Nhớ tiếc Bùi Xuân Phái
Bùi Xuân Phái ra đi giữa một mùa hè oi bức xen những trận mưa rào. Giới văn nghệ Thủ đô bùi ngùi, hụt hẫng. Hà Nội mất đi người họa sĩ tiêu biểu nhất của mình. Bởi Bùi Xuân Phái chính là người nghệ sĩ sống, thở bằng không khí Hà Nội, thấm đẫm chất Hà Nội với nồng độ hội họa cao nhất.
Khai mạc triển lãm cá nhân họa sỹ Bùi Xuân Phái năm 1984
Công chúng thủ đô hâm mộ Bùi Xuân Phái từ lâu, ba năm trước có dịp mừng đón chất họa thanh thoát của ông trong cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên, và vừa mới đây thôi, lại ngon lành tận hưởng chất màu phóng túng, đầy ngẫu hứng của ông qua cuộc triển lãm "Hồi cố" nho nhỏ nhưng cực lý thú, gồm những tác phẩm trích từ các bộ sưu tập cá nhân, có cả chân dung Nguyễn Tuân - bức tượng nhỏ tuyệt vời bằng đất nung (chỉ một tượng nhỏ này cũng đủ cho phép liên tưởng đến điêu khắc "tay trái" của Matisse hay Degar).
Đầu xuân 1985, đã có nhà thơ quá lời "bốc" Bùi Xuân Phái lên chín tầng mây; xếp ông vào "chùm sao hội họa của thế giới hôm nay" (!). Chắc bản thân họa sĩ nghe lời tiến cử ồn ào ấy cũng thấy lúng túng, bởi ông vốn giản dị và khiêm tốn, trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật. Ngược lại, cũng có ý kiến trách ông chưa lấp được khoảng cách với cuộc sống xã hội sôi động...
Hôm nay, trong niềm tiếc thương người bạn tài hoa, tôi muốn trở lại vài nét với sáng tác của Bùi Xuân Phái, mong qua đó gợi mở vài khía cạnh khác về cảm thức nghệ thuật. Điều chắc dễ nhất trí là chúng ta phản đối những xu hướng nghệ thuật cổ vũ lộ liễu hay kín đáo cho những biểu hiện tiêu cực, kéo người xem vào ngõ tối của những tâm trạng bế tắc, những hoang ảnh tàn lụi... Chúng ta đấu tranh cho nền nghệ thuật có sức làm giàu và nâng cao mỹ cảm chân chất cho người xem. Tôi tin chắc rằng nghệ thuật của Bùi Xuân Phái thuộc phạm trù thứ hai này.
Từ lý luận đến bức tranh là một khoảng cách dài, đầy ngõ ngách lắt léo. Bùi Xuân Phái đã từng được nhắc nhở, dù nhắc nhở thẳng thắn hay tế nhị, là "chưa phản ánh được thực tại đi lên của ngày hôm nay", hoặc thiếu tính chiến đấu cách mạng... Nhìn bề ngoài, những nhận xét như thế hình như có cơ sở. Những xí nghiệp, hầm mỏ, công trường không nổi lên hàng đầu trong sáng tác của ông, mà như ẩn chìm giữa phố phường Hà Nội, bị xô lấn sau cánh gà sân khấu tuồng chèo, và những thiếu nữ đứng, ngồi, chải đầu, thay áo...
Điều này được nêu như mặt yếu của Bùi Xuân Phái cũng là dễ hiểu. Đối với những ai quên công thức hóa nghệ thuật, thì các yêu cầu loại ấy đã trở thành tiêu chuẩn thuộc lòng, thành phản xạ tự nhiên khi xem tranh. Chuẩn mực này "bài bản" đến mức nhiều khi át mất những chuẩn mực khác hết sức quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà lý luận hay vị lãnh đạo thường thuyết lý "nghệ thuật là vận động của tâm hồn và tình cảm", nhưng, khi đánh giá tác phẩm, không dễ vượt qua được cái quán tính phê phán đơn thuần từ lý trí. Trong nhận định nghệ thuật, nếu không thật vô tư, ta rất dễ lẫn lộn đề tài với nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Họa sỹ Bùi Xuân Phái bên giá vẽ tại xưởng
Tranh Bùi Xuân Phái đẹp, tràn trề chất họa. Điều đó hiển nhiên. Song tôi muốn nhấn mạnh rằng tranh ông hồn nhiên, lạc quan, trong sáng. Như thế chưa đủ sao? Thử hình dung mà đối chiếu với bức này bức nọ mô tả sản xuất, chiến đấu, với những chân dung về nhân vật anh hùng chiến sĩ thi đua, nhưng tẻ nhạt, gượng gạo, ít xúc động thẩm mỹ, thì đằng nào hơn? Thế mạnh và phải chăng cũng là thế yếu, của Bùi Xuân Phái là ở chỗ ông không lý luận dài dòng, mà hoàn toàn vẽ bằng tâm hồn, trực cảm, bằng tấm lòng rung động chân thành, ngẫu hứng, giản dị.
Thuần túy nghề nghiệp mà xét, tranh Bùi Xuân Phái không có nhiều sáng tạo, khám phá gì mới mẻ cho lắm. Những tranh đẹp như thế, vẽ ngon lành như thế, gây mỹ cảm đậm đà như thế, không hiếm trong hội họa mô đéc Âu châu từ hồi đầu thế kỷ, qua sáng tác của các phái đã thú hay biểu cảm, ký những tên như Matisse, Marqué, hay Fal Dongle chẳng hạn. Nhưng có sao đâu? Bùi Xuân Phái vẽ phố Hà Nội đẹp như Marqué, vẽ thiếu nữ Việt Nam đẹp như Fal Dongle, đâu phải là tội? Tội là vẽ xấu, vẽ dở, mà Bùi Xuân Phái không mắc.
Tôi không ủng hộ hội họa "phi quốc gia", vô diện mạo, không tán thành những lai căng sống sượng, hời hợt cái vỏ ngoài mượn của "Tây". Nhưng tôi nghĩ rằng, trong thời đại hôm nay, mở rộng giao lưu nghệ thuật đã trở thành nhu cầu văn hóa quốc tế và ảnh hưởng qua lại giữa các nền nghệ thuật không những là tự nhiên, mà còn hết sức cần thiết. Các họa sĩ tiên phong Âu châu nửa sau thế kỷ XIX công khai tuyên bố rằng họ được giác ngộ qua tranh khắc Nhật Bản. Và phương Tây đã trả món nợ nghệ thuật ấy bằng việc truyền thụ sang Nhật các trường phái sơn dầu của thế kỷ XX... Vấn đề là tiếp nhận thế nào, nhất là kết quả ra sao trên tác phẩm.
Các tâm hồn nghệ thuật chân chính vẫn quen giao hòa tự nhiên, trao đổi đồng cảm, làm giàu cho nhau. Nhiều bức của Picasso và Braque thời kỳ lập thể có thể được coi như anh em cùng cha khác mẹ. Cảnh biển miền Nam nước Pháp của Matisse và Dupré thở chung một khí quyển màu lam rực rỡ, Ánh sáng ban mai của Derin hay Xa hoa, Thanh bình và Hoạn lạc của Matisse đều lốm đốm sắc màu theo bút pháp phân điểm của Sinaque... Nói Bùi Xuân Phái chịu ảnh hưởng Marqué, thì cũng phải thêm rằng, trong tranh của vài họa sĩ Việt Nam hiện nay, đôi khi đã thấp thoáng có bóng dáng Bùi Xuân Phái.
Khách quan mà nói, Bùi Xuân Phái tiếp thu kỹ thuật hội họa Tây phương mà chưa kế thừa được sâu sắc như Nguyễn Tiến Chung hay Nguyễn Tư Nghiêm - cái tinh tế dân tộc, cái hồn Việt Nam, cái thần thái uyển chuyển, nhịp nhàng, sang trọng, giàu tính trang trí của nghệ thuật tổ tiên. Dù sao, không như mấy họa sĩ khác đuổi theo cả những ảo ảnh giả tạo của hội họa nước ngoài, Bùi Xuân Phái chắt lọc được của phương Tây những phẩm chất giá trị nhất. Bùi Xuân Phái nhìn đâu cũng ra tranh, và sáng tác lâng lâng, trong hoan lạc. Bút ông múa với cuộc đời, mà trước hết múa bằng màu sắc. Phải nói rõ hơn về chữ "múa" để tránh hiểu lầm. Trong anh em ta, có họa sĩ thực sự thao tác múa bút, kiểu làm xiếc hay làm duyên, cố tình uốn lượn để phô những nét hình có vẻ phóng túng, ngang tàng.
Bùi Xuân Phái không thế. Ông không múa bút, nhưng bút ông tự nó múa nhảy, hát ca. Chỗ khác biệt rất cơ bản. Màu múa của Bùi Xuân Phái là rung động thị giác, song lại chính là tiếng nói nội tâm. Khác với đôi người mượn vài miếng màu làm nền cho nét hình lang thang, đơn độc, màu của Bùi Xuân Phái hôn phối với hình, phóng thẳng từ rung động khoảnh khắc, sánh đôi tràn xuống mặt tranh. Bùi Xuân Phái không xa rời, không lảng tránh cuộc sống. Ông hăm hở với những chuyến đi vẽ xa do Hội tổ chức, từ Khu 4 chống Mỹ đến vùng mỏ Quảng Ninh, từ sông Đà đến Đà Nẵng... Người họa sĩ cực kỳ Hà Nội ấy, với sức khỏe vốn không dồi dào ấy, sẵn sàng balô lên đường để phát hiện và nhuẫn thuần những vẻ đẹp mới của đất nước. Tranh Bùi Xuân Phái đã từng có hình ảnh cây súng (Chiến lũy Hà Nội 1946 và Nữ du kích khu Bốn tuần tra ven biển). Vâng, cứ cho là ít. Nhưng nếu như tranh ông không có ụ pháo hay xe tăng, cần cẩu hay cột điện cao thế, mà thu hoạch của những chuyến đi "chỉ là" những bài thơ màu sắc, thì đâu phải là dở? Trở về với Hà Nội tâm tình, tha thiết và những chân dung thiếu nữ duyên dáng hay một bức Ngày cưới rộn ràng giao hưởng đỏ, chẳng phải là tiếp tục đóng góp những giá trị chân chất cho nền nghệ thuật Việt Nam XHCN hay sao?
Họa sĩ nào cũng chỉ có thể tùy cảm hứng, tùy cái tạng riêng của mình mà nắm bắt đề tài, chủ động khẩu khí nghệ thuật. Diện mạo một nền hội họa hiện lên từ nhiều mảng khối đa dạng, khác nhau về chủ đề, motif, về cấu tứ cũng như thủ pháp tạo hình. Chúng ta đã gặp những cái vấp, khi một họa sĩ, vốn đã định hình trên mảnh đất trữ tình. Kết quả là một bức tranh gượng gạo, trái tay, cả trái lòng với con người tác giả. Bùi Xuân Phái chân thành với chính mình, chưa bao giờ có ý hướng theo những vết xe như thế. Lãng mạn, bỗng buông lơi sở trường để vẽ một trận ác liệt trên tuyến lửa.
Chủ đề tâm đắc của Bùi Xuân Phái, ai cũng thấy, là phố Hà Nội. Giới họa sĩ đã từ lâu gọi ông là "Phái - Phố". Từ góc nhìn đô thị học, Bùi Xuân Phái có vẻ không hưởng ứng thời đại. Nhưng, từ góc nhìn hội họa, ông vùng vẫy thoả thuê, đậm đà truyền tới chúng ta tất cả duyên tình của Hà Nội xưa. Bạn bè trìu mến coi ông là chuyên gia số một về các phố cổ, những phố Hà Nội nhất của Hà Nội: Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Mắm, Ngõ Gạch, Hàng Bè... Tâm hồn mình, Bùi Xuân Phái gửi nơi mái ngói lô xô của những nếp nhà lè tè, những góc phố chật hẹp. Ông bịn rịn, quyến luyến không khí nặng trĩu kỷ niệm ở đây và e ngại những khu nhà hộp lắp ghép quá to, quá vuông, quá cứng. Ông rụt rè bấu víu vào những mắt cửa e ấp, ngập ngừng, những mái hiên cong võng thời gian. Ngọn bút Bùi Xuân Phái chỉ chịu được nắng chói khi có chỗ dựa thân quen là những vách tường mốc rêu, những hồi nhà ở gạch, những gốc cây gầy guộc bên chiếc xích-lô cổ lỗ hiền hòa. Thiếu những bạn già chung thủy ấy, hình như ông không dám một mình đối mặt với bê tông khối lớn, với những đại lộ thẳng tắp, thênh thang, có những chiếc xe khách Karosa kềnh càng, hung hãn... Vé mặt này, nhiều họa sĩ Âu châu cao tay hơn Bùi Xuân Phái: Marqué với cảnh phố Paris kiến trúc hoàn chỉnh kiểu công nghiệp; Chirico với những quảng trường hoang vắng nửa thực nửa mê; Nitski ở Liên Xô, với các xa lộ kẻ chỉ thẳng băng và đường xe lửa vun vút; hay Deyneka, với những vì kèo công nghiệp rành rẽ như bản vẽ kỹ thuật... Tạng Bùi Xuân Phái khác hẳn. Tranh ông gợi tưởng tới Marqué hay Fal Dongel, nơi bút pháp, trong khi tâm tính ông có lẽ gần gui hơn với U-tri-giô, Derain, hay Vlaminck, trước cảnh đô thị, phố phường.
Họa sỹ Bùi Xuân Phái và Nhà văn Nguyễn Tuân
Bạn bè đến với Bùi Xuân Phái đều nhớ căn gác lửng phố Hàng Bút, tối đến nỗi phải bật đèn ban ngày, thấp đến nỗi ngói cũng đụng đầu, trèo lên bằng chiếc thang cót két nhỏ xíu. Những năm sau này chuyển xuống "đất" rói, ông vẫn ở chật và thiếu chỗ vẽ. Ông làm việc, tiếp khách, hút thuốc lào vặt, xem ti vi, mà cứ quấn quanh có mấy mét vuông "đa dụng" ấy. Nước da "ớm nắng" của ông như nhạt màu trong bóng tranh tối tranh sáng của mấy lớp rèm che căn phòng hẹp. Ở đây, sức khoẻ của ông đã chập chờn từ lâu. Nói thế là để soi cho rõ nét hơn những chịu đựng muôn mặt hàng ngày mà mọi nghệ sĩ, dù hiền lành như Bùi Xuân Phái, đều kiên nhẫn chấp nhận, miễn thủy chung với nghiệp của mình. Bùi Xuân Pháihttp://lacquerart.vn/ giành giật được những thành quả nghệ thuật trong sáng bằng những trả giá như thế trong cuộc sống hàng ngày: vật chất, tinh thần, tình cảm...
Không kế những người cầm bút bối màu vì mục đích khác, hãy phân biệt ra ba cấp nghề: vẽ tranh, làm hội họa, thành họa sĩ.
Tôi cảm thấy phần đông chúng ta đang còn thuộc diện "vẽ tranh". Mỗi lần triển lãm, các hội viên tạo hình ở trung ương, Hà Nội, các tỉnh thường có tác phẩm trưng bày, ít ra là có gửi tranh tham dự. Tranh được khen. Tranh được giải. Tranh được mua. Không ít tác giả có tranh trong Bảo tàng MTVN. Nhìn chung, tranh đáp ứng tới mức nào đó yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh tới mức nào đó cuộc sống xã hội, bộ mặt đất nước. Mấy năm gần đây, nhiều họa sĩ hướng ra thị trường ngoài nước, còn thu nhiều thành quả vật chất. Nhưng không phải tất cả các tác giả ấy đã làm được hội họa. Phẩm chất hội họa cao hơn thế. Nó đòi hỏi niềm say mê trọn vẹn, cảm quan nghề nghiệp đặc biệt nhạy bén, kiến thức văn hóa sâu rộng, và tay nghề tinh thông, không vướng vấp kỹ thuật. Từ bức tranh lên tới hội họa là một cấp nghề cao hơn, chỉ dành cho một tỷ lệ tác giả không nhiều. Cuối cùng, trở thành hoạ sĩ nghĩa là phải có bề dày, bản lĩnh và sự nghiệp sáng tác, có vai trò và đóng góp nhất định. Họa sĩ xứng với chức danh, ít nhiều phải đặt được dấu ấn riêng vào thành tựu chung của cộng đồng hội họa.
Với Bùi Xuân Phái, tôi nghĩ rằng, suy cảm và lao động không mỏi hơn 40 năm đã khẳng định vị tri của ông trong hội họa. Và cho dù, đối với nghệ thuật thế giới, dấu ấn của Bùi Xuân Phái có thể chưa nhiều sức nặng, song, với MTVN nửa thế kỷ qua, nhất định là ông có tổng hòa được chút gì đó quý hơn số lượng tranh kể trong các vựng tập.
Trên kia, tôi có nói tới tính khiêm tốn cổ hữu của Bùi Xuân Phái. Giờ đây Bùi Xuân Phái đã vĩnh biệt anh em, tôi vẫn cứ tiếc một cách phi lý, tiếc mà mình cứ tự mâu thuẫn với mình, về nỗi ông khiêm tốn và hiền lành quá mức, không chịu xông vào tấn công những nhiệm vụ hội họa lớn khỏe hơn. Tôi xin thú nhận đã có lúc thèm thấy ông bột phát lật trang: chưa chừng người họa sĩ nhu mì, mảnh khảnh, đầy tiềm năng của Hà Nội này sẽ làm nên chuyện khác... Nhưng số mệnh phũ phàng đã cắt ngang đà bút Bùi Xuân Phái mất rồi! Vài nét xa xôi hứa hẹn chuyển biến có thoáng hiện lên tranh, nhưng tay nghề chín tới của ông chưa kịp phát huy vào những tác phẩm mong chờ... Vả lại, cảm nghĩ chủ quan của tôi có thể không hợp chất người Bùi Xuân Phái. Mà mọi gượng ép đều phản nghệ thuật! Bởi vậy, nếu mong chờ trước đây của tôi là lạc địa chỉ, thì hôm nay, vượt trên cách trở âm - dương, Phái hãy bỏ quá cho tôi, một người bạn nghề thủy chung vẫn quý mến họa sỹ Bùi Xuân Phái về thái độ hội họa và thành đạt nghệ thuật.
#LêThanhĐức