HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG TRANH LỤA NGUYỄN PHAN CHÁNH

      Những người Hà Nội từ Bờ Hồ, Hàng Bông đổ vào đường phố Hàng Đào sầm uất sáng hôm ấy, đều thấy tấm pano lớn gắn ngang cột điện đầu phố: Triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

      Ngày 15 tháng 8 năm 1962, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã khai mạc phòng tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tại số nhà 10 phố Hàng Đào, Hà Nội. Phòng tranh tổ chức với ý nghĩa mừng thọ họa sĩ 70 tuồi. Từ ngày ra lại Hà Nội, cụ Chánh đã nhiều lần có tranh tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật. Nhưng một phòng tranh riêng thì đây là lần đầu. Người đi bộ trên vỉa hè cứ bị dồn lại vì những đợt người vào ra trước cửa ngôi nhà triển lãm. Thanh niên mặc sơ mi trắng bỏ ngoài quần, các cô thiếu nữ mặc áo bà ba tay rộng, những đồng chí cán bộ áo xắn tay, những sinh viên còn mang theo cả sách bên người, các em bé và cả bà mẹ bế con nữa...

      Mở đầu cho lối đi xem tranh là một khung giấy lớn viết chữ in to, treo trang trọng trên tường: Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã nổi tiếng từ lâu về tranh lụa mà từ khi còn ở trường ông đã đi sâu vào nghiên cứu và sáng tác. Sinh ra và lớn lên từ nơi đồng ruộng và trong lao động cần cù, nên nội dung sáng tác của họa sĩ hầu hết đều bắt nguồn từ nơi chôn rau cắt rốn của mình. Bọn thực dân rất sợ điều đó nên đã gây rất nhiều khó khăn trong đời sống và trong sáng tác của ông. Tuy nhiên chúng không thể ngăn được tinh thần hăng say vì nghề nghiệp và quan hệ gắn bó giữa họa sĩ với nhân dân. Để chúc mừng họa sĩ 70 tuồi, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm một số tranh và ký họa của họa sĩ vẽ từ trước đến nay (hiện còn giữ được), với mục dích giới thiệu với các bạn nét bút độc đáo và những màu sắc dân tộc trong tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, đồng thời nêu cao đức tinh cần cù, say mê nghề nghiệp của tác giả.”

      Hơn 60 bức tranh của cụ Chánh còn giữ lại được sau hơn 30 năm trời lao động nghệ thuật, qua hai chuyến dời nhà từ Hà Nội vào Hà Tĩnh rồi lại từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, trái qua ba lần tản cư ở Khu Bốn cũ trong những ngày đánh Pháp, giờ đây đã trở về bên nhau, khiêm tốn trong những khung gỗ màu cánh gián..

      Không một bức nào trong số tranh 1930 còn giữ lại được. Cụ Chánh nhớ như in cái hóa đơn từ Pháp gửi về năm 1931 ghi rõ tên và địa chỉ những người mua tranh. Một ông Motel nào đó ở số 7 Square Moncey, Paris 9 mua bức Rửa rau cầu ao; bác sĩ Morax ở 26 Raphael, Paris 7 mua bức Em bé cho chim ăn; rồi thì ông Pierre Massage ở 157 Malakoff, không rõ Paris mấy, “mua mất” bức Lên đồng với giá 3500 quan tiền Pháp, đắt nhất trong số các bức hồi đó... Cụ Chánh cũng không hiểu vì sao mình lại có thể nhớ đến thế. Nhưng đúng là không phải như cuốn truyện, tập thơ, bán hết lại in lần khác, bức tranh chỉ sống một lần. Một cái gì gần như tấm tình của những ai đã từng qua nỗi đau sinh nở: những đứa con tinh thần đầu lòng của cụ đã không còn được chứng kiến cảnh đoàn tụ này. Lại còn những bức mà cụ Chánh thích lắm như: Công chúa hoa dâm bụt, Chim sổ lồng... bị mất tích hẳn, đến ngay ảnh chụp cũng không kịp có.

      Tuy nhiên, những gì còn lại từ những bức Mẹ con, Về chợ, Đón củi... mà lần lụa Bông bay đã nhiều chỗ sờn rách, đến những bức Rê lúa, Tổ đan mây, Bữa cơm vụ mùa thắng lợi vài ba năm trước, rồi tiếp các bức nữa vừa hoàn thành như: Tắm ao, Kỳ lưng đã đủ làm nên các mắt dệt thành tấm lưới tơ óng ả mà bình dị của cả một quan niệm thẩm mỹ.

Tác phẩm Bữa cơm vụ mùa thắng lợi - Họa sỹ Nguyễn Phan Chánh

      Ngòi bút Nguyễn Phan Chánh gần như gợi đến mọi ngóc ngách của thiên nhiên quanh ta: một bụi tre trước gió, dòng sông in bóng mây trời, con trâu ra đồng, chiếc cầu tre, con bò gặm cỏ, bãi biển chiều hô... Nhưng khác với tranh lụa truyền thống, ở đó thiên nhiên là chủ đạo, và con người chỉ là điểm xuyết cho cái thiên nhiên ấy, ngay cả khi nó được sự miêu tả hướng đến, ở đây nổi bật lên trên tất cả bao giờ cũng là hình ảnh con người, hơn thế nữa, những người ở lớp dưới, người nông dân. Con người lao động bao giờ cũng là đối tượng chính của tranh Nguyễn Phan Chánh: một chị rửa khoai, cô gái ngồi rửa rau ở cầu ao, bà mẹ về cho, người gánh củi, em bé chăn bò, người sàng tạo, những người bắt cua, chị đánh trâu ra đồng, người đi cày... Đề tài nông dân đó của tranh Nguyễn Phan Chánh đã được khẳng định ngay từ những ngày đầu sáng tác.

      Những người xem tranh dừng lại khá lâu trước một bức tranh khổ không lớn lắm, vẽ một người đàn bà đang gánh đôi thúng nặng, đề năm 1937. Đường thôn vắng. Một mái tranh bên đường vách đất tả tơi. Lòng sông in mây trắng với một con thuyền chở nặng. Những ai đã từng ở Nghệ Tĩnh vào những năm 40 của thế kỷ này, đều nhận ra ngay người đàn bà nhà quê xứ Nghệ trong bức tranh: áo cánh nâu, chiếc váy vải thô dệt khổ hẹp nhuộm nâu già rồi phủ bùn, một chiếc thắt lưng sồi chỉ mang vào những ngày phiên chợ, dáng tất bật...

      Bức tranh quê ấy hôm nay bày ở Hàng Đào, vốn là phố tơ lụa của kinh thành. Một thiếu nữ tóc tết bím thả dài trên chiếc áo lụa cùng đi xem tranh với người bạn trai của mình, khe đọc chữ đề Về chợ ở góc tranh, mắt mở to và miệng bỗng hé mở vì xúc động. Có phải qua dáng tất tả của người mẹ, mà hình ảnh đứa con (những đứa con?) đang ra tận ngõ dõi theo đường lên chợ huyện “trông như trông mẹ về chợ”  đã hiện lên trong tâm hồn chị? Một tấm bánh đa tráng vừng (bẻ đôi, bẻ ba?), vài chiếc kẹo mật, hay một cái bản gói gạo tẻ phong lá chuối... Chợ quê chỉ thế. Nhưng cũng đủ làm nên nỗi ngóng trông của cả đàn con: làm sao mà người mẹ không tất tả cho được! 

      Chỉ nguyên việc đưa cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ nông thôn vào tranh lụa đã là một cống hiến lớn. Vì rằng có đặt vấn đề vào bối cảnh những ngày còn thuộc Pháp, khi con người ta chưa biết tự hào về nguồn gốc xuất thân của mình, mà ngược lại, xấu hổ vì nó; khi mà việc miêu tả người nông dân là quê mùa, cục mịch, dốt nát, vai u thịt bắp còn là sự đương nhiên; thì mới thấy hết được ý nghĩa của việc Nguyễn Phan Chánh đưa hàng đoàn nông dân quần nâu áo vải vào chiếm lĩnh cái tháp ngà tranh lụa mà từ trước tới nay chỉ các công nương mới được đặt chân tới. “Nguyễn Phan Chánh yêu cái bình thường trong cuộc sống. Họa sĩ yêu tả những cái êm dịu, thong thả có tính cách quê mùa. Những khách giàu sang muốn đặt tranh hoa sĩ Phan Chánh, muốn họa sĩ vẽ cho mình những cái hoạt động tàn nhẫn hay cái túi bụi phồn hoa lồng vào khung xa xỉ, ồn ào, thì những người đó đã tìm nhầm địa chỉ”.

      Ân tình và thủy chung, bất chấp mọi luật lệ của nghệ thuật chính thống Đông cũng như Tây và những khó khăn của cuộc sống hàng ngày do tranh mình đưa lại, Nguyễn Phan Chánh đã mô tả người nông dân như nó vốn là như thế, một cách không thi vị hóa. (Chúng ta nhớ lại: bức tranh Trục lúa của Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1930 đã bị một tờ báo làm lôi thôi). Nhưng “Nguyễn Phan Chánh không chỉ mô tả, mà ông ca ngợi và ông ca ngợi cả vẻ đẹp tinh thần lẫn vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ, cái mà tranh lụa truyền thống không quan tâm tới, bị coi là không đáng quan tâm tới. So với sự cởi mở của tranh khắc gỗ dân gian thì thấy ngay vẻ đẹp cơ thể của con người trong lụa bị ý thức hệ phong kiến tỏa chiết. Nguyễn Phan Chánh trả lại cho người phụ nữ trong tranh ông vẻ đẹp nuột nà da thịt mởn mơ... mà khỏe, lành mạnh, không như mai như liễu hay đài các, bệnh hoạn. Điều đó phù hợp với quan niệm của người lao động Việt Nam về cái đẹp của cơ thể”.

      Chính nội dung này đã quyết định sự thành công của tranh lua Nguyễn Phan Chánh. Bằng việc mang vào tranh lụa truyền thống và hội họa Việt Nam một nội dung mới, tạo nên những giá trị thầm mỹ mới, để rồi từ cái phát hiện đó trong cuộc đời, từ quan niệm về cái đẹp đó, Nguyễn Phan Chánh đi tới một phương thức thể hiện mới và làm hình thành một hình thức mới. Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh chính đã ra đời như thế. Hơn đâu hết, những người xem tranh đã tìm thấy Nguyễn Phan Chánh một dẫn chứng hùng hồn cho mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong nghệ thuật, trong đó nội dung được hiểu như là nhân tố quyết định, biểu thị bản chất sâu kín của hiện tượng và hình thức là tổ chức bên trong của nội dung, liên kết những yếu tố của nội dung thành một thể thống nhất. “Vẽ xong bức Chơi ô ăn quan năm1931, rồi gửi bày ở một cuộc triển lãm tại trung tâm mỹ thuật thế giới bấy giờ là thủ đô Paris, giới báo chí đã đặt ông lên tột bậc của nghề vẽ lụa. Nhưng không phải là Nguyễn Phan Chánh đã làm nên sự nghiệp chỉ bằng chất óng của tơ và sự trìu mến của một gam màu nâu quen thuộc, nghĩa là những vật liệu của kỹ thuật, mà trước hết là bởi chất liệu tâm hồn ông. Bài học Nguyễn Phan Chánh mối tình cố hữu của người nghệ sĩ với hình tượng nghệ thuật của mình: những con người bình thường, lao động. Ca ngợi cuộc sống của họ, làm đẹp tâm hồn họ, lấy họ làm trung tàm cho thầm mỹ của mình, đó là lý tưởng mà suốt đời ông theo đuổi”.

      Sau Cách mạng, Nguyễn Phan Chánh đã có một chuyển biến về chất trong việc phản ánh hiện thực nông thôn Việt Nam. Được học tập đường lối văn nghệ của Đảng, Nguyễn Phan Chánh vẫn giữ nguyên tình cảm nồng hậu đối với nông thôn, đã nhìn người nông dân từ một góc độ mới, góc độ thế giới quan của giai cấp công nhân. Nguyễn Phan Chánh đi sâu hơn vào hiện thực nông thôn, thấy được ý nghĩa của sự đổi đời trong cuộc sống của người nông dân làm nên hình tượng nghệ thuật của mình. Nếu như trước đây, chính hình ảnh những người đàn bà nhà quê đã làm nên nội dung cụ thể của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, thì giờ đây khi cuộc sống đã về tay những người nông dân tập thể, chỗ đứng của những người phụ nữ nông thôn đó càng vững chắc trong tranh của họa sĩ. Họ đi cấy tập đoàn (Cấy tập đoàn 1957) và đi chống hạn (Chống hạn 1956) rồi rê lúa (Rê lúa 1960), bận rộn trong một bữa cơm no đủ (Bữa cơm vụ mùa thắng lợi 1960), cho con bú (Ba mẹ con 1957) và thích nhất là chiều về được ngâm mình dưới ao nước mát (Tắm ao 1961) hay được em gái kỳ lưng cho (Kỳ lưng 1962).

      “Trước đây, trong khi chính quyền thực dân, phong kiến nhìn người nông dân bằng con mắt miệt thị, thì thanh niên Nguyễn Phan Chánh đã tìm đến họ và từ họ nguồn cảm hứng của anh nảy nở... Sau Cách mạng, với thái độ còn trân trọng hơn, cụ Chánh vẽ những người nông dân với một diện mạo mới, thái độ mới thái độ của những người làm chủ vận mệnh mình. Có so sánh hai bức miêu tả hai cảnh ăn cơm của gia đình người dân, một bức vẽ năm 1931, và bức kia 1960, mới thấy sự thay đổi rõ rệt trong hình diện và thần thái của người nông dân. Và, thông qua hình tượng nghệ thuật, cũng thấy được cái nhìn đã thay đổi nhiều lắm của người vẽ.

      Bức sau vẽ cách bức trước gần 30 năm, nhưng cái nhìn, cách nghĩ, cách cảm... thể hiện trong bố cục, trong lối dùng màu, trong từng nét vẽ, từng chi tiết không biểu lộ một nét gì mệt mỏi, xơ cứng mà lại trẻ trung, tươi tắn đầy sinh khí.

      Bức thứ nhất, người xem nhận thấy hình ảnh một bữa ăn bình thường mà qua cách trang phục của các nhân vật (mặc áo dài, chít khăn mỏ quạ), ta có thể thường gặp từ những năm 40 của thế kỷ này trở về trước. Những cử động như đứng lặng. Giữa các nhân vật khó thấy quan hệ ngôi thứ và cũng không có sự giao lưu tình cảm nào. Họ không vui nhưng cũng chẳng phải là buồn. Với những dáng ngồi tự nhiên không bố trí nhưng được tác giả gọt rũa chút ít trong khi tạo mảng, với bố cục vừa thoải mái lại vừa chặt chẽ, với lối dùng màu điều độ và trên tất cả là không khí hay đúng hơn là một màn sương mơ màng, êm đềm rải nhẹ lên mặt lụa, đã tạo cho bức tranh một vẻ đẹp vừa đạm bạc lại vừa trang trọng và nó rất đậm sắc thái Việt Nam.

      Thành công của bức họa dừng ở đó, không tìm thấy những tiềm ý xa hơn (tất nhiên trong hội họa, vẻ đẹp một hình ảnh trong thực tế là có thể được một bức tranh đẹp rồi, nhưng chúng tôi viết như vậy để muốn nhấn mạnh dụng ý tìm hình, tìm ý của tác giả ở bức vẽ sau).

      Bức thứ hai Bữa cơm vụ mùa thắng lợi tác giá dựng một gia đình nông dân khá hoàn chỉnh đang ngồi ăn cơm trong một khung cảnh với những hình tượng của ấm no, trù phú. Gia đình gồm 5 người: bố, mẹ, hai con trai nhỏ và cô con gái lớn (có lẽ, tác giả vẽ cô con gái lớn để gần gũi với quan niệm của người nông dân ta từ xưa đến nay: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Đứa con trai nên mặc áo hoa. Đứa nhỏ hơn bụ bẫm, thoáng trông như phỗng (một biểu tượng của ấm no, hạnh phúc) trong tranh tượng dân gian. Năm người ngồi quây tròn quanh mâm cơm, nhưng bằng một bố cục khéo léo, mâm cơm vẫn lộ ra đầy đủ mâm bát tuy chưa nhiều nhưng vẫn có “bát nọ đĩa kia”. Ngoài sân, trong ánh sáng vàng ngọt, một bên là đụn rơm cao ngất, một bên là cót thóc lù lù, giữa là nong phơi thóc, gà mái, gà con (lại một biểu tượng của hạnh phúc) kéo nhau đến mổ hạt. Cả gia đình hoạt động trong những động tác khác nhau tùy theo tính cách nhan vật: thằng nhỏ vỏi vĩnh cái gì đó, người mẹ quay ra hỏi han, người bố lúi húi gắp (chắc là gắp cho nó), thằng em tròn mắt, nghiêng đầu, chăm chú nhìn anh, còn cô chị ra vẻ người nhớn hơn, ngừng và nhìn em như khiển trách.

      Bức tranh khá sinh động. Rõ ràng là tác giả đã có những nhận xét và cái nhìn khá tinh tế về tâm lý cũng như động tác từng nhân vật. Tác giả cũng đã dụng công tìm chọn những chi tiết điền hình, có tác dụng nhất định cho nội dung bức tranh.

      Qua bức vẽ một cảnh ăn cơm, họa sĩ muốn trình bày một hiện tượng tốt đẹp: bữa cơm không phải chỉ có tương, cà thay bằng cảnh các em cởi truồng là những bo áo hoa tươm tất; thóc đầy cót, rơm đống cao, gia súc từng đàn... Một bữa cơm để nói về một cuộc đời đổi mới, dẫn dắt người xem thoáng lên một hoài niệm tối tăm đề so sánh, đồng thời suy tưởng đến viễn cảnh xán lạn. Rõ ràng là về mặt nội dung, bức thứ nhất ai có tầm cỡ lớn hơn nhiều.

      Có được bức thứ hai, không phải chỉ có 30 năm trên bước đường nghề nghiệp, mà theo tôi, trước hết tác giả đã có một quan điểm sáng tác mới, một cái nhìn mới về đối tượng nghệ thuật của mình. Nguyễn Phan Chánh là người họa sĩ của nông thôn Việt Nam ngay từ trước Cách mạng. Và cho đến nay, khi cuộc sống nông thôn chưa có người chuyên thể hiện, thì người nông dân đã và sẽ là đối tượng mà họa sĩ Nguyễn Phan Chánh theo đuổi suốt đời. Từ trước Cách mạng, phương pháp sáng tác của Nguyễn Phan Chánh đã mang tính chất hiện thực rõ rệt. Sau Cách mạng, với thế giới quan của mình Nguyễn Phan Chánh đã nhìn thấy được những nhân tố mới đang xuất hiện trong một nông thôn Việt Nam xã hội chủ nghĩa và phản ánh nó, ca ngợi nó, thể hiện những nguyên lý của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa trong hội họa. Ông là người đầu tiên đã xây dựng thành công hình tượng người nông dân cho hội họa Việt Nam.

      Phải có một tình yêu con người, yêu người lao động, yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc rất mực tự nguồn và sâu đậm lắm thì Nguyễn Phan Chánh mới có thể đi tìm và tìm thấy cái đẹp trong những người nông dân khi mà xu thế chung thời Pháp thuộc “là sự chuyền dịch cái đẹp của con người đô thị phương Tây sang một hình thể Việt Nam... một cô thiếu nữ tư lự bên song, điểm trang bên hoa, một cô gái nằm ườn trên sập hay một thiếu phụ đài các buồn vơ vần”; thì Nguyễn Phan Chánh mới cứ “khăng khăng đi tìm ở chất lụa sự tương quan thích đáng nhất với tinh thần dung dị và bác ái của dân tộc trong khi xu thế chung của lớp thanh niên bấy giờ là đón tiếp sơn dầu. Cùng với sự tiếp thu sáng tạo những yếu tố hiện đại trong kỹ thuật hội họa, chính nội dung dân tộc này đã quyết định sự đúng đắn của con đường nghệ thuật của Nguyễn Phan Chánh ngay từ bước đầu, dẫn họa sĩ đến một cách tự nhiên với cách mạng và sau đó, với chủ nghĩa xã hội.

      Điều này tồn tại như một sợi chỉ đỏ trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Phan Chánh. Từ trước Cách mạng, giới phê bình nghệ thuật Việt Nam đã ghi nhận điều đó: “Nguyễn Phan Chánh trung thành với quê hương. Cái tên tự Hồng Nam và những đầu đề tranh lụa, cảnh và người ở đấy đều nhuốm một màu xưa cũ và đã nói với ta như thế... Tác phẩm của Phan Chánh khả ái ở điểm hoàn toàn Việt Nam. Không một chút lai căng hỗn độn ở ngoài lẻn được vào đấy. Nó cho ta thấy cuộc sống đặc biệt của ta không giống với một cuộc sống nào hết. Hoa sĩ đã tỏ ra là một người yêu tha thiết đến cái xứ sở đang bị ruồng bỏ này…”

      Những nhà nghiên cứu nước ngoài cũng nhận thấy thế: “Mảnh đất quê hương đã đưa lại cho họa sĩ tất cả, từ chủ đề cho đến độ đậm nhạt trong đĩa màu của họa sĩ, tô các màu sắc kín đáo của những ngày mây mù với tất cả cục bực của màu nâu ánh đỏ... tất cả đều được mang lại từ chính những cô thôn nữ vùng châu thổ và ngay cả cánh đồng lúa sau mùa gặt hái...”.

      Và ngày nay, dưới ánh sáng của đường lối văn nghệ của Đảng, điều đó càng được khẳng định: “Học ở trường Pháp mà lối vẽ không Tây, điều đó chứng tỏ cụ vẫn mang trong mình truyền thống của dân tộc... Tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, với nhân dân lao động đã làm cho tranh của cụ có sức sống. Suốt thời kỳ Pháp thuộc, các nhà mỹ thuật Việt Nam không một ai sáng tác được tác phẩm nào đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật lớn. Cũng có trường hợp cá biệt như có họa sĩ đã không chịu lệ thuộc vào quan điểm mỹ thuật tư sản mà xây dựng được những tác phẩm mang tính chất và phong cách dân tộc, biểu hiện được những con người lao động và những màu sắc thực của cuộc sống trong xã hội Việt Nam như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh”.

      Cuộc Triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh kết thúc. Các nhà phê bình nghệ thuật có thêm điều kiện để đánh giá sự đóng góp của người nghệ sĩ vào kho tàng nghệ thuật của dân tộc: “Nguyễn Phan Chánh rất độc đáo với hiện thực với đề tài nông dân và bút pháp của mình. Công lao của ông còn là mở đường cho tranh lụa Việt Nam và đã đặt chắc một sắc thái Việt Nam vào tranh lụa thế giới. Bằng đóng góp đó, cuộc đời nghệ thuật của ông có cái vinh quang như nhà điêu khắc lão thành Cô-nhen-cốp đối với dân tộc Nga và họa sĩ Tề Bạch Thạch đối với nhân dân Trung Quốc”.

      Những người Hà Nội vốn quen chứng kiến cảnh thăng trầm của cuộc sống đế đô sẽ mãi mãi nối thêm vào các con số 1931 1938 1939 một mốc thời gian nữa, 1962 cho người hoa sĩ tưởng như đã xa hẳn đô thành này. Nhìn những bức tranh lụa ở trong Nhà triển lãm phố Hàng Đào, cụ Chánh nhớ lại những ngày ra đây mua lụa năm xưa... Cô thiếu nữ ba mươi năm trước từng bán lụa Bông bay cho chàng sinh viên cao đẳng nói giọng miền Trung có biết hôm nay, ngay giữa phố của nàng, người sinh viên đó đã trở về - “Trong anh chỉ có một tình yêu duy nhất: tranh lụa, một đề tài duy nhất: cuộc sống nông thôn?”.

#NguyệtTú#NguyễnPhanCảnh