HỌA SỸ LÊ BÁ ĐẢNG - ĐỜI VÀ NGHIỆP

      Họa sỹ Lê Bá Đảng sinh năm 1921 tại Bích La Đông - Triệu Phong, Quảng Trị, ông sang Pháp năm 1939, đã tham gia những đội quân chống phát xít của nước Pháp, bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Ban đầu, ông bị giam trong trại giam của nhiều tù binh gốc Do Thái và Ba Lan, loại trại giam nằm trong diện phải chuyển đi làm những công việc khổ sai, hay bị đem đi thủ tiêu. Nhưng rồi ông được một kíp sĩ quan SS thẩm vẫn lại, hỏi ông quốc tịch gì, vì thấy ông là một người châu Á. Ông nói: là người Việt Nam! Viên sĩ quan thẩm vấn không biết Việt Nam là nước nào, liền hỏi các đồng sự, nhưng không ai biết. Thế rồi một sĩ quan trong bọn hỏi ông: “Việt Nam có gần Nhật Bản không?" (vì ở vào thời kỳ ấy, Việt Nam là một nước xa lạ với nhiều người Đức. Họ chỉ biết đến Nhật Bản - đồng minh của họ trong cuộc chiến tranh này). Lê Bá Đảng xác nhận: Việt Nam gần Nhật Bản, Việt Nam và Nhật Bản đều là các dân tộc châu Á anh em, có nhiều phong tục, tập quán rất gần gũi nhau...

     Và thế rồi người tù binh châu Á có vóc dáng nhỏ bé so với những tù binh châu Âu được chuyển sang một trại tù khác. Đầu năm 1940, ông được trả lại tự do.Sau khi được trả tự do, ông lang thang trong kinh thành Paris mà chưa biết định hướng cuộc đời mìn ra sao. Nhưng rồi thực tế đã mách bảo ông rằng trong những người châu Âu đang đánh nhau, một người châu Á sống ở phương Tây như ông, đã không phải bị ràng buộc, dính líu thêm đến cuộc chiến tranh nữa thì phải tranh thủ tìm cách học tập một nghề gì để kiếm sống, để tiến thân trong hiện tại và cho tương lai. Và thế là ông tìm đến Toulouse, nơi dễ sống hơn Paris, trong thời buổi chiến tranh, đối với một người như ông. Ở đây, cùng một lúc, ông đã phải làm hai công việc, vừa đi làm để kiếm sống, đồng thời lại phải vừa theo học một lớp vẽ, bổ túc thêm cái năng khiếu và sự thích thú về môn hội họa, mà hồi ở trong nước, ông cũng đã biết ít nhiều, để chuẩn bị cho việc thi vào Học viện nghệ thuật Toulouse năm đó. Một sự việc thật oái oăm, nhưng đồng thời cũng là một kỷ niệm đầy ghi nhớ của ông trong chặng đường đầu tiên đến với nghệ thuật hội hoạ là làm sao phải giải quyết một sự trùng hợp cho ổn thoả giữa giờ tan làm với giờ học vẽ thêm của ông, cùng vào một thời gian 5 giờ chiều. Ông thấy cách duy nhất để giải quyết trùng hợp này chỉ có một cách là phải chạy. Chạy nhanh bao nhiêu thì có được nhiều thì giờ ngồi học ở lớp vẽ bấy nhiêu, và ngược lại. Có thể nói, Lê Bá Đảng không phải đi học vẽ, mà phải chạy đi học vẽ, chạy hết sức mình như một vận động viên thực thụ. Cho nên, người thanh niên học viên châu Á này luôn luôn làm cho ông họa sĩ người Pháp phải ngạc nhiên, vi lần nào đến lớp, cũng thấy mặt mũi, áo quần anh ta thấm đẫm mồ hôi. Sau này, ông họa sĩ biết chuyện đã rất quí mến tinh thần siêng năng nhiệt tình học tập của anh và ông càng quý mến chàng trai trẻ châu Á này hơn vì nhận thấy khả năng và triển vọng tốt ở anh về môn hội họa.

     Sau khi tốt nghiệp Học viện nghệ thuật Toulouse, họa sĩ Lê Bá Đảng bắt đầu lao vào cuộc chạy mới. Lần này không phải chạy bằng đôi chân để đến lớp khỏi muộn giờ học, mà phải chạy đua bằng cái đầu để khỏi bị muộn màng, chậm trẻ, lạc hậu với những khuynh hướng, trường phái hội họa, mà lúc nào cũng là một vấn đề hết sức sôi động ở nước Pháp, ở Paris, nơi mà luôn luôn được mệnh danh là một trong những cái nôi quan trọng nhất sinh ra các trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật. Ở nơi đây chen được một chỗ đứng, đẩy lên được một chút tên tuổi trong giới nghệ thuật không phải là một chuyện dễ dàng. Người ta đã biết nhiều hoạ sĩ nổi danh của một số nước hăng hái lao tới đây muốn lập nghiệp, thành danh, nhưng rồi phải thất vọng xách vali ra đi đến những chân trời khác.

     Năm 1950, Lê Bá Đảng đã trưng bày phòng tranh đầu tiên của mình tại Paris và đã được giới yêu nghệ thuật rất chú ý, bàn tán. Từ đó đến nay, trong suốt gắn năm thập kỷ, hầu như năm nào ông cũng được mời trưng bày tranh ở nhiều thành phố lớn của các nước như: Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản...

     Họa sĩ Lê Bá Đảng được giới hội họa phương Tây đánh giá như là một trong những nghệ sĩ tài ba nhất của thế giới về thể loại tranh in tay (L'estampe). Thường, các họa sĩ muốn in nhiều màu, phải in nhiều lần, mỗi lần một màu, nhưng Lê Bá Đảng, với một kỹ thuật điêu luyện, tinh xảo, có thể in một lần nhiều màu theo ý muốn, tức là đã sáng tạo ra một thuật, một lối in mới mang tên "Lebadangraphie". Cái tên này đã trở thành một tính từ, một thuật ngữ dùng để chỉ lối in đá mới này ở phương Tây, mà giờ đây đã có nhiều họa sĩ học tập, sử dụng.

     Trong tiến trình sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng có những thời kỳ, những mốc rất đáng lưu ý.

     Người ta hay nhắc đến thời kỳ "con ngựa" (1964 - 1965) của ông cùng phối hợp sáng tạo với một họa sĩ gốc Trung Quốc, Chou Lin, được rất nhiều người xem thích thú. Tiếp theo đó, họa sĩ lại bị cuốn hút vào để tài thiên nhiên. Loạt tranh với cùng một chủ đề "Thiên nhiên lặng lẽ" của ông vẽ suốt năm 1967 cũng là một thử nghiệm mới, độc đáo của ông trong quá trình tìm tòi sáng tạo nghệ thuật. Sau đó, ông lại quay về đề tài “Những con ngựa”.

     Trong những thời kỳ này, theo dõi quá trình sáng tạo nghệ thuật của ông, người ta thấy, ngoài việc càng ngày càng đẩy cao kỹ thuật in đá, kỹ thuật làm những bản tranh khắc bằng axít (L'eau-forte) lên đến đỉnh điểm của sự tinh xảo, vi tế, ông còn chú ý đến việc thay đổi những phong cách thể hiện, đã bộc lộ dần ý thức muốn tách nghệ thuật của mình khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào các kỹ thuật hội họa phương Tây, để đưa thêm những quan niệm và kỹ thuật của hội họa phương Đông vào sáng tác. Điều này càng thấy rõ hơn ở sáng tác của ông trong những giai đoạn sau. Chẳng hạn, những tranh về ngựa ở serie sau này, chúng ta thấy những nét khoẻ khoắn, oai phong đầy khí phách duy lý phương Tây pha lẫn những nét huyền thoại bay bổng đầy chất thơ siêu lãng của phương Đông. Điều này còn thấy ngay cả trong cách sử dụng màu sắc một cách hòa quyện, chuyển đổi rất tế nhị, nhưng cũng đầy ấn tượng giữa những gam màu nóng, những sắc độ mạnh của phương Tây với những mảng màu bảng lảng, mở ảo theo kiểu phương Đông.

Triển lãm Không gian ký ức Lê Bá Đảng tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 2019 

     Là một Việt kiều luôn nhớ về đất nước, cũng như luôn mang những tình cảm sâu nặng với ông bà tổ tiên, quê hương, xóm làng, nên ông đã hết mình nhiệt tinh ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho sự nghiệp cứu nước trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Trong thời kỳ này, người ta thấy ông cũng như người bạn đời của ông bà Myshu - một họa sĩ ngành trang trí, đã hết lòng làm mọi việc để cho Việt Nam và vì Việt Nam trong những hoạt động của Việt kiều yêu nước tại Pháp. Những cán bộ cao cấp hoạt động trong mặt trận ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, hay đi lại hoặc đóng tại Paris thời đó luôn nhắc tới hai vợ chồng họa sĩ với một tấm lòng trân trọng, quí mến, như một địa chỉ tin cậy đầy tình nghĩa.

     Để góp phần mình cho cuộc kháng chiến vĩ đại ấy của dân tộc, họa sĩ Lê Bá Đảng đã dành cả một thời kỳ sáng tác cho Việt Nam, dùng tiếng nói nghệ thuật hội họa của mình nói về cuộc chiến tranh anh dũng, kỳ diệu, chính nghĩa của dân tộc để thể giới hiểu về Việt Nam hơn, đó là thời kỳ 1969 - 1974.

     Những sáng tác về để tài này của ông đã được đem đi trưng bày ở nhiều nước phương Tây, và ngay cả ở Mỹ. Đó là bộ sử ký bằng tranh về lịch sử Việt Nam, là những tác phẩm nói về quê hương Việt Nam, về đường mòn Hồ Chí Minh, về những người lính, người dân thuyền nan, chân đất chiến đấu dũng cảm trong cuộc chiến tranh hủy diệt... Những để tài này được thể hiện bằng mọi chất liệu: Sơn dầu, thuốc nước, tranh in, tranh khắc, tượng... cũng như bằng đủ mọi vật liệu: Toile, giấy, gỗ, đá, các mảnh xác máy bay B52 của Mỹ bị ta bắn rơi do cựu Bộ trưởng ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy, đem sang cho ông. Những để tài này cũng được sử dụng một cách sáng tạo, khéo léo của sự tổng hợp nhiều phong cách, từ bút pháp hiện thực đến ấn tượng, từ trừu tượng phương Tây đến tượng trưng và trừu tượng phương Đông, thể hiện ở những cách tạo hình, ở việc sử dụng những mảng trắng, hay ngay trong quan niệm tượng hình phương Đông... Tóm lại, họa sĩ đã kết hợp sáng tạo các kỹ thuật, các thủ pháp, phong cách của cả Đông lẫn Tây, của truyền thống và hiện đại trong một tổng thể thống nhất để thể hiện những đề tài về Việt Nam mang nhiều chất thơ, chất sử thi - anh hùng ca. Chiến tranh đã qua đi, người ta có thể quên đi  nhiều chuyện, nhưng những tác phẩm nghệ thuật của ông sáng tác cho một Việt Nam thời ấy sẽ mãi mãi còn lại với công chúng nước ngoài yêu Việt Nam, cũng như với chính ông như một kỷ niệm khó quên.

     Chủ để được hoạ sĩ tiếp nối sáng tác ở thời kỳ "Sau Việt Nam" là: "Hài kịch nhân loại'' (La Comédie Humaine). Đây là những cảm nghĩ hài hước của ông về con người và thế giới. Loạt tác phẩm này có thể được gợi hứng sáng tác từ chất liệu của những điệu múa cổ trong những ngày tế lễ, hội hè đình đám cổ truyền của Á Đông, nhưng đây chỉ là về mặt tạo hình, về mặt hình thức, còn về mặt tinh thần, tư tưởng lại mang được những cái chung, tầm khái quát có tính chất thế giới về tính bi, hài kích của con người trong thế giới hiện đại trước những hiện thực của nỗi buồn và niềm vui, của cái thật vá cái giả, giữa những điều Thiện và cái Ác luôn luôn sóng đôi nhau trong đời sống. Tuy nhiên, còn có nhiều điều tâm sự, còn nhiều điều ẩn ý ông muốn nói đến trong loạt tác phẩm "Hài kịch nhân loại" này, mà chỉ có ông mới là người có chìa khóa để giải mã, còn đối với các độc giả, ngoài những gì đã cảm nhận thưởng ngoạn được, sẽ là một câu hỏi bỏ ngỏ, một sự để trống, để rồi từ kinh nghiệm, từ mỗi cuộc đời, từ mỗi sự chất vấn về mình mà tự điển thêm vào đó.

     Năm 1985, một mốc mới được thiết lập trong cuộc đời nghệ thuật của ông, đánh dấu một đỉnh cao rất quan trọng, chắc chắn, về mặt sáng tạo, đưa ông lên vị trí những nghệ sĩ có tầm cỡ thế giới. Sau những năm về một số đề tài khắc nhau, ông lại quay về với chủ đề thiên nhiên, nhưng ở nội dung khác: tranh "không gian (L'espace). "Không gian" không phải là đề tài mới, trong lịch sử hội hoạ đã có nhiều họa sĩ nổi tiếng vẽ, và để lại những tác phẩm bất hủ. Nhưng, hoạ sĩ Lê Bá Đảng đã tạo ra một thứ "không gian" mới. Cái mới ở đây không chỉ là sự kết hợp tài tình giữa các kỹ thuật, các phong cách Đông và Tây, truyền thống và hiện đại, ở những tác phẩm của chủ đề này đã đạt đến siêu đỉnh, để người ta đặt cho ông cái danh hiệu "hoạ sĩ của hai thế giới", mà công là việc tạo ra một cái nhìn mới trong hội họa để phản ánh đối tượng, tức là không còn lệ thuộc hoàn toàn vào cái nhìn theo luật viễn cảnh (perspective) của phương Tây, cũng như lối nhìn theo chiều ngang (hình bẹt) của phương Đông, mà đã phản ánh đối tượng từ trên điểm cao nhìn xuống - một lối nhìn của loài chim hay của các vũ trụ gia ngoài trái đất, tạo ra những tầm vóc bao quát mênh mông sâu thẳm cho không gian". Cho nên, người ta thấy những tác phẩm "không gian" của ông thật diệu kỳ, thơ mộng, huyền bí, nhưng cũng rất hiện thực. Thêm vào đó ông còn sử dụng thuật trổ, đắp giấy, nếu là các chất liệu khác, ông sử dụng tài kỹ thuật của lối tạo gờ nổi (relief) hay chìm (bas relief) tạo ra những sự lối lõm (régularité) muôn hình vẻ ở nhiều góc độ. Sự kết hợp, tổng hợp những kỹ thuật, những thủ pháp nghệ thuật đầy sáng tạo như vậy để thể hiện những tranh "không gian", có thể nói họa sĩ Lê Bá Đảng đã tạo ra một thứ chủ nghĩa lập thể mới, tạm gọi là Nouveau Cubisme. Việc áp dụng Nouveau Cubisme này đã làm tranh không gian của Lê Bá Đảng khác hẳn tất cả mọi tranh không gian của các họa sĩ trước đây. Vì vậy, nếu như họa sĩ làm những tác phẩm về đề tài này, nếu không ký tên, người xem vẫn có thể nhận ra ngay được. Đó là "Không gian Lê Bá Đảng" tức là một phong cách không thể trộn lẫn.

     Tiến xa hơn một bước về tranh "không gian", họa sĩ đã đưa ra một quan niệm "Hội họa tránh cái tranh" - tức là muốn tạo dựng những tác phẩm không gian" này trong thiên nhiên, trong đời sống của con người, chứ không phải chỉ treo trong viện bảo tàng, chỉ dành cho một số người có điều kiện thưởng ngoạn. Khi đưa ra để án này, với những đề án phác thảo của chúng, đã được nhiều thành phố lớn ở châu Âu chú ý, và muốn kí hợp đồng để triển khai xây dựng, thành phố Los Angeles (Mỹ) đã nhờ họa sĩ xây dựng một đề án "không gian" như vậy ở một khu đất rất rộng lớn. Khi được giới phê bình nghệ thuật và báo chí phương Tây phỏng vấn họa sĩ về ý nghĩa những để án này, ông nói: "Tôi muốn mang đến cho con người không chỉ một tầm nhìn "không gian", mà cả một cơ hội để tham dự, chia sẻ trong đó. Đó là mục đích của những "không gian" của tôi: mang sự sống đến cho sa mạc, sông hồ và các vùng biển sâu, biến những biên giới thành vương quốc của cái đẹp và sự đoàn tụ anh em, tạo dựng lại mảnh vưởn, con suối, hình thành nên cấu trúc mới của cuộc sống chúng ta: sự nghỉ ngơi, suy ngẫm và cầu nguyện, trao cho nghệ thuật một chức năng mà không làm mất đi giá trị thực của nó".

Chân dung Họa sỹ Lê Bá Đảng

     Nói đến Lê Bá Đảng, người ta không chỉ nói về một họa sĩ tài năng, mà còn là nhà điều khắc, nghệ sĩ về các đồ gốm, sứ và các đồ trang sức đầy tài hoa và độc đáo, được nhiều giới ở phương Tây mến mộ. Ngoài ra, ông còn là nhà thiết kế trang phục và thiết kế sân khấu đầy sáng tạo. Vở Mỵ Châu Trọng Thủy (nhạc kịch của Nguyễn Thiên Đạo) trình diễn tại nhà hát Opéra Paris 1978, được khán giả Paris đánh giá rất cao về phần phục trang và thiết kế sân khấu do họa sĩ Lê Bá Đảng thực hiện.

     Người họa sĩ tài hoa ấy trong hơn nửa thế kỷ miệt mài với nghề đã dành được nhiều sự ngợi ca và những giải thưởng quốc tế quan trọng. Năm 1989, ông được Viện quốc tế Saint Louis (Mỹ) tặng giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và có tư tưởng chủ nghĩa nhân đạo", đồng thời Viện này cũng đặt một giải thưởng hàng năm mang tên ông cho những họa sĩ tài năng và có tư tưởng này. Vì mến mộ tài năng hội họa của ông, thành phố New Orleans (Mỹ) đã bầu ông là công dân danh dự của thành phố. Năm 1992, trung tâm tiểu sử quốc tế Cambridge (Anh), một trung tâm có uy tín chuyên nghiên cứu tiểu sử danh nhân thế giới, đã tặng họa sĩ danh hiệu: "Một trong những người nổi tiếng thế giới trong năm 1992 - 1993" (có hơn 10 người). Tháng 6 năm 1994, ông được Pháp tặng Huân chương nghệ thuật và văn học Pháp".

     Năm 1992, sau khi đã trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của mình ở hầu hết những thành phố lớn nổi tiếng thế giới: Paris, Cannes, Aix-en Provence, London, New York, Chicago, San Francisco, Los Angeles, Frankfurt, Boston, Tokyo, Osaka, New Delhi,... ông đã về Việt Nam mở một cuộc triển lãm ở làng quê Bích La Đông - Triệu Phong, Quảng Trị để dâng lễ, tạ ơn với ông bà tổ tiên, làng xóm quê hương.

     Họa sĩ Lê Bá Đảng có nhiều dự định triển khai những công việc ở Việt Nam: thiết kế những "không gian" ở một số địa danh, xây dựng những "vườn tượng", "vườn mộ", những "bảo tàng ngoài trời", và đặc biệt muốn lập một cái trường, nói đúng hơn là cái xưởng để đào tạo học sinh làm nghệ thuật. Nhưng ông thấy thực sự khó khăn để thực hiện những ý tưởng của mình trước những thực tế mà ông đã tìm hiểu, đã thấy, đã gặp. Giữa những ý tưởng và thực tế để thực hiện được chúng có những khoảng cách lớn. Tuy vậy, họa sĩ vẫn là người nhiệt tình và lạc quan, mặc dù năm nay đã 74 tuổi, ông vẫn muốn về Việt Nam tìm hiểu thêm những cách thức, điều kiện để làm sao có thể khả thi được một số để án của mình.

#NguyễnHàoHải