HỌA SỸ SƠN MÀI ALIX AYMÉ

     Xin được cảm ơn ông Pascal Lacombe và Guy Ferrer đã cung cấp những tư liệu quý báu từ lưu trữ Alix Aymé.

     “Thưa thầy: Chồng chưa cưới của con đã được phân bổ làm giáo viên Văn học tại Thượng Hải. Con tin rằng trong tháng tới, chúng con sẽ cưới và sau đó đi Trung Quốc. Đất nước xa lạ này dường như rất hấp dẫn với con và con không hề có cảm giác lo ngại gì cho chuyến đi này” (1).

     Alix Aymé viết bức thư này cho Maurice Denis – người thầy dạy vẽ và cũng là họa sỹ tiên phong sáng lập nên trường phái Nabis vào khoảng tháng 4 năm 1920. Có lẽ bà không ngờ rằng chuyến đi này sẽ mở một trang mới - đầy ắp những khám phá, trải nghiệm, tràn đầy đam mê nhưng cũng không ít những biến cố đau thương trong cuộc đời của bà.

     Alix Aymé sinh ngày 21-03-1894 tại Marseille. Năm 1909 bà đỗ vào Nhạc Viện Toulouse và được coi là một thần đồng âm nhạc, nhưng bà đã chọn hội họa cho sự nghiệp của mình khi bà chuyển đến Paris để học vẽ với Desvallière và Maurice Denis năm 1916.

      Tháng 5 năm 1920 bà cùng Paul de Fautereau Vassel người chồng mới cưới đi Thượng Hải với rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên những trải nghiệm đầu tiên tại Trung Quốc làm bà thực sự thất vọng. Bà viết cho Denis vào tháng 4 năm 1921: “Con không thể tin rằng có thể có một nơi nào tồi tệ hơn Thượng Hải và vùng phụ cận… Con chưa bao giờ thấy một vùng đất nào phẳng lặng, u ám và ảm đạm như thế” (2). Công việc của Paul cũng không tiến triển tốt đẹp vì những gì được hứa hẹn lúc họ còn ở bên Pháp đều không được thực hiện. Cuối năm 1921, bà cùng chồng chuyển đến Hà Nội – nơi Paul nhận việc dạy học tại trường Trung Học Hà Nội - Trường Albert Sarruat. Ngay khi đến Việt Nam bã đã có cảm tình với đất nước và con người ở đây. Bà viết trong thư ngày 08/03/1922 cho Denis: “Con thấy đất nước này rất thú vị nhất là về màu sắc và địa hình bằng phẳng với những cánh đồng lúa xanh mát trải dài đến tận chân trời, những loại cây cỏ thật đẹp như những cây đa, cây si với bộ rễ mọc từ cành xuống đất, hay những cây gạo lúc này đang đỏ rực hoa” (3).

Thư Alix Aymé gửi cho Maurice Denis – Lưu trữ tại Bảo tàng Maurice Denis – Aymé Denis 3927

     Tuy vậy, mọi việc không hoàn toàn dễ dàng với Alix trong những năm đầu tại Đông Dương. Mặc dù rất có tài, Alix lại không có bằng cấp từ một trường Mỹ thuật chính thống bên Pháp. Bà gặp nhiều khó khăn để tìm được việc và để có được những đơn đặt hàng trang trí. Bà viết cho Denis: “Ở đây họ đang xây dựng rất nhiều nên có rất nhiều thứ để vẽ, nhưng có vẻ như họ giao việc này một cách khá ngẫu nhiên…cho những người có quan hệ mà thậm chí không hề có tài năng nghệ thuật… Con lo lắng rằng, con là phụ nữ, lại không có một chức danh hay thậm chí một bằng cấp từ một trường Mỹ thuật danh tiếng… con sẽ luôn luôn bị gạt ra ngoài” (4).

     Điều này không hề làm bà nản chí, bà tiếp tục sáng tác nhiều và thường xuyên gửi tranh về Paris tham dự các triển lãm. Trong thư gửi Denis 1922, bà thông báo với Denis rằng bà đã hoàn thành một tác phẩm khổ lớn cho triển lãm Thuộc Địa tại Marseille và đang cố gắng hoàn thành một bức sơn dầu cho triển lãm Quốc Gia vào cuối năm. Thời gian ở Đông Dương, Alix đi du lịch rất nhiều Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản và Sri Lanka. Bà nhiều lần thăm Vân Nam, Trung Quốc nơi bố mẹ chồng bà đang sống và công tác trong thời kỳ này. Năm 1922 bà sang thăm Lào, một đất nước để lại trong bà nhiều ấn tượng sâu sắc đặc biệt là “cảnh hoàng hôn nhuộn đỏ nước sông Mê Kông hay hình ảnh những người phụ nữ nằm ngủ dưới tán những cây bồ đề cổ thụ” (5).

ALIX AYMÉ – Em gái với áo hoa. Sơn mài. 45,5x37cm. Sưu tập Phạm Lê

     Năm 1924, Alix dạy một khóa tại trường dạy nghề Hà Nội (Ecole Professionele) với tư cách là giáo viên tạm thời. Bà viết: “Con đang dạy một khóa học tại một trường chuyên nghiệp. Công việc rất thú vị. Học trò là người An Nam khá có năng khiếu, nhưng về màu sắc thì không bằng học sinh Tàu, nhưng họ cũng khá về hình họa, bố cục và sắp xếp. Con cũng đang học vẽ sơn mài từ một người Nhật Bản để sau đó mở lớp dạy vài học trò. Con thấy có thể vẽ những bức tranh trang trí đẹp bằng sơn mài… Người Nhật đó cũng đang hướng dẫn con về tranh khắc gỗ màu…” (6).  Cũng trong thời gian này Alix cùng với Nam Sơn vẽ minh họa cho tờ Pages Indochinoises – một tạp chí hàng tháng của viện Viễn Đông Bác Cổ về văn học và Nghệ Thuật (7). Ngày 13/06/1925 bà được nhận vào làm Giáo sư kỹ thuật thực tập và ngày 10/01/1926 bà được nhận chính thức là Giáo sư kỹ thuật hạng ba, chính thức trở thành công chức nhà nước Pháp tại Đông Dương (8).

     Bên cạnh việc sáng tác với chất liệu sơn dầu, màu nước truyền thống châu Âu, bà say mê nghệ thuật Á Đông và dành nhiều thời gian học sơn mài, tranh lụa và tranh khắc gỗ. Bà tự mày mò học kỹ thuật vẽ Tempera (9) với trứng vì kỹ thuật Tempera dễ dùng, nhanh khô và các bức tranh dễ dàng được cuốn lại cho việc di chuyển hay khi gửi tranh về Pháp triển lãm. Phong cách của bà với sự hòa trộn đường nét rất Âu và Á đã dần được hình thành và sau này trở thành nét đặc trưng trong các sáng tác của bà.

Alix Ayme trong xưởng vẽ tại biệt thự tại Hà Nội

     Tình yêu với Đông Dương ngày càng trở nên sâu đậm. Bà viết: “Con cảm thấy gắn bó với đất nước này vì con đã hiểu và yêu nó nhiều hơn. Con nghĩ rằng con sẽ sáng tác được nhiều tác phẩm đẹp ở đây”. Năm 1926, bà xuất bản hai bộ tranh in khắc gỗ màu “Vân Nam” (12 tấm) và “Từ Hà Nội đến Angkor” (26 tấm) (10). Alix có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Pháp năm 1926 tại Galerie Eugène Druet(11), và bà cũng có 3 tác phẩm triển lãm tại Pháp của Liên Hiệp các Nghệ Sỹ Pháp tại thuộc địa (12).

     Cũng vào năm 1926, bà và chồng rời Đông Dương về Paris nơi bà sinh con trai đầu lòng Michel (15/09/1926). Trong thời gian tại Pháp bà nhận được lời mời vẽ minh họa cho ấn phẩm đặc biệt của tiểu thuyết Kim của Rudyard Kipling dựa trên những minh họa bà ghi lại ở Sri Lanka nơi bà dừng chân trên đường về Pháp (13).

     Năm 1928, Bà để Michel ở lại Pháp với bà ngoại và quay lại Đông Dương. Bà và Paul ly thân, Paul về dạy tại trường Trung học Pháp tại Nam Định còn Alix dạy tại trường Quốc Học Huế. Tại đây bà sáng tác một bộ tranh khắc gỗ gồm 12 bức về phong cảnh nên thơ của Huế và thiết kế một áp phích cho Cục Du lịch Huế. Tháng 4 năm 1928 bà có triển lãm cá nhân tại thư viện Portail – Sài Gòn. Trong triển lãm này – Toàn quyền Đông Dương mua hai bức tranh của bà: “Sông Hương – Huế” và “Chợ trong mưa” (14). Tháng 7 năm 1929 bà có triển lãm cá nhân thứ hai tại nhà hát lớn Sài Gòn (15).

     Cũng như những họa sỹ có tài khác, Alix muốn được công nhận qua những tác phẩm đặt hàng lớn. Điều này không hề dễ dàng khi bà sống cách xa Paris. Nhiều lần trong những bức thư gửi Denis bà tâm sự rằng bà cảm thấy buồn nản và thất vọng khi bà thấy nhiều họa sỹ không tài năng bằng bà nhận được các dự án cho Đông Dương từ Paris. Năm 1929, nỗ lực của bà được ghi nhận khi bà được giao nhiệm vụ thiết kế phòng Lào cho triển lãm thuộc địa tại Paris năm 1931 (16).

     Alix ở Lào 18 tháng để hoàn thành công việc này (17). Bà sang Lào từ tháng 6 năm 1929 đến hết năm 1930. Từ Lào bà viết thư cho Denis miêu tả công việc của mình: “Con bây giờ đang ở Lào nơi con được gửi sang để vẽ những tranh trang trí cho gian hàng Lào tại triển lãm thuộc địa. Cùng lúc này, con cũng chịu trách nhiệm trang trí một phòng trong Hoàng Cung tại Luang Prabang. Con sẽ vẽ những bức tranh lớn mô tả cuộc sống hàng ngày của người Lào – một công việc mà con cảm thấy vô cùng hứng thú. Người Lào giống với người Tahiti và thiên nhiên Lào có nhiều nét tương đồng với khung cảnh miêu tả trong tranh của Gaugin. Con vẽ suốt cả ngày, điều mà con luôn luôn mơ ước, mặc dù vậy đôi lúc con cũng cảm thấy mệt mỏi, vì làm việc một mình và không có ai khuyên bảo, trước một công việc quan trong như thế” (18). Bức tranh tường khi hoàn thành rộng gần 100m2, nay được nhà nước Lào công nhận là di sản quốc gia và đang nằm trong quần thể văn hóa UNESCO tại Luang Prabang.

ALIX AYMÉ – Thiếu nữ bên sông. 1935. Sơn mài. 36x46cm. Sưu tập Phạm Lê

     Năm 1931,bà quay về Hà Nội và dạy tại trường Albert Saraut. Tháng 7 năm 1931, hai tháng sau khi Triển lãm thuộc địa khai mạc, Alix cưới Trung Tá Georges Aymé, người sau này thành Tướng, chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương. Ngày 01-01-1932 bà được nâng hạng thành Giáo sư kỹ thuật hạng hai cùng ngày với Nam Sơn (19). Lúc này Alix đã trở nên có danh tiếng hơn và tranh của bà được nhiều người yêu mến. Năm 1932 bà có 10 tác phẩm trưng bày tại Đông Dương Kinh Tế Cục (20). Theo Niên bạ “Hành chính Đông Dương năm 1934 – 1937”, Alix xin nghỉ công tác từ 08 /05/1933 đến 03/11 /1935 bà mới quay lại Đông Dương làm việc. Thời gian này bà về Pháp và sinh Francois, tháng 6 năm 1934 (21).

     Cuối năm 1934, Goerges Aymé nhận công tác là Chánh Văn Phòng Quân Đội Pháp tại Đông Dương, nhưng Alix không đi theo ngay được. Trong thư gửi Denis bà viết: “Con hiện đang bận suốt ngày với Francois, cháu đã khỏe hơn nhưng con vẫn chưa biết khi nào sẽ quay lại Đông Dương. Cùng lúc này con cũng đang chuẩn bị cho chuyến đi (Đông Dương) của chồng con” (22). Bà quay về Hà Nội vào năm 1935 và chuẩn bị cho một cuộc triển lãm cá nhân lớn tại Ngân Hàng Pháp - Trung số 21 Boulevard Henri Riviere - nay là trụ sở bộ Công Thương Phố Ngô Quyền - Hà Nội từ 16 – 25 tháng 11 năm 1934. (23) Trong các tài liệu sưu tập được chúng tôi vẫn chưa xác định chính xác được khi nào bà Alix bắt đầu dạy tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Bà có thể bắt đầu dạy tại trường trong khoảng từ cuối năm 1932 đến năm 1935. Có thể chắc chắn rằng Alix dạy tại trường trong năm 1935 – 1937 vì trong “Niên bạ hành chính Đông Dương”, tên của bà được ghi trong phần Đại Học Đông Dương năm 1935 (lúc này trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương vẫn là một phần của Đại Học Đông Dương) và Trường Mỹ Thuật năm 1936 và 1937. Chúng tôi cũng chưa xác định chính xác khi nào bà Alix ngừng dạy tại trường. 

     Sau này, Alix đã hồi tưởng lại giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử nghệ thuật sơn mài Việt Nam như sau: “Từ khoảng năm 1930, qua việc nghiên cứu các quy trình và kỹ thuật sơn mài, Trường Mỹ thuật Hà Nội đã giúp mang lại sức sống mới cho nghệ thuật sơn mài ở Đông Dương. Chất liệu tuyệt đẹp và tinh khiết này làm say lòng họa sỹ… với những yêu cầu của chất sơn, người nghệ sỹ phải sử dụng một kỹ thuật đặc biệt mà anh ta phải tự trải nghiệm bằng cách chấp nhận tất cả sự khắt khe của chất liệu, nhưng đồng thời phải mày mò tìm hiểu để hồi sinh những bí mật cũ và khám phá những tiềm năng chưa được biết đến của nó…

     Đây là lý do tại sao nghiên cứu kỹ thuật là mối quan tâm cao nhất của các giáo viên Trường Mỹ thuật. Dưới sự chỉ đạo sát sao của ông Inguimberty, chúng tôi đã tìm kiếm một số thợ sơn mài đã làm việc vài năm trước với người Nhật tại Hà Nội. Chúng tôi tìm những thợ thủ công già với kỹ thuật truyền thống từ nông thôn, tham khảo thông tin những cuốn sách của Trung Quốc và Nhật Bản và cử một học sinh của Trường sang Nhật học và viết một bản báo cáo lớn khi quay về- tuy nhiên bản báo cáo này được rút ra từ cuốn từ điển tiếng Nhật và không có mấy giá trị thực sự.

     Chúng tôi quyết định tiến hành các thử nghiệm và nghiên cứu các kỹ thuật khác nhau. Chúng tôi bắt đầu với các ứng dụng của bột vàng trên sơn mài tươi. Sau khi được làm khô trong buồng ẩm, nó được phủ một lớp sơn mài thứ hai, sau đó được đánh bóng với cường độ khác nhau và chúng tôi đã thu được thành công. Sau đó, chúng tôi đã thử kết hợp các loại bột và vật liệu khác nhau và thêm được nhiều màu sắc vào bảng màu. Để có được màu trắng là rất khó. Chúng tôi đã thử rất nhiều và dừng lại ở màu trắng của Titan. Nhưng vỏ trứng cuối cùng lại cho màu trắng tinh khiết hơn nhiều. Trứng gà cho màu trắng hồng và trứng vịt có màu trắng lạnh. Để cho sơn mài rắn chắc hơn, chúng tôi gần như từ bỏ hoàn toàn việc bổ sung dầu, ngoại trừ một số lớp trên…

ALIX AYMÉ – Phong cảnh chùa Thầy. Sơn dầu trên toan. 49x66cm. Sưu tập Phạm Lê

     Bằng cách thử nghiệm này, chúng tôi đã tái tạo lại tất cả kỹ thuật mà Trung Quốc và Nhật Bản đã mất hàng thế kỷ để hoàn thiện, và sinh viên Mỹ thuật đã có trong tay một nền tảng kỹ thuật chắc chắn và phương pháp được định hình rõ ràng. Xưởng sơn mài của Trường Mỹ thuật sau đó đã cất cánh ngoạn mục. Một hợp tác xã được thành lập. Chính phủ đồng ý ứng trước tiền. Việc sản xuất và chế tác được giám sát và thỉnh thoảng, các triển lãm cho phép công chúng có thể mua được các tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý. Các sinh viên, sau một vài năm học tập, tự lập xưởng của mình ở các làng xung quanh Hà Nội.

     Thiên nhiên Đông Dương rất đẹp và rất đa dạng cung cấp vô số chủ đề cho các sáng tác. Vịnh Hạ Long với những dãy núi đá, các làng chài và cảnh hoàng hôn tráng lệ là đề tài thường được sử dụng. Trong những dịp nghỉ lễ, các sinh viên theo từng nhóm nhỏ thuê thuyền sống trong khu vịnh phi thường này, sống bằng cá mà họ bắt được và vẽ thật nhiều để làm thiết kế cho các bức tranh và bình phong sơn mài. Họ cũng nghiên cứu và lấy cảm hứng nhiều từ Hòa Bình, những ngôi làng với các tán cau, những cánh đồng lúa bất tận – có vẻ ngoài như đơn điệu nhưng lại thay đổi vô tận với sự phản chiếu của mây trời, những người nhà quê/ Nông dân đi đoàn một với đòn gánh trên vai, những ngôi làng với các lũy tre xanh, những mái nhà tranh, những chiếc ao bèo xanh, những bụi chuối với những tàu lá rách, những hàng cau xanh và những cây hoa gạo đỏ màu máu. Tất cả đều là điểm khởi đầu cho các tác phẩm tuyệt vời… 

     Điểm cuối cùng cần nói đến về sơn mài là nó có chứa chất độc khiến việc xử lý nguyên liệu thô khá phức tạp. Nó có thể gây viêm da mà không có cách chữa trị thực sự… Vì vậy, nếu một người muốn cống hiến hết mình cho môn nghệ thuật này cần tránh tức giận, nóng tính và rèn luyện tính điềm tĩnh, nghiêm túc. Sơn mài, giống như âm nhạc, sẽ làm dịu đi cách cư xử của mỗi người”. (24)

     Từ năm 1935 đến năm 1945, gia đình Alix chuyển về Paris một lần vào tháng 12 năm 1939 khi tướng Aymé được điều động về Pháp khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Gia đình bà quay trở lại Đông Dương vào tháng 10 năm 1940 khi tướng Aymé được điều động sang chỉ huy quân đội Pháp. Tháng 3 năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp, gia đình bà bị bắt đi tù và Michel bị ám sát trong nhà tù Nhật. Sau năm 1945 - gia đình bà trở lại Pháp và bà không bao giờ quay lại Đông Dương nữa .

     Tuy vậy Đông Dương vẫn luôn ở trong trái tim của bà. Bà chuyển gần như hẳn sang vẽ sơn mài và lụa – những chất liệu Á Đông mà bà học tại Đông Dương và đã trực tiếp góp phần phát triển sơn mài thành dòng nghệ thuật đặc sắc của xứ sở này. Bà tiếp tục sáng tác không ngừng nghỉ, và các đề tài về đất và người Đông Dương luôn hiện lên trên tranh của bà trong tất cả các cuộc triển lãm sau này cho đến cuối đời. Chỉ tính riêng trong 14 cuộc triển lãm của Hội Nghệ Sỹ Thuộc Địa và Hải Ngoại Pháp từ năm 1951- 1970, các tranh về Đông Dương của bà chiếm 80% số tranh được triển lãm (26).

     Bà viết cho một người bạn vào năm 1986 khi bà đã 92 tuổi: “Tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm niềm vui với sơn mài, với bút vẽ và nhựa thông. Nếu niềm vui này mà từ bỏ tôi, tôi sẽ trở nên khô cứng và sẽ chết”. Niềm vui và đam mê này không bao giờ từ bỏ bà – Bà mất đúng vào sinh nhật lần thứ 95 của mình khi đang đánh bóng một bức tranh sơn mài vẽ năm 1989.

#PhạmLê

 

1) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis – Ayme_Denis 3920

2) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis – Ayme_Denis 3931

3) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis– Ayme_Denis 3927

4) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis – Ayme_Denis 3927

5) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis– Ayme_Denis 3926

6) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis – Ayme_Denis 3935

7) Pages Indochinoises 1923, 1924, 1925

8) Niên bạ hành chính Đông Dương năm 1926 – 1937

9) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis – Ayme_Denis 3926

10) Theo Le Phare de la Loire 24/06/1926 & Le Petit Journal 22 /06/1926

11) Le Petit Parisien 13/02/26

12) Pierre Sanchez – Repertoire des exposants et liste de leurs œuvres 1908 – 1970 – trang 66 & 67

13) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis – Ayme_Denis 3923

14) L’Avenir du Tokin, 04/2018

15)  L’Avenir du Tokin, 31/ 07/ 1929

16) Thông báo trên L’Avenir Du Tonkin vào ngày 08- 05- 1929 ghi rõ- “Bà Alix de 17) Feutereau, giáo sư kỹ thuật hạng 3 đang công tác tại Annam sẽ nghỉ dạy để sang tham gia ủy ban Lào dưới sự chỉ đạo của Thống Sứ Lào và chịu tránh nhiệm chuẩn bị cho cuộc triển lãm thuộc địa”

18) Le Journal 03/08/1932

19) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis – Ayme_Denis 3924

20) Niên bạ hành chính Đông Dương năm 1926 – 1937

Pierre Sanchez – Repertoire des exposants et liste de leurs œuvres 1908 – 1970 – trang 66 & 67

21) Niên bạ hành chính Đông Dương năm 1926 – 1937

22) Lưu trữ tại bảo tàng Maurice Denis – Ayme_Denis 0321

23) L’Avenir du Tonkin 13 / 11/ 1935

24) Alix Ayme – La Laque en Indochine et L’Ecole des Beaux-Arts D’Hanoi : L’Art de la Laque – Etudes D’Outre Mer – 12/1952

25) www.generals.dk/general/Ayme/Georges-Albert/France.html

26) Pierre Sanchez – Repertoire des exposants et liste de leurs œuvres 1908 – 1970 – trang 66 & 67

27) Pascal Lacombe & Guy Ferrer – Alix Ayme Une artiste peintre en Indochine –trang 112