc đưa ông xem những bức tranh mà không ai chối cãi là không phải Mỹ thuật thuần túy, những bức tranh thủy mặc Tầu và Nhật, trong đó không tả chân một cái gì, có tô mầu cũng chỉ phơn phớt chứ không dựa theo hiện thực, có vẽ hình nhưng đó là hình phóng bút chỉ lướt qua thục hiện toàn thể một mầu đen mực Tầu để diễn tả các sắc.

Tác phẩm Dọc mùng - Họa sỹ Nguyễn Gia Trí

      Đến đây, tôi thấy cả sự bàn cãi đều thừa. Tại sao ta không mở toang cửa Mỹ thuật để nghênh đón tất cả những khuynh hướng mới lạ. Tại sao ta lại đem nhưng thành kiến sẵn sàng mà xét một tác phẩm Mỹ thuật, sao ta lại không dựa vào kết quả Mỹ thuật của một tác phẩm Mỹ thuật và đinh giá nó? Nếu tấm tranh Sơn ta của Nguyễn gia Trí làm rung động tâm hồn ta mãnh liệt bằng một bức họa tuyệt tác, thì chính đấy là Mỹ thuật thuần túy rồi. Việc gì vội đặt nó vào Mỹ thuật trang sức, vì chợt nhớ ra nó đã dùng một thư nguyên liệu mà thợ sơn đem sơn cột đình hay cái khay chén?

      Thể chất xây nên một tác phẩm Mỹ thuật, chính nó không có giá trị gì. Từ cục đất hay khúc gỗ, từ ống sơn Tây, hay thùng Sơn ta, thể chất trở nên một mỹ công linh động và mang một tinh thần đặc biệt ai cũng biết đó là nhờ tài năng của nghệ sĩ chứ không vì bản năng của thể chất.

      Nếu trước kia, nghệ sĩ Sơn ta không dùng Sơn ta để diễn bầy cảm giác hay tâm trạng mình như một họa sĩ, đó không phải là một có chính đáng để ngăn cản nghệ sĩ Sơn ta ngày nay đem khuynh hướng Hội họa vào nghệ thuật Sơn taNhững bức tranh Sơn ta có khuynh hướng đó là một sáng tác Mỹ thuật hoàn toàn Việt Nam. Trong Mỹ thuật hiện đại của chúng ta, nó đã vào ngôi thứ cao nhất. Đừng ai lấy nhẽ tồn cổ mà lôi nó xuống.

      Tồn cổ ư? Thì chính ngay cái cổ ấy, trước kia cũng phải làm kim đã chứ!

TôNgọcVân