MỘT HỌA SỸ CHÂN CHÍNH

     Năm 1951, cuộc kháng chiến chống Pháp đã sang năm thứ năm. Trường Mỹ thuật lập lại trong chiến khu Việt Bắc do họa sỹ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, đã kết thúc tốt niên học đầu của khóa kháng chiến. Mùa hè năm ấy, sau một đợt thực tập sáng tác và làm triển lãm phục vụ nhân dân thị xã Lào Cai vừa giải phóng, học sinh được nghi một tháng. Chúng tôi, bốn người gồm anh Vân, hai cán bộ giảng dạy và một trưởng lóp, hop thành một đoàn, đi thăm lại và lấy tài liệu ở một nơi căn cứ cách mạng ...

     Ra đi từ Tuyên Quang, chúng tôi qua làm việc ở Đình Cả, Bắc Sơn, rồi đi tiếp sang Bình Gia, Văn Mịch, tới Đồng Đăng, trở về qua Lạng Sơn. Chương trình đã định khi ra đi, được thực hiện tốt. Cảnh đẹp, người hiền, anh em tràn đầy phấn khởi, ghi chép được nhiều. Chuyến đi khá vất vả; có những buổi đang trên đường, một hai anh lên cơn sốt, nhưng vẫn không chịu dùng lại. Màn của người khỏe tập trung lại quấn tùm lum cho người ốm. Bệnh nhân, răng đánh lập cập, run rẩy vẫn chống gậy đi. Cứ luân phiên nhau như vậy, anh nào cũng đều nộp đủ thuế cho "thần sốt", ít ra là một lần! Nhưng qua cơn rét run, nén cơn nóng toát mồ hôi; hồi lại, lại say sưa về không biết mệt!

     Nhìn lại anh Vân dạo đó: Con người vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, giàu nghị lực. Đầu anh to, vầng trán dô cao dưới chiếc mũ tai bèo, cặp mắt to cứ sáng rực khi chăm chú quan sát. Bàn tay anh nhỏ, những ngón khum khum, run run đưa nét chì trên giấy vẽ. Một thỏi chì than đã mòn chỉ còn hơn đốt ngón tay cảm vào một mầu ống sậy ; một mảnh tẩy chì vẹt mòn còn vừa bằng cái vỏ hến, góc dùi lỗ luồn một sợi dây gai lúc nào anh cũng đeo tòn ten ở cúc áo Sơ mi, trước ngực ... Những "bảo vật" ấy, anh Vân chi chút lắm.  Hoàn cánh chiến tranh, một cây bút chì than, quả quý như vàng. Cứ khi nghỉ, anh Vân lại rút màu chì ra ngắm nghía, xuýt xoa xem nó mòn thêm bao nhiêu và còn làm bạn với mình được bao lâu nữa?

     "Màn trời chiếu đất", nấu ăn trên đường, nhưng thi thoảng gặp một bản làng gần, rẽ vào, là chúng tôi lại được chất tươi thay bữa cho thịt vụn rang mặn, rau tàu bay; rồi nào vẽ cho một ông ké, một bà mé, để được nhờ con cháu các cụ làm mẫu. Tình đồng bào, cán bộ, lưu luyến chẳng muốn rời đi...

Tác phẩm Hà Nội vùng đứng lên - Họa sỹ Tô Ngọc Vân, 1948 

     Về môn bếp núc, anh Vân cũng là tay khá thạo nên khi được bà con cho chất gì tươi, anh em dành ưu tiên cho anh cái việc "chế biến" món ăn cho đoàn. Tìm một nơi thuận tiện, kín đáo, để tránh máy bay giặc. Đôi khi gặp một khe suối cỏ cây chen đá, sơn thủy hữu tình, thì cái việc bếp núc của cuộc đi vẽ thật quả là sang! Và thường những khi đó, thế nào anh em cũng lại được nghe giọng run run khe khẽ của anh ngâm một câu thơ rồi thế nào sau cũng tiếp bằng  "... đây lắng hồn núi sông ngàn năm v.v..." may câu trong bài hát “Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi mà anh rất thích. Và mỗi lần như vậy lại là dịp để chúng tôi nhắc nhớ lại bao kỷ niệm về thành phố thân yêu, về bè bạn, về tình đời, về những ngày cùng nhau đi cứu đói, cùng nhau vẽ áp phích trong không khí sôi nổi những ngày tổng khởi nghĩa; nhất là với anh Vân, chính bài hát "Người Hà Nội" đã cho anh cảm hứng để vẽ bức tranh "Hà Nội vùng đứng lên" vào năm đầu kháng chiến.

     Không phải gốc người Hà Nội, hoạ sỹ Tô Ngọc Vân quê ở Xuân Cầu, một làng có nghề nhuộm thâm, thuộc huyện Văn Giang, Hải Hưng. "...Ai về Đồng Tinh, Xuân Cầu, Đồng Tinh gánh lá, Xuân Cầu nhuộm thâm..." . Nhưng với anh Vân, thì tình cảm Hà Nội đối với anh thật sâu nặng. Anh sinh năm 1906 ở Hà Nội, và từ nhỏ Hà Nội đã khắc vào tâm hồn anh nhiều kỷ niệm đằm thắm từ buổi hàn vi cho đến khi thành tài, có một chỗ đứng vững vàng trong làng Mỹ thuật Việt Nam.

     Năm 1925, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập. Tiếp xúc với hai ba anh bạn được đỗ vào khóa đầu, anh Vân đã như bị cái nghề mới mẻ này cuốn hút mãnh liệt. Anh quyết tâm theo học nghệ thuật. Một năm sau, anh đã thi đỗ vào khóa hai và là một trong mấy tài năng được chú ý ngay khi mới nhập môn. Mê say với nghề, lại năng động, ham hiểu biết, Tô Ngọc Vân sục sạo tìm xem bất cứ sách hoặc tài liệu nào về mỹ thuật mà anh có thể tìm được hồi đó. Tranh dân gian Việt Nam, hội họa Nhật Bản, bích họa A-gian-ta Ấn Độ, hội họa đương đại Pháp với Ma-nê (Manet), Go ganh (Gauguin), Van Đôn-gon (Van Dongen), Ma-tít-xơ (Matisse)... những phiên bản hiến hoi tìm được thuở ấy đã chiếm lĩnh tâm hồn chàng thanh niên. Tô Ngọc Vân học khoa sơn dầu, nhưng cũng thử thách với những chất liệu khác: Khắc gỗ, bích họa, lụa... Gần những năm ra trường Tô Ngọc Vân còn là một cây bút rất hay viết và viết đều về mỹ thuật, đồng thời cũng làm cả minh họa, biếm họa, và ở thể loại nào anh cũng tỏ ra hăm hở, say sưa.

     Họa sỹ Tô Ngọc Vân tốt nghiệp năm 1931. Người ta dễ dàng nhận ra âm hưởng của Gô ganh trong bức "Lễ vật" (Offrande) tác phẩm thi tốt nghiệp của anh, cũng như thấy phảng phất ảnh hưởng của bích họa A-giăng-ta trên bức lụa "Quà cưới" (Cadeau de noce) 1932, hay của hội họa Nhật Bản ở bức lụa "Hai em bé mục đồng" ... Qua những thể nghiệm đầu tay, ở anh đã sớm lộ ra tính cách một họa sĩ duy sắc. Ưa thích thể chất đẹp, say sưa với ánh sáng, với những phản quang phong phú của sắc màu nồng nàn... Những rét riêng được trau dồi đã trở thành định hình cơ bản trong phong cách Tô Ngọc Vân vào những năm sau này. Ở anh, còn có một nhà hình hoạ tế nhị, nhạy cảm với những khối hình tròn đầy duyên dáng; đặc biệt nhạy cảm trước vẻ đẹp tạo hình nhã thú của người phụ nữ - một đối tượng chủ yếu trong nhiều sáng tác của Tô Ngọc Vân.

     Đi vào cái nghề đang còn mới mẻ ở xã hội Việt Nam thời đó, lại ra trường vào những năm kinh tế khủng hoảng, cuộc sống nghệ sỹ không dễ dàng. Tô Ngọc Vân phải đi dạy vẽ ở một trường tư, nhận vẽ tranh quảng cáo cho một hãng buôn, tuy ở công việc này, anh đã có dịp thể nghiệm nghề bích họa học được khi còn ở trường.

     Hai bức nê hoạ của anh trên tường hồi hai ngôi nhà cuối phố hàng Đào và đầu phố Cầu Gỗ, có những gam màu ấm, hồng, vàng rơm, mà sau này ta thường gặp lại ở một số sơn dầu. Anh còn vẽ lụa, khắc gỗ và người đọc cũng thường gặp anh qua những bài viết về hội họa, hay minh họa mang tên Ái Mỹ, Tô Tử ...

     Sau hai năm đi dạy vẽ ở trường phổ thông trung học Phnông-Pênh, đến 1939, Tô Ngọc Vân trở lại Hà Nội nhận chức giáo sư hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Và những năm 1939 -1942 là giai đoạn hoạt động hào hứng, dồi dào nhất của anh cũng là giai đoạn chuyển nhiều hơn cả về chất liệu sơn dầu, với một đối tượng chủ yếu đã khiến anh một thời nổi tiếng. Đó là đối tượng người phụ nữ Hà Nội.

     Danh tiếng đã vào bậc khá vang lừng. Tranh vẽ ra bán rất chạy. Có khi một tác phần vừa vẽ xong, màu dầu chưa kịp khô đã có khách hàng năn nỉ mua. Cái xã hội phong lưu, nhàn hạ giàu có đang mở rộng vòng tay, sẵn sàng ôm vào lòng nó người họa sĩ được ưa chuộng... và Tô Ngọc Vân, khi đó nếu muốn rất dễ dàng đi vào cái thế giới trưởng giả ấy với giàu sang, danh lợi hai bề đầy đủ. Nhưng, còn có cuộc cách mạng đang âm ỉ trong lòng quần chúng, còn có những sự cố xã hội đang như lên cơn sốt kia, những nhân tố đó không thể không lay động tâm hồn, suy nghĩ của con người yêu nước, dù anh khi đó vẫn đang mê mải với ảo tưởng nghệ thuật đơn thuần.

     Năm 1942, đại chiến thế giới thứ II rung chuyển châu Âu! Pháp bại trận, chóng vánh đầu hàng đế quốc Đức! Mây đen chiến tranh phủ xám bầu trời Đông Nam Á! Chính quyền thuộc địa Pháp nhượng bộ, để Nhật Bản vào Đông Dương chặn đường tiếp tế cho quân cách mạng Trung Quốc. Bom đồng minh dội xuống Hà Nội, rớt cả vào trụ sở trường Mỹ thuật. Trường phải phân tán. Bộ phận hội họa lánh sang Hà Tây. Bộ phận điêu khác, kiến trúc dời đi Đà Lạt... Rồi tới Nhật hất cẳng Pháp, viên giám hiệu người Tây bị cầm tù. Tô Ngọc Vân tạm thay thế phụ trách cái trường đã gần đi đến tan rã!

     Phong trào Việt Minh trên đà lan rộng. Một số học sinh bỏ học trở về quê quán, một số còn ở lại tham gia hoạt động bí mật, trong đó có mấy bạn trẻ thân cận của anh Vân được anh mến nể vì tài, vì chí và ảnh hưởng của tình cảm thầy trò đưa dần tới chuyển biến tư tưởng góp phần lôi cuốn anh vào con đường cách mạng.

     Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng Việt Nam thành lập, trao cho Tô Ngọc Vân công việc lập lại Trường Mỹ thuật. Buổi đầu phải thu thập, gây dựng lại cơ đồ đã tồn thất nặng nề vì trường sở, trải qua bao lần bị chiếm đóng hết quân đội Pháp, Nhật đến quân Tưởng Giới Thạch. Công việc bộn bề chiếm mất phần lớn thời gian của Tô Ngọc Vân, nhưng anh vẫn tranh thủ tiếp tục tìm tòi sáng tác giữa những giờ còn tác. Nhưng việc học tập của học sinh chỉ mới tiến hành được vài tháng đã phải tạm ngừng. Giặc Pháp gây hấn, đã làm nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc.

Kỷ vật của họa sỹ Nguyễn Thế Vỵ khóa kháng chiến.

     Được sự bảo vệ của cán bộ cách mạng, Tô Ngọc Vân rời thủ đô, ra vùng tự do, và từ đó anh sát cánh cùng anh em văn nghệ, bước vào một cuộc sống mới, đem tài năng, kinh nghiệm góp phần phục vụ cuộc trường kỳ kháng chiến của toàn dân.

     Nhiều nơi, từ Trung du lên Việt Bắc, người ta đã gặp anh họa sĩ nhanh nhẹn vui tính ấy, khi thì vẽ tranh cổ động kháng chiến trên một mảng tường phố, khi làm hóa trang, trình bày cho một sân khấu lưu động, hoặc khi mài đá lăn lô in tranh truyền đơn dưới tán lá rừng dày đặc, khi làm Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến cũng như khi chạy lo tổ chức lại Trường Mỹ thuật (1949 - 1950). Cứ lúc nào hơi rảnh là anh lại luôn tay với mầu chì, cuốn sổ con thường xuyên mang theo trong xắc cốt ghi chép người, cảnh vật trong sinh hoạt hàng ngày.

     Sống giữa lòng nhân dân, cùng chung những vui buồn với những con người bình thường, chất phác, những chiến sỹ, những người lao động cần mẫn, đã đưa lại cho Tô Ngọc Vân cảm hứng sáng tác đề tài mới: Hà Nội vùng lên (1948), Tản cư trong rừng, Giặc đến giặc đi (1949), Nữ y tá (1949) v.v... làm trong mấy năm đó đã báo hiệu sự chuyển biến bước đầu của anh. Đề tài, đối tượng vẽ đã đổi khác, tiết tấu năng động rộn ràng, chiều hướng đi vào khắc họa tính cách, nội tâm nhân vật... là những nét mới mẻ. Tuy nhiên, đó đây, đôi khi còn lưu lại những nét hình quen thuộc, sắc thái ưu du của tranh thời trước cách mạng, nhất là phong thái người đàn bà thành thị. Có thể nói: giữa cảm xúc tạo hình, giữa tư chất sáng tạo nghệ thuật của anh với nội dung mới đang còn có chỗ chưa ăn khớp.

     Đối tượng nghệ thuật của anh đã đổi khác rồi. Anh đến với đối tượng mới ấy với cả niềm chân thành; song, những nếp quen, những thích thú, thuởng thức khá phức tạp trước nguyên mẫu trong môi trường xưa của anh, giờ đây lại chính là trở ngại không ít cho anh khi biểu hiện những con người lao động trong môi trường mới với những tương quan xã hội đang biến chuyển mạnh mẽ.

     Có thoát ra khỏi những nếp cảm nghĩ, cách làm quen thuộc cũ; để tạo cho mình cái nhìn phù hợp đối với thực tế khách quan mới có thể chuyền hóa thật sự. Chính trong sáng tạo nghệ thuật của anh qua thực tiễn đời sống và quá trình tìm tòi thể nghiệm trong mấy năm, đã chứng minh anh nhận thức ra điều đó. Rồi tiếp trải qua những cuộc tranh luận về những vấn đề "tuyên truyền và nghệ thuật", "trước mắt và lâu dài" ... càng củng cố cho anh nhận thức mới, thấy rõ hơn sai lầm của quan niệm "nghệ thuật vị nghệ thuật" xưa kia.

     Cuộc đấu tranh với chính bản thân mình không phải dễ dàng trong ngày một ngày hai, mà khi âm ỉ, khi sôi động, nó gay go còn hơn việc phấn đấu vượt khó khăn gian khò để thích nghi với hoàn cảnh khách quan của cuộc sống kháng chiến trường kỳ. Nhớ lời Hồ Chủ Tịch dạy trong buổi Người đến thăm lớp nghiên cứu tình hình nhiệm vụ mở cho giới Văn nghệ cuối năm 1950: "... Có quyết tâm và tín tâm thì việc khó khăn mấy cũng làm được...". Cũng như ý kiến về sáng tác của Người viết trong thư gửi anh chị em hoạ sỹ vào dịp triển lãm Mỹ thuật toàn quốc cuối năm 1951: "Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế mới bày tỏ được tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triền và nâng cao tinh thần ấy".

      Qua những năm dài phấn đấu, tự rèn luyện trong hoạt động, liên hệ với thực tiễn của anh chị em nghệ sĩ thì đúng như điều Bác đã dạy bài học về quyết tâm và tín tâm được thấm nhuần đã đưa lại cho chúng tôi kết quả rõ ràng; và trường hợp anh Vân có thể nói là một tấm gương tiêu biểu cho ý chí bền bỉ phấn đấu tự thay đổi mình để thay đổi nghệ thuật của con người nghệ sĩ trí thức tiểu tư sản đi theo cách mạng; song còn rơi rớt ảnh hưởng tự do chủ nghĩa với quan niệm "nghệ thuật vị nghệ thuật" ...

     "Học kết hợp với hành", điều anh nhắc nhở học trò của mình, cũng là điều mà chính bản thân anh tự thực hiện. Những chuyến đi vào thực tế đời sống nhân dân lao động, của cả thầy và trò sáng tác và phục vụ ngay tại chỗ, gắn bó mật thiết hơn giữa công chúng và nghệ sĩ đã đưa lại những kết quả tốt đẹp. Đặc biệt là chuyến đi dài ngày mà anh tham gia như một đội viên trong một đội công tác phát động cải cách ruộng đất, về một vùng nông thôn thuộc Vĩnh Phú nơi mà sau đó anh còn trở lại nhiều lần. Thâm nhập đời sống người nông dân lao động qua "ba cùng" , hiểu thấu về những nỗi cơ cực của người dân cày không có ruộng; đồng thời cũng khám phá ra những đức tính tốt đẹp của họ, đã đưa lại cho anh ấn tượng sâu sắc và kết quả thu được trong nghệ thuật của anh là sự đổi mới thật nức lòng. Tuy chỉ là nghiên cứu ghi chép, nhưng anh đã truyền được vào trong đó cảm xúc chân thật của mình đối với đối tượng sáng tác mới ấy. Anh thấy ra được tính cách và nhất là phẩm chất cao đẹp của những con người nông dân đang vươn lên làm chủ cuộc đời. Với nghề nghiệp sẵn vững vàng của anh, qua những nét màu vẫn nhã thú và trong sáng, khỏe khoắn, giản dị mà trữ tình, nghệ thuật của anh đã đi đến hiện thực, đấy là vào năm 1953.

Chân dung họa sỹ Tô Ngọc Vân, chì màu của Lê Lam. Trên tranh có chữ ký của các sinh viên khóa Kháng chiến.

     Đầu năm 1954, Tô Ngọc Vân lại lên đường trong một chuyến đi mới. Lòng đầy tin tưởng, hào hứng, trong bữa liên hoan tiễn đưa, anh còn đề nghị giao ước thi đua giữa người đi với người ở. Anh muốn được trực tiếp đi vào trận chiến đấu đang thời kỳ ác liệt trên chiến trường Điện Biên. Nhưng tình hình chiến sự diễn tiến quá nhanh. Quân ta thắng giòn giã, bắt sống Đờ-cát, mà anh còn đang trên đường đi! Máy bay giặc Pháp ném bom ác liệt dọc đường lên mặt trận hòng cứu cho quân đội của chúng bị bao vây ở lòng chảo Điện Biên.

     Và tiếc thay! Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong một trận ném bom của giặc. Được tin chẳng lành này, anh em ở nhà nửa tin nửa ngờ, vẫn cố nghĩ rằng, có thể trong khi bị oanh tạc anh đã tránh được ở đâu đó? Cho đến khi anh Nguyễn Đình Thi cùng mấy chiến sĩ từ mặt trận về đem theo chiếc ba lô và cái cặp vẽ bất ly thân của anh, bấy giờ mọi người mới tuyệt vọng! Chiếc cặp vẽ được bọc cẩn thận trong một tấm ni lông che mưa. Đúng là của anh Vân rồi! Anh vẫn cẩn thận như vậy xưa nay. Anh có thể gội mưa thà mình chịu uớt chứ không chịu đề tài liệu ký họa, đồ vẽ của anh không được bảo vệ chu đáo. Mở chiếc cặp vẽ ấy, thật xiết bao cảm động khi thấy trong tập họa quý anh ghi dọc đường, có một bức vẽ với những nét chì rung động, ở góc ghi ngày 15-6-1954. Đó là một Cảnh đèo Lũng Lô – bức vẽ cuối cùng của đời anh !!!

     Tô Ngọc Vân đã qua đời! Nhưng lòng yêu nước, yêu nghề, yêu cuộc sống, tính tình hoạt bát vui vẻ, năng động của anh, nhất là ý chí phấn đấu kiên trì tự thay đổi con người của mình để thay đổi tư tưởng nghệ thuật là một tấm gương sáng mãi. Nếu như anh chưa "giữa đường đứt gánh, thì với những tài liệu, những ký họa anh để lại, anh sẽ có thể xây dựng những tác phẩm lớn.

     Tô Ngọc Vân ngoài con người nghệ sĩ sáng tác, còn là một cán bộ có tài tổ chức. Cống hiến của anh trong sự nghiệp xây dựng cơ đồ đào tạo lớp trẻ mỹ thuật, là một đóng góp lớn cho phong trào. Chính để ghi công anh, giữ gìn kỷ niệm về anh, mà chúng tôi đã lấy tên anh đề đặt cho khóa học thứ II và cũng là khóa đầu của Trường Mỹ thuật Việt Nam từ chiến khu trở về Thủ đô giải phóng, sau chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ. Khóa Tô Ngọc Vân 1955 - 1957 là khóa học mang tên một họa sỹ chân chính, một trong những người anh lớn của giới Mỹ thuật Việt Nam.

#TrầnVănCẩn