QUỐC HỌA SƠN MÀI VIỆT NAM

      Xem xét tranh sơn mài Việt Nam ở khía cạnh thực trạng và phát triển ta thấy  diện mạo của nghệ thuật sơn mài, tranh sơn mài Việt Nam có những giá trị quý giá tạo bản sắc văn hóa, có bề dày lịch sử, góp phần nâng cao vị thế mỹ thuật Việt Nam là di sản văn hóa dân tộc.

      Cố Nhà phê bình mỹ thuật Thái Hanh sinh thời rất yêu quí, tâm đắc với tranh sơn mài, ông đau đáu một điều: "Đã đến lúc không chỉ có nhận thức mà cần phải thực sự hành động, mà trước hết cần phải có sự thống nhất khẳng định vị thế của tranh sơn mài là "Quốc họa", là loại tranh chính thống, là đặc sản nghệ thuật tiêu biểu nhất của nền hội họa quốc gia".

      Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại Bắc Kinh (4/2011) và tại Tân Cương - Trung Quốc (9/2011) đã gây tiếng vang lớn. Trong bài phát biểu của Giám đốc Sở Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tân Cương tại Lễ khai mạc "Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam đương đại 2011" có đoạn: "Tranh sơn mài có thể nói là "Quốc họa" của Việt Nam. Công nghệ mài tranh rất phức tạp yêu cầu tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ đồng thời sử dụng những nguyên liệu màu sắc tự nhiên như Đen, Đỏ, Vàng, Trắng… tất cả hợp thành những bức tranh đẹp, một dòng tranh vô cùng ấn tượng, đồng thời đã trở thành niềm cảm hứng nghệ thuật độc đáo phương Đông…".

Họa sỹ Nguyễn Quốc Huy

      Họa sỹ sơn mài Nguyễn Quốc Huy đề nghị: "Trong bối cảnh xã hội ngày nay, với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa thì những giá trị tinh thần mang tính đặc sản địa phương, vùng miền luôn được đề cao và coi trọng. Đất nước càng phát triển, xã hội càng đi lên thì những giá trị mang tính truyền thống càng được đề cao và càng cần phải gìn giữ và phát triển. Tranh sơn mài truyền thống cũng có thể coi là một món ăn tinh thần đặc sắc của Việt Nam. Và chúng ta có quyền tự hào với những gì mà các lớp họa sĩ đi trước đã tìm tòi và biến sơn mài - chất liệu chỉ sử dụng trong mỹ nghệ và đồ thờ cúng thành một chất liệu quý, sang trọng, lộng lẫy, rựa rỡ và sâu thẳm, độc nhất vô nhị của nền Mỹ thuật Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới này họa sĩ đã có điều kiện để làm việc tốt hơn trước rất nhiều. Chính vì vậy họ vẽ nhiều hơn và vật liệu quý như vàng bạc để đầu tư cho tranh cũng nhiều hơn nên sự tìm tòi, thực hiện trong chất liệu và trong kỹ thuật đã được đẩy lên và phát huy rất mạnh… Và một lần nữa tôi lại xin đề cử cho sơn mài truyền thống Việt Nam là Di sản Văn hóa Thế giới. Rất mong là đề cử của tôi nhận thêm nhiều sự hưởng ứng của giới cũng như các nhà quản lý để một Nghệ thuật sơn mài Việt Nam được gìn giữ và phát huy rực rỡ".

      Cách đây hơn 60 năm, khi mà nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam bắt đầu có những bước đi ban đầu đầy hứa hẹn, danh họa Tô Ngọc Vân đã tiên đoán: "… nhưng chưa một nước nào nghĩ đến tìm tòi, sử dụng nguyên liệu sơn một cách khác cổ truyền, phiêu lưu trong nghệ thuật sơn để tìm một con đường nào tăng phẩm gia mỹ thuật sơn bằng cách phát minh thêm khả năng của nó… Song từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyên hẳn về sơn ta, sơn ta vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức hội họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẻ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc lập diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện phong phú lấn át cả sơn dầu - Quên dĩ vãng, sơn ta đổi tên nhũn nhặn là Sơn mài. Thấy Sơn mài vừa xuất hiện, hầu hết giới nghệ sĩ Việt hoan nghênh. Họ thấy ở Sơn mài một kỹ thuật mới, sáng tạo do tay người mình thích hợp với thủy thổ nước mình, thuận tiện để diễn đạt những nhu cầu nghệ thuật của mình. Người ngoại quốc đến nước ta hoàn toàn hoan nghênh Sơn mài, coi nó là một phát minh mới nhất trong hội họa, và nhiệt liệt khuyến khích. Sơn mài được điêu luyện trong tay người Việt Nam, sẽ trao như kỷ niệm của những người đã chiến đấu cho tự do, hòa bình, trao sang tay các nhà nghệ sĩ trong thế giới, góp một phần vào sự xây dựng một nền văn nghệ mới cho nhân loại".

      Xin nhắc lại câu nói của kiến trúc sư người Mỹ -  Lisa Surprenant: "Việt Nam có một di sản nghệ thuật vô cùng độc đáo, đó là sơn mài. Tôi đã từng thăm Nhật Bản, Trung Quốc, Indonexia là những đất nước cũng có nghề sơn và cây sơn. Nhưng phải nói rằng cây sơn Phú Thọ đã ban tặng cho các nghệ sĩ Việt Nam một chất liệu có đặc tính hoàn toàn riêng biệt. Phú Thọ - một chấm nhỏ duy nhất trên bản đồ thế giới. Thế mạnh đó lại được tâm hồn các nghệ sỹ Việt Nam nâng lên thành một chất liệu hội họa độc đáo trên thế giới mà Nhật Bản và Trung Quốc chưa làm được, các bạn hoàn toàn có quyền tự hào, nên tôn vinh tranh sơn mài là Quốc họa của Việt Nam và đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới …".

      Tranh sơn mài Việt Nam do Người Việt Nam sáng tạo trên cơ sở nghệ thuật truyền thống dân tộc, kết hợp lý thuyết tạo hình phương Đông - phương Tây trở nên một giá trị nghệ thuật đặc trưng của Việt Nam, tạo cho Mỹ thuật Việt Nam một sắc thái mới, bản sắc và tiên tiến hiện đại. Tranh sơn mài Việt Nam xứng đáng là "Quốc họa Việt Nam".

#TrầnThịQuỳnhNhư