NGUYỄN GIA TRÍ VÀ TRANH SƠN MÀI

      Theo họa sĩ bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm, ở thế kỷ 20, nền hội họa Việt Nam có để lại một số tên tuổi lớn, nhưng kỳ thực, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chỉ nhắc có ba người: Nguyễn Phan Chánh với tranh lụa, Nguyễn Gia Trí - sơn mài và Tô Ngọc Vân - sơn dầu. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 ở tỉnh Hà Đông cũ. Ông học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 4 (1928 - 1933), gián đoạn một thời gian, rồi vào học lại ở khóa 7 (1931 - 1936). Tốt nghiệp bằng một tác phẩm lụa. Sau khi ra trường, ông tham gia một số cuộc triển lãm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Salon Unique.

      Triển lãm cá nhân lần đầu tiên năm 1939. Năm 1944, triển lãm cùng Phạm Hậu tại Nhà thông tin Tràng Tiền. Năm 1945, tham gia Triển lãm Văn hóa do Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức tại Nhà Khai Trí Tiến Đức: “một bức lụa có mấy thiếu nữ khỏa thân, màu sắc ẩn hiện như cảnh liêu trai”. Từ 1935 đến 1939, Nguyễn Gia Trí tham gia vẽ tranh bìa (chủ yếu biếm họa chính trị và tranh hài hước), nhiều minh họa, phụ bản (đặc biệt tranh Tết) cho các báo “Phong hóa”, “Ngày nay” - tạo nên một bộ tranh về đủ mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam thời trước cách mạng. Thường ký trên một số biếm họa và minh họa là “Rigt” (một trò chơi đảo lộn trình tự các chữ cái của G.Trí).

Bìa báo Ngày nay, minh họa tranh Chùa Bách Môn của Họa sỹ Nguyễn Gia Trí

      Từ 1954, ông vào Nam, sống và sáng tác tại Sài Gòn. Mất năm 1993. Hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí chỉ mới thực sự kết thúc vào cuối thập niên 1980, sau khi ông hoàn thành bức tranh sơn mài vĩ đại Vườn xuân Trung Nam Bắc (200x540cm). Bức tranh đã được ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mua năm 1991, với giá 600.000.000đ và hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố. Trong thời kỳ cực thịnh của hội họa sơn mài Việt Nam những năm 1938 - 1944, quả nhiên, Nguyễn Gia Trí đã đứng ở vị trí hàng đầu với những tác phẩm chuẩn đích mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

      Năm 1939, Tô Ngọc Vân đã từng viết: “... Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. ở óc, ở tâm hồn người ấy ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Gia Trí là ý tưởng, tình cảm của Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy, người ta cảm thấy tất cả các băn khoăn, yêu mến, khoái lạc, thứ nhất là khoái lạc - của Gia Trí”.

      Năm 1944, về tác phẩm Bên hồ Hoàn Kiếm của Nguyễn Gia Trí, Claude Mahoudot, với bút danh Cl.M., viết: “... những người phụ nữ ở đây làm gợi nhớ tới vẻ duyên dáng bởi một Watteau, cái thanh thoát của một phác thảo kiểu Pháp thế kỷ 18 và những ma lực thanh xuân bởi một Botticelli”. Không khác những người Hy Lạp cổ “thời kỳ Apelle” cách ngày nay hơn hai ngàn năm, về căn bản, Nguyễn Gia Trí chỉ sử dụng có bốn màu: đỏ, đen, vàng, trắng - nhưng, như một nhà ảo thuật lão luyện, ông biến hóa chúng thành những “chất màu” chưa ai biết đến: “thấm đượm như bóng đêm, sáng như vầng trăng bạc, lấp lánh như lá vàng dưới nắng” - trong vô vàn sắc thái kỳ lạ như được ánh ra từ nhung, lĩnh, men sứ, đồi mồi, đá quý. Bằng một sự thanh thản tối cao, ông “phác thảo” ra những nét vàng chói sáng, bay bổng, tài hoa quán xuyến toàn bộ bố cục, đem lại cái nhịp nhàng, cân đối và thống nhất, làm nổi bật các hình thể con người, cảnh vật trên cái sâu thẳm của nền tranh mà bề mặt bao giờ cũng nhẵn mịn, phẳng lì, bóng như ướt nước. Tất cả quyện vào nhau thành một khối hổ phách trong veo, gây hiệu quả tương phản: cực kỳ lộng lẫy mà lại vô cùng trang nhã, thâm trầm. Người ta dễ dàng nhận ra ở Nguyễn Gia Trí một phong cách nhất quán trong thể loại sơn mài cổ điển “đồng nhất” (laque unie), cho dù ông có theo đuổi bất cứ đề tài nào: “thiếu nữ - vườn cây - lầu tạ”, “kinh thánh” hay cách quãng chuyển hẳn sang những thử nghiệm thuần túy trừu tượng.

Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của Họa sỹ Nguyễn Gia Trí tại bảo tàng Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh

      Từ những đỉnh cao nhất thời kỳ đầu thập niên 1940: Bên hồ Hoàn Kiếm, Vườn xuân và thiếu nữ, Thiếu nữ bên đầm sen, Thiếu nữ bên hoa phù dung - cho đến tác phẩm cuối cùng mang tính tổng kết Vườn xuân Trung Nam Bắc - Nguyễn Gia Trí vẫn luôn luôn giữ được một phong độ bậc thầy, nếu có gì khác thì cũng đúng với điều ông đã nói: “Sự sai lầm cũng như sự thành công, có giá trị ngang nhau. Vì chúng đều có công dụng thúc đẩy người nghệ sĩ đi tới”, “Với nghệ sĩ, tác phẩm đi qua và năng lực sáng tạo còn lại”. Và dưới đây, xin trân trọng giới thiệu nguyên văn một hồi ký tràn trề cảm xúc của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, với nhan đề “Một chút kỷ niệm gợi nhớ tới họa sĩ Nguyễn Gia Trí”: Đã qua quá nửa thế kỷ rồi và tôi đã đến cái tuổi gần 80 nên tôi chỉ còn nhớ được hồi ấy xưởng vẽ của ông Nguyễn Gia Trí ở gần nhà thờ Nam Đồng, phía trên gò Đống Đa một quãng. Năm học 1941-1942, anh em sinh viên chúng tôi ở khóa 13 (1939 -1944) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bắt đầu học tập làm tranh sơn mài vào các buổi chiều trong tuần, còn các buổi sáng vẫn tập vẽ sơn dầu (vẽ người mẫu tại lớp hoặc đi vẽ phong cảnh bên ngoài). Một buổi sáng, ông giáo người Pháp (tức Inguimberty - Q.V) cho chúng tôi biết ông Nguyễn Gia Trí cần hoàn thành vội mấy bức tranh sơn mài nên muốn nhờ thêm người giúp việc. Ông giáo chọn ra một số anh em lớp chúng tôi (trong đó có tôi) và dặn ngay chiều hôm ấy chúng tôi sẽ đến giúp việc cho ông Nguyễn Gia Trí tại xưởng vẽ ở địa điểm như tôi đã trình bày ở trên. Ông giáo còn nói thêm đại ý là đến học tập làm tranh sơn mài với ông Nguyễn Gia Trí có lẽ sẽ tiến bộ nhanh hơn ở trường, nhưng đừng quên vẫn phải đến lớp tập vẽ sơn dầu vào các buổi sáng.

      Xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí ở trong một khu vực có vườn hoa, có sân rộng, có nhà tường gạch, mái ngói..., và tuy ông sống độc thân nhưng tôi vẫn thấy xưởng vẽ của ông chật chội vì chỗ nào cũng bề bộn những dụng cụ, vật liệu làm sơn mài, những bức bình phong sơn mài còn chưa hoàn thành dựng tựa vào các mảng tường trong nhà và cả những tấm vóc vẫn còn là nền sơn mới được phác hình, mảng và nét bằng bột màu trắng dựng tựa vào các bức tường bên ngoài. Đã có nhiều người giúp việc ông Nguyễn Gia Trí: ngoài những bác thợ sơn chuyên nghiệp đang làm việc bên các sải sơn còn có cả một số anh em họa sĩ khoa kỹ thuật sơn mài đang chăm chút tô nét, quét mảng bằng các màu sơn đã pha trộn theo đúng màu ở bản phác thảo hoặc đang gắn vỏ trứng vào các mảng đã được bóc mặt sơn trên các tấm vóc, lại có người đang mài những tấm vóc loáng nước đặt trên những chiếc mễ thấp ở ngoài sân...

      Nhóm anh em sinh viên chúng tôi mới đến cũng được làm một số việc hợp với trình độ những người mới tập làm sơn mài. Ông Nguyễn Gia Trí đi đến chỗ này, chạy đến chỗ kia góp ý kiến hướng dẫn mọi người làm cho đúng hơn, tốt hơn. Có lúc ông dừng lại lâu một chỗ và cầm bút sửa một số nét, mảng. Có khi tự tay ông gắn vỏ trứng vào một khoảng trên một tấm vóc... Phải nói rằng sự hướng dẫn của ông rất kỹ đến từng chi tiết nhỏ của từng phần việc, nhưng có khi ông chỉ đến đứng xem một anh em nào đó đang làm và khuyến khích cứ làm tiếp như vậy. Sau một thời gian làm xong công việc ở xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhóm sinh viên lớp chúng tôi trở về trường học cả hai buổi sáng, chiều như cũ. Riêng tôi nhận làm việc thêm cho ông Nguyễn Gia Trí vào các ngày chủ nhật, nhưng không phải làm ở xưởng vẽ vì ông Trí giao cho tôi đi ghi một số tài liệu cần thiết để bổ sung cho những tài liệu ông đang dùng làm phác thảo cho những bức tranh sơn mài khác. Xin nói thẳng là tôi vẽ thuê cho ông Nguyễn Gia Trí chứ không phải là làm giúp. Gia đình tôi nghèo, tôi vẫn phải sống dựa vào bố mẹ vì nếu chỉ trông vào số tiền học bổng ít ỏi thì chỉ tạm đủ ăn chứ không còn tiền mua thêm vật liệu, họa cụ cần thiết. Tôi không có xe đạp nên phải đi bộ, tay cắp cặp vẽ, tay xách túi đựng bút vẽ, hộp màu lang thang đến các vùng quê ngoại thành để ghi tài liệu theo yêu cầu của ông Nguyễn Gia Trí. Ông Trí dặn tôi cần nhận xét, chọn lọc và ghi kỹ những rặng tre, bụi chuối, quán nước, gốc đa, bến sông, bãi chợ... Cứ như thế, tôi vừa làm thuê cho ông Trí vừa làm việc cho bản thân tôi vì tôi còn phải có tài liệu riêng để làm một số tranh trong thời gian nghỉ hè coi như làm bài thi lên lớp. Có lần ông Trí bảo tôi đi tìm vẽ cảnh một ao sen để ông sẽ dùng làm tài liệu cho một bức tranh sơn mài. Thời gian nghỉ hè sắp hết. Tôi cố gắng đi tìm mãi mới gặp một ao sen chưa đến mức bông tàn, lá héo hết như nhiều ao sen khác. Thật may mắn vì ao sen mới gặp này tuy đã có những bông bắt đầu rụng cánh xuống mặt nước ao nhưng vẫn còn những bông nguyên vẹn. Với những lá sen cũng vậy, vẫn còn những lá tươi nguyên nhưng cũng đã có những lá đang tàn trơ ra mấy mảng chỉ còn xương lá, vậy mà khoảng trũng giữa lá còn xanh vẫn cố giữ được những giọt sương lóng lánh. Tôi rất thích cảnh ”Sen cuối hạ” này nên đã say sưa ghi chép, cố gắng diễn tả theo đúng cảnh thực. Khi tôi mang những tài liệu kể trên về đưa cho ông Nguyễn Gia Trí xem thì ông vỗ đầu khen hay và thích nhất tài liệu “Sen cuối hạ”.

      Đến Triển lãm Mùa Thu năm 1944 của sinh viên các lớp thuộc khoa hội họa và khoa điêu khắc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Phòng Thông tin phố Tràng Tiền, tôi đang lúi húi lau sạch một vài chỗ bám bụi trên bức tranh sơn mài Chăn trâu dưới gốc thông - là một trong các bài thi tốt nghiệp của tôi, vì lúc ấy chưa đến giờ khai mạc, tôi bỗng thấy ông giáo người Pháp (tức Inguimberty - Q.V) đi cùng ông Nguyễn Gia Trí đến chỗ tôi. Ông Nguyễn Gia Trí tươi cười, đôi mắt trong cặp kính cận ánh lên vui vẻ. Ông bắt tay tôi thật chặt rồi xem đi xem lại rất kỹ bức tranh sơn mài của tôi nhưng lại không nói gì cả, còn ông giáo người Pháp vốn quen tính chỉ hay gật và lắc thì lại nói hơi nhiều. Ông ta nói chuyện với ông Trí về quá trình hướng dẫn anh em làm bài thi tốt nghiệp ở lớp chúng tôi và tỏ vẻ phấn khởi. Và trước khi cùng ông Trí đi ra phía cửa phòng triển lãm để chuẩn bị đón tiếp những khách được mời đến dự lễ khai mạc triển lãm, ông giáo người Pháp còn gật đầu, mỉm cười nói với tôi: “Vous avez trouvé... C’est le chemin qu’il faut suivre”. Tôi xin phép được dịch tạm sang tiếng Việt như sau: “Anh đã tìm thấy... Đấy là con đường cần phải theo”

#QuangViệt