NGUYỄN TƯ NGHIÊM - DÂN TỘC VÀ HIỆN ĐẠI

     Nghệ sĩ là một phần tử nhỏ của đời sống mênh mông. Nhưng là một phần tử nhạy cảm. Ở đây, va đập vào nhau bao vấn đề xã hội và nhân sinh của cuộc sống lao động và chiến đấu, của những niềm vui và nhiều nỗi suy tư. Cùng dưới đây hồn sâu lắng và những xúc cảm thường nhật nổi màng màng trên mặt nước của nhận thức. Nghệ thuật chân chính không thể chối bỏ một sự thực: gốc rễ của nó bám sâu vào thực tại, len lách giữa thực tại. Tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt tác phẩm tạo hình, sinh ra từ lao động, một dạng lao động đặc thù có vẻ như cô độc, vì kết hợp cái cần mẫn thầm lặng của người thợ thủ công với thói quen khép mình vào nội giới của hiền nhân, nhưng tuyệt nhiên không vì vậy mà cách bức với cuộc đời, với mọi cái ở bên ngoài cá nhân người lao động.

     Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 tại Nam Đàn, Nghệ Tĩnh. Ra đi từ mảnh đất chăm làm và hay nghĩ này, anh lên Hà Nội theo học mỹ thuật từ 1941 - 1945 : tham gia Việt Minh, có chân trong ủy ban khởi nghĩa huyện Nam Đàn. Rồi, theo đường kháng chiến lên Việt Bắc. 1948: phụ trách xưởng họa của Hội văn nghệ kháng chiến tại Thái Nguyên cho đến 1952. Tham gia một số chiến dịch lớn. 1953: đi cải cách ruộng đất. 1954: về thủ đô vừa giải phóng. Giảng dạy mỹ thuật cho đến 1960. Là ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam từ khi Hội ra đời cho đến 1983. Cũng như con đường kháng chiến, con đường xây dựng hòa bình lại đưa anh tới nhiều nơi từ Thái Nguyên, Phú Thọ đến Phủ Lạng Thương; từ Quảng Ninh - Hải Phòng về Thái Bình, Thanh Hoá - Nghệ An. Anh gắn với đồng bằng sông Hồng, cái nôi của nền văn minh cổ kính do người nông dân Việt dựng lên. 

     Người cày gắn bó với gì hơn với mảnh ruộng, con trâu. Từ nghìn đời nay, đã vậy. Thế mà phải có cách mạng, trâu với ruộng mới thực là của họ. Chân lý cách mạng quá đơn giản, mà đòi bao nỗ lực phi thường. Niềm vui của người được chia Con nghé (tên một sáng tác hội họa của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm) quả thực cũng đơn giản thôi, cái giản đơn vốn là kết quả của cái phi thường đó. Bà bủ già như nén lại nỗi mừng: vừa mừng vừa tủi... Bé gái còn ngượng ngùng... Còn con nghé thi chùn lại..., như vô cớ. Cây chuối trong vườn vẫn thế, mà sao có vẻ xôn xao. Màu sơn mài đỏ vàng ánh lên đôi nét như nắng xuyên qua bóng râm vườn nhỏ. Những nét đen đậm, gãy gập, đủ để phân rõ dáng hình. Những gương mặt như phác Sơn mài, mà toát lên cảm xúc không nói được nên lời của hội họa. Cũng như của niềm vui hay nỗi nhớ chân thành.

Tác phẩm Giao thừa bên Hồ Gươm - Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm

     Niềm vui bùng nở trên tấm sơn mài lộng lẫy Giao thừa bên Hồ Gươm. Khác với sơn mài truyền thống, với những nét khoanh kín các mảng màu, ở đây mảng màu nở ra, lan ra ngoài vòng cương tỏa của nét. Nhờ vậy, nét vẽ cũng tung tăng, và chất hội họa được phát huy. Cây, đèn, người nhòa lẫn vào nhau. Dòng người hướng về phía người xem tranh, khiến ta mơ hồ cảm thấy như sắp đụng vào họ, để hòa vào họ, vào nơi "quần áo chen chân” ấy của một niềm chờ đón không của riêng ai. Từ bức tranh nổi tiếng này, năng lực tổ chức bố cục nhiều nhân vật được khẳng định là một thế mạnh của Nguyễn Tư Nghiêm.

     Người lao động không chỉ vui trong ngày hội. Lao động tự do cũng là một ngày hội. Nguyễn Tư Nghiêm đã giúp ta nhận ra sự thật ấy qua bức bột màu Tát nước chống hạn. Cũng từ đây, bột màu đi cạnh sơn mài thành hai chất liệu chủ chốt trong sáng tác của họa sĩ.

     Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm sống một mình trong một căn phòng nhỏ. Thực ra, anh sống chung, theo nghĩa đen, với những tác phẩm cổ: bát đĩa Lý, Trần; một số mảng chạm khắc thời Lê, với nét vẽ phóng khoáng. Với anh, những hiện vật ấy là những nhân vật, là bạn chung phòng. Anh tâm tình với chúng, nghiền ngẫm về chúng. Nghệ thuật cổ của dân ta tản mạn ở mọi nơi, chúng ta ai cũng có lần thấy, thoáng thấy. Rồi chúng qua đi... Để bất thần trở lại giữa một trưa vắng, không phải trong bảo tàng, mà trong nỗi nhớ mênh mang về gia đình cũ, về nếp nhà xưa, về một mái đình, một vườn chùa... Xưa thế, mà vẫn mới. Và gần gũi như ký ức về tuổi thơ. Ký ức của ông cha ta, về ông cha ta, đã bao đời kết đọng ở những đồ vật giản dị ấy, Nguyễn Tư Nghiêm sống với kho ký ức tản mạn, dập dờn, nhưng được vật thể hóa đó và nó trở thành một nguồn nuôi sống hội họa của anh. Cả những chủ đề tranh có khi, nhiều khi, cũng đi ra từ đấy.

Tác phẩm Thánh Gióng - Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm

     Thánh Gióng là một huyền thoại. Nhưng sức mạnh thần kỳ của dân Việt đánh đuổi giặc ngoài là lịch sử cụ thể, không phải là huyền thoại. Đó là sự thực hùng hồn của nhiều thời, của những thời xưa, cả thời mới gần đây thôi, thời chống Pháp, chống Mỹ.

     Cái hào sảng, hùng tráng, mà vui tươi, hồn nhiên, vốn có trong nghệ thuật xưa, là chỗ dựa cho một loạt sáng tác của Nguyễn Tư Nghiêm. Gióng hiện lên qua nhiều phương án, nhưng vẫn nhất quán. Cái động của nét, cái chuyển hướng liên tục của hình, cái biến ảo của sắc, cái mạnh của màu nguyên - tóm lại, cái đủ giống để nhận ra người, ra ngựa, ra cây tre, và cái khó nắm bắt ngay bằng con mắt... đã hợp sức lại mà làm hiện hình cái vừa thực vừa hư của chủ đề, chất phi thường mà giản dị của đối tượng mô tả. Ngôn ngữ, tự thân nó, gắn làm một với chủ đề và xúc cảm. Ở đây, có thể xoay, nở và những nét gãy, thay đổi hướng của nghệ thuật Đông Sơn cổ kính và ngây thơ.

     Truyện Kiều là bộ bách khoa về tâm lý con người... Số phận con người, trong ngôn ngữ hoàn hảo của Nguyễn Du, vẫn thân thiết biết mấy với chúng ta hôm nay. Ai không đọc Kiều, không thuộc vài câu Kiều... Và không ít họa sĩ lấy cảm hứng từ đó. Thế giới Truyện Kiều ắt thấm đậm trí tưởng người đồng hương hậu thế của Nguyễn Du. Hãy xem cái biến tấu trên một minh họa Kiều, dưới bàn tay của Nguyễn Tư Nghiêm:

Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai mặt một lời song song.

     Mối tình thanh tân, trang trọng và vô cùng đằm thắm của Kim - Kiều có nhật - nguyệt chứng giám. Nét mặt thật sáng trong, dáng ngồi thật trang nhã. Vậy mà xốn xang ở nét, ngại ngùng ở màu... Và vô định ở không gian. Ở cái tức thời này, có cả cái khắc khoải cho mai sau? Nó báo hiệu nỗi lo và sự tuyệt vọng? "Mai sau dù có bao giờ Đốt lò hương ấy so tơ phím'' này khi Kiều dặn em: "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh" khi nàng một mình một bóng. Những câu thơ ấy của các đoạn sau đã rung động ngọn bút của người về hậu sinh, khi anh làm sống lại cảnh đôi lứa lần đầu gặp gỡ? Hội họa là phi thời gian, khác với điện ảnh hay sân khấu, song, ở Nguyễn Tư Nghiêm, mặt tranh như đẫm màu thời gian. Mới đây, mà đã thành kỷ niệm. Khi yêu nhau, mỗi kỷ niệm phải chăng đều là một quê cũ của tâm hồn?

     Sáng tác dọc một chủ đề, triển khai chủ đề trên một loại motif và xoay vần, biến hóa chúng như trong một ống vạn hoa, để mỗi lúc, hình ảnh hiện lên một khác lạ, không cùng... một đặc điểm trong cách sáng tác Nguyễn Tư Nghiêm. Trong những năm làm việc tại Hội MTVN, tác giả đi nhiều, quan tâm nhiều tới vốn cổ dân tộc. Chạm khắc đình làng hấp dẫn anh, những điệu múa cổ còn động đậy cùng tiếng nhạc, lời ca trên các vi kèo, thu hút anh.

Tác phẩm Điệu múa cổ - Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm

   Ở loạt tranh Điệu múa cổ, độ nhiễu động trên mặt tranh, biến tấu của nét, nhịp của hình và màu phát huy hết cung bậc tự do của chúng. Có âm thanh vang vọng đầu đi... Những chấm màu bất ngờ. Những nét lượn như võ tận. Mỏng dày, đậm nhạt cong thắng nối nhau, đột ngột, như những tiếng trống, tiếng phách; rành rọt đấy, mà vẫn tan hòa vào cái luyến láy ngân dài của lời ca. Động tác chân, tay, mình, cổ, đầu, cả ánh mắt, thật phong phú, thoạt trông như lộn xộn, nhưng được tổ chức lại trong cái nhịp chung chầm chậm, bất tất, khép kín của bố cục. Ở đây, hội họa là âm nhạc. Nhạc điệu, nhịp điệu của nét, của hình làm ta liên tưởng tới những biến hóa kỳ lạ trên tranh của Klee hay Picasso. Nguyễn Tư Nghiêm chắc chắn không thờ ơ với hội họa thế kỷ này ở khắp nơi. Và gạch nối đó với “khắp nơi” đã làm cho nét bút truyền thống ở anh, vụt một cái, bỗng chứa chan chất hiện đại. Mà cái hiện đại này, bởi gốc gác và dáng dấp truyền thống của nó, lại trở nên thân thuộc với chúng ta.

     Ngày xưa, con người mua vui. Ngày nay, con người cũng múa vui. Múa thông thường là thế, niềm vui dấy động thân thể con người. Trẻ em chơi Trung thu cũng là một điệu múa: dáng điệu của trẻ thơ vốn có cái vui đó. Trẻ em - trò chơi - điệu múa chỉ là chuyện hàng ngày, song cũng là biểu tượng lớn: khát vọng của con người về hạnh phúc. Nguyễn Tư Nghiêm có cái suy tư triết lý ấy, gắn với cái thơ trẻ hồn nhiên của nghệ thuật vẽ. Niềm vui, trên tranh anh, không chỉ là xúc cảm tức thời, mà còn mang hơi thở của suy tư. Thích mắt và xui suy nghĩ. Nét vẽ từ xa xưa vọng về, mà lại "đổ bộ" vào hôm nay. Và hôm nay lại nhắc tới xa xưa. Tác dụng xui suy nghĩ ở anh có lẽ bắt nguồn từ thế đan xen đó: giữa xa xưa và hôm nay, giữa truyền thống và hiện đại.

     Con gà là biểu tượng của ban mai. Đàn lợn thì đông, no. Nghệ nhân Đồng Hồ đã làm thế. Nguyễn Tư Nghiêm cũng đang làm thế. Ngày xuân đến, họa sĩ có thói quen vẽ các con vật. Những quan sát tinh vi, đầy đủ, được chắt lọc dần để đi tới những nét - hình tiết kiệm nhất. Như người làm thơ lọc dần các lời rỗng ý sáo, người tạc tượng đục bỏ những khối thừa trên khúc gỗ, chỉ giữ lại vừa đủ cái gì mình định nói. Gửi gắm vào hình hài cụ thể một niềm tin, một ước vọng vốn không có hình hài: tính tượng trưng của tranh, tự nó, không xóa hết được những ý ẩn bên ngoài tranh.

     Với loạt tranh con vật của Nguyễn Tư Nghiêm, ta thấy màu - nét - hình phảng phất các mảng vữa đắp có tô màu nơi âm miếu làng quê. Màu “quê" có thể rợ, chối, chưa thanh lịch, nhưng, dưới bàn tay của người vẽ, lại vừa hồn nhiên vừa hết mực sang trọng. Con mắt đẹp của họa sĩ có sứ mệnh làm cho những cái không đáng chú ý trở thành đáng chú ý. Nguyễn Tư Nghiêm còn làm sơn mài lên thớt. Màu đằm, nặng như tiếng trống, tiếng chiêng. Mặt thô tháp, cương hoạnh. Nhưng đằng sau cái bề ngoài lầm lì đó, có cái gì năng động, như tiếng giục ngầm, như sức nống lên.

     Không lấy tình làm cái đà duy nhất cho sáng tác, không lấy ý làm thuyền chở hội họa, không lấy tài vẽ làm lấn át mặt vóc, mặt giấy, Nguyễn Tư Nghiêm có ngôn ngữ của riêng anh. Nét cứ biến hóa, mà khúc chiết. Màu lại chuyển bảng lảng, khi bàng bạc, khi sâu đằm. Không gian qua lại, chuyển hóa giữa trong và ngoài, như cổng làng hay tam quan chùa cổ. Một ngôn ngữ hội họa giàu, mà sống, mà động.

     Đó, điểm nổi bật ở Nguyễn Tư Nghiêm. Mới gặp, có thể ngỡ ngàng. Càng xem, càng quen thân. Mới vào, có vẻ đẹp. Càng vào, càng thấy rộng, thoải mái.

Tác phẩm Nông dân đấu tranh thuế - Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm

     Bức Nông dân đấu tranh chống thuế, một lần nữa, lại khẳng định khả năng phát huy tiếng nói tạo hình của Nguyễn Tư Nghiêm trên những đề tài mũi nhọn. Ngọn bút của anh không hề chịu sự ràng buộc của định lý. Cho nên, nếu những tác phẩm khác giàu chất kỷ ảo, suy tư, hay tung tẩy, thì ở đây, có cái động của cả khối người, cái hào khí toát ra từ một tập thể lớn. Màu tranh có cái chắc, đẹp, mộc mạc của miền quê nghèo mà anh dũng.

     Ngày 15-3-1985, phòng tranh Nguyễn Tư Nghiêm đã mở tại Hà Nội để giới thiệu một phần sự nghiệp sáng tác phong phú của anh. Mặc dù tranh của anh không xa lạ gì đối với nhiều bạn bè văn nghệ, mặc dù tranh của anh đã bước đầu có mặt tại một số bảo tàng trong nước và ngoài nước, cả trong sưu tập cá nhân ở nhiều nơi (Liên Xô, Bỉ, Canada, Tiệp Khắc, Đức, Bờ Biển Ngà...), cuộc triển lãm nói trên vẫn được giới mỹ thuật thủ đô xem là một sự kiện quan trọng: lần đầu tiên, các cách nói khác nhau, hết thảy đều mang dấu ấn Nguyễn Tư Nghiêm, đã xuất hiện cạnh nhau, qua một phòng tranh khá rộng.

     Gắn bó với truyền thống, cần cù và dũng cảm trong lao động, tự tin và nghiêm túc trong suy tư nghệ thuật, thành thực với những cái cụ thể quanh mình, trong cuộc đời mình. Nguyễn Tư Nghiêm đã làm nên một sự nghiệp nghệ thuật đáng quý, đồng thời góp một viên gạch độc đáo vào ngôi nhà của nền mỹ thuật cách mạng nước ta.

     Mọi nghệ sĩ tạo hình Việt Nam từng quen biết tranh Nguyễn Tư Nghiêm đều sung sướng có anh là người cùng thời, là bạn đồng hành, hơn thế nữa, là một nguồn gợi hứng không ồn ào, mà tươi mát.

#NguyễnQuân