HỌA SỸ NGUYỄN VĂN MINH VÀ BỨC TRANH SƠN MÀI BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO

       Khách đến thăm Dinh Độc Lập bị thu hút bởi một bức tranh rất lớn tại phòng Trình Quốc thư ở tầng hai. Cho dù chỉ có thể ngắm bức tranh từ phía ngoài căn phòng, sau ba-ri-e che chắn, từng tiết của bức tranh hiện lên khá rõ. Đó là quang cảnh đất nước vừa lấy lại nền thái bình từ tay giặc Ngô vào thế kỷ thứ 15. Bức tranh sơn mài rất lớn trên nền nhũ vàng sang trọng, có phong cách thể hiện gần gũi với dạng tranh Byobu của Nhật bản thời các Shogun. Có thể nói đây là bức tranh có kích thước lớn nhất của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, dài tới 14m, cao 9m, được ghép lại từ 40 bức sơn mài khổ nhỏ mỗi bức 0,8m x 1,2m. Chi tiết trong tranh dày đặc, có khoảng 15 cảnh sinh hoạt đồng hiện trên tranh.

       Từ một bức tranh chỉ dành riêng cho quốc khách thưởng lãm, bức Bình Ngô Đại Cáo nói trên đã đến được với công chúng khi họ vào thăm một nơi trước kia chỉ dành cho chính phủ và quốc khách chế độ cũ. Bên cạnh những bức họa được trưng bày trong dinh như bức Sơn hà cẩm tú của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, bức Quốc Tổ Hùng Vương của họa sĩ Trọng Nội… Bức Bình Ngô Đại Cáo có vị trí rất trang trọng trên nền bức tường chính phòng Trình quốc thư, toát lên từ nội dung niềm tự hào của một đất nước có nền văn hiến lâu đời, đã chiến thắng quân xâm lược nhà Minh mạnh hơn gấp nhiều lần và xây dựng được nền hòa bình trong độc lập cách nay 6 thế kỷ. Chất liệu sơn mài dân tộc sâu đằm nhưng sang trọng thể hiện một quang cảnh rộng lớn, đồng hiện nhiều sinh họat của một dân tộc, đất nước còn đang ngây ngất bởi hào khí chiến thắng.Trong đó, là sự uy nghi của triều đình nhà Lê, khí thế của đoàn quân chiến thắng kiêu hùng trên đường về kinh đô trẩy hội, vẻ tưng bừng của đồng ruộng núi sông, của người nông dân vừa thoát khỏi ách thống trị của giặc Minh. Đó là không khí rộn rã của quê hương bừng bừng sức sống và hy vọng, được thể hiện trong màu vàng nhũ rực rỡ như ánh nắng một ngày đầu xuân, báo hiệu bình minh của dân tộc thời xa xưa.

Tác phẩm "Bình Ngô Đại Cáo" - Họa sỹ Nguyễn Văn Minh treo tại phòng Khánh tiết của Dinh Độc Lập

       Năm 1994, họa sĩ Nguyễn Văn Minh – người mà giới nghệ thuật Pháp xem là Maitre Lacquer (bậc thầy sơn mài) – về Việt Nam và đến thăm bức tranh Bình Ngô Đại Cáo, được ông thực hiện những năm tuổi trẻ tại Sài Gòn. Việc thực hiện bức tranh là một cơ duyên chỉ có một lần trong đời, vào năm 1966, khi ông đang làm Giám đốc Trung Tâm nghệ thuật và mỹ nghệ Mê Linh với hơn trăm nhân viên. Được họa sư Lê Văn Đệ tiến cử, để đảm nhận việc thực hiện bức tranh hoành tráng này để trang trí tại Dinh Độc Lập vừa xây dựng xong, ông chỉ có hai tháng vừa vẽ phác thảo vừa thực hiện. Từ đó, trong suốt thời gian ngắn ngủi đó, họa sĩ Nguyễn Văn Minh cùng các phụ tá đã hoàn thành tốt đẹp công việc để đời này. Bên cạnh đó, ông còn thiết kế cả bộ bàn ghế có tay vịn bằng gỗ phủ sơn mài trong phòng, tấm thảm lớn và cả những chiếc đèn lớn đặt hai bên bức tranh và quanh phòng.

Họa sỹ Nguyễn Văn Minh cùng gia đình

       Họa sĩ Phi Mai, người đệ tử duy nhất của họa sĩ Nguyễn Văn Minh kể lại: Lần về Việt Nam năm đó, ông và chị mua vé vào cổng và lên tầng hai để xem lại bức tranh. Họa sĩ Nguyễn Văn Minh ngắm tranh thật kỹ và đánh giá là sau 27 năm, bức tranh đã bị xuống cấp nhiều chỗ. Chiếc bàn đặt phía trước và cặp đèn hai bên tranh vẫn còn. Bộ ghế sofa dọc hai bên căn phòng đã được thay vải bọc sau rất nhiều năm, tấm thảm trải dưới sàn cũng đã thay bằng tấm thảm khác. Khi biết ông là tác giả bức tranh này, Ban Giám đốc Dinh Độc Lập đã mời ông, họa sĩ Phi Mai cùng KTS Ngô Viết Thụ ăn bữa cơm thân mật. Sau cuộc gặp gỡ đó, năm 2003, những người quản lý Dinh Thống Nhất có nêu đề nghị mời Họa sĩ Nguyễn Văn Minh phục chế toàn diện bức tranh này. Cân nhắc các chi phí, thời gian đi về giữa Mỹ và Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Văn Minh ra một giá tương xứng. Nhưng việc này đã không được tiến hành.

Tác phẩm "Ngựa và tre, 2001 180 x 178 cm" - Họa sỹ Nguyễn Văn Minh (Đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở Toulon, Pháp) 

       Họa sĩ Nguyễn Văn Minh là một người Sài Gòn đích thực. Ông sinh năm 1934 tại làng Bình Hòa, một ngôi làng cổ của tỉnh Gia Định nay thuộc quận Bình Thạnh. Năm ông 12 tuổi, cha ông qua đời. Năm 16 tuổi, ông phải rời trường học để phụ giúp mẹ kiếm sống nuôi gia đình. Năm 1954, ông xin được học bổng vào Trung Tâm Khuếch Trương Tiểu Công Nghệ năm 1954 và tiếp tục học, tốt nghiệp Thủ khoa trường Mỹ thuật Gia Định 1958. Sau đó, ông liên tục được các học bổng sang Nhật huấn luyện thêm về kỹ thuật tranh sơn mài tại National Industrial Arts and Research Institute tại cố đô Kyoto và Sendai. Đây là một cú hích về nghệ thuật khi ông tiếp cận với nghệ thuật Nhật Bản, một đất nước giàu truyền thống mỹ thuật và có kỹ thuật sơn mài rất nổi tiếng trên thế giới. Năm 1975, ông lìa quê hương cùng với gia đình có đàn con rất đông tới tám người. Trong suốt 30 năm ở Mỹ, ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hội họa của ông và đạt được những thành công, có thể yên tâm lo cho cuộc sống gia đình hoàn toàn bằng nghề này. Thập niên 1980, ông mở phòng triển lãm tại Georgetown, tham dự cũng như tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm khắp nước Mỹ và Âu Châu. Trong chặng đường nghệ thuật, ông đoạt được nhiều giải thưởng như Huân chương Danh dự trao tặng bởi Vatican, Rome, Ý cho bức chân dung của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1962), Huy chương Bạc nhận từ quốc tế Triển lãm Mỹ thuật, Rome, Ý (1963), Huân chương Danh dự trao tặng bởi Triển lãm Mỹ thuật quốc tế, Sài Gòn (1964), Huy chương vàng nhận từ Học viện Mỹ thuật, Khoa học và Văn chương, Paris, Pháp (1982) và nhận được lời chúc mừng từ thị trưởng Paris và sau này là Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Pháp, năm 1989 nhân dịp Triển lãm tại Pháp. Tác phẩm Cây anh đào nở hoa của ông đã được mua bởi Oleg Cassini, nhà thiết kế của bà Jacqueline Kennedy. Ông còn đoạt giải thưởng của Yves St Laurent về thiết kế chai nước hoa Opium. Biên tập viên của Dauphine Vaucluse, Toulon, Pháp đã đánh giá ông là “Ông hoàng của sơn mài” nhân cuộc triển lãm ở viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Á Châu ở Toulon, Pháp năm 2001.

Thị trưởng Jacques Chirac đến xem tranh và ghi sổ lưu niệm tại triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Minh năm 1989 tại Pháp.

       Cuộc đời của họa sĩ Nguyễn Văn Minh có chặng đường theo đuổi nghệ thuật khá dài. Đam mê sáng tạo mạnh mẽ và sức sáng tạo dồi dào, ông luôn trăn trở khi đứng giữa trách nhiệm một người cha lo cho đàn con rất đông sống trên xứ người và với mong muốn sáng tác theo ý nguyện của mình bên cạnh những đơn đặt hàng của khách yêu nghệ thuật. Điều hạnh phúc với ông là tác phẩm của ông luôn được đón nhận và hâm mộ, nhất là giới yêu nghệ thuật nước Pháp (ông có tới 14 lần triển lãm tại Pháp, trong đó hầu hết là triển lãm cá nhân). Tranh sơn mài của Nguyễn Văn Minh thường sử dụng lá vàng và bạc làm nền, nội dung và họa tiết mang tâm hồn Việt nhưng đậm đà chất phương Đông, nhất là những bức tranh vào cuối đời. Người xem có thể thấy rõ ảnh hưởng của nghê thuật Nhật Bản trong nhiều tác phẩm của ông. Trong triển lãm tại Tòa đại sứ Pháp tại thủ đô Washington năm 2001, báo chí đánh giá “Khác với khuôn thước sơn mài cũ của ngành mỹ nghệ Việt Nam, hình thức, bố cục trong các tranh của Nguyễn Văn Minh phóng khoáng, sáng tạo, mới mẻ, nên đạt trình độ một tác phẩm nghệ thuật chứ không nằm trong dụng công trang trí bình thường của lọai sơn mài kỹ nghệ thường thấy trước đây. Tòa đại sứ Pháp trong phần giới thiệu cho hay tranh ông dù là phong cảnh, chân dung hay tĩnh vật đều tạo được sự hòa hợp giữa màu sắc và kỹ thuật trác tuyệt” (theo Phạm Điền – RFA).

Họa sĩ Nguyễn Văn Minh (ngoài cùng bên phải) gặp lại bạn bè ở Sài Gòn năm 1999 tại nhà của họa sĩ Trịnh Công Sơn.

      Năm 2005, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư, họa sĩ Nguyễn Văn Minh lìa trần trong sự tiếc thuơng của gia đình, bạn bè. Chưa có thể tổng kết được số tranh ông thực hiện suốt cuộc đời sáng tác của mình. Ở Việt Nam, ngoài bức Bình Ngô Đại Cáo nổi tiếng, ông có tranh trong Viện Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thành tựu hội họa trong suốt 30 năm ở hải ngoại của ông với nhiều thành tích vẫn không được biết nhiều trong nước. Điều đó dễ dẫn tới việc đánh giá di sản nghệ thuật của ông thiếu đầy đủ và toàn diện. Đối với gia đình và bạn bè, ngoài tất cả những tác phẩm nghệ thuật để lại, ông là một người nhân hậu, khiêm nhường, thương yêu gia đình và gần gũi với mọi người, như trong lời lưu niệm của một người bạn Mỹ khi ông mất, đăng trên Guestbook báo Washington Post sau lời Cáo phó: “Ông đã đến thăm ngôi nhà nơi tôi đang ở và tôi nhớ lại một cách sống động những niềm vui và sự hài lòng mà tôi cảm nhận khi chỉ cho ông thấy một số tác phẩm của ông mà tôi có được trong bốn năm tôi ở Sài Gòn, từ 1967-1971. Cho đến giờ, tôi vẫn trân trọng những tác phẩm và tự hào vì chúng với tất cả những người tới  thăm nhà. Chúng bao gồm một bàn cà phê và một bình phong hai mặt tuyệt đẹp với những con vịt hoang  trong nền vàng lá ở một bên, và một ông già kéo con bò của mình qua một khu rừng bên kiaNguyễn Văn Minh là một người chân thành, khiêm tốn và người đàn ông lịch thiệp với người khác, mà bên ông tôi luôn cảm thấy thoải mái. Ông có tất cả các đức tính của một người đức độ ở một thế giới xa xưa đã qua. Ông giống như một giá trị  tinh thần xưa cũ. Được bao quanh bởi các sản phẩm của nghệ thuật đầy cảm xúc của ông, tôi sẽ trân trọng những kỷ niệm này” (Allan Wendt).

Họa sĩ Nguyễn Văn Minh bên cạnh tác phẩm sơn mài đắp nổi Manhattan.

       Bức tranh cuối cùng họa sĩ Nguyễn Văn Minh vẽ là bức tranh Foggy Mountains (Những ngọn núi mù sương) phác thảo cho tấm bình phong lớn trị giá 70.000 USD với kích cỡ dài gần 3 mét. Ông vẽ bức này vào mùa xuân năm 2004, chưa tới một năm trước khi mất và do họa sĩ Phi Mai thay mặt thầy của mình hoàn thiện để giao cho khách hàng. Những ngày còn nằm trên giường bệnh, ông còn kịp vẽ từng tấm trong số 160 tấm thiệp tặng cho khách đến dự đám cưới cô con gái thân yêu của mình. Có lẽ đó là những tác phẩm cuối cùng mà ông thương yêu dành cho con cái. Nghệ thuật của ông như là mục đích tự thân, nhưng gia đình mới chính là động lực mạnh để ông sáng tác mạnh mẽ cho đến khi nhắm mắt bên đàn con đã thành đạt bên xứ người.

#PhạmCôngLuận