ĐÔI NÉT VỀ KHÓA MỸ THUẬT KHÁNG CHIẾN

       Năm nay, 2020, vừa tròn 70 năm ngày khai giảng Khóa” Mỹ thuật Kháng chiến” ở chiến khu Việt Bắc… Mấy chục năm đã trôi qua, từ lúc tôi còn là cậu học sinh nhỏ tuổi nay đã thành ông già ngoài 80…, cho nên ký ức đã phai mờ đi nhiều, nay có còn nhớ chỉ là đôi nét về học tập, về sinh hoạt với nhau trong những ngày cùng sống và cùng học vẽ, cùng đi công tác thời gian ấy…

      Nhớ lại buổi đầu tôi hăm hở đi bộ từ Phú Thọ qua đèo Khế đến Đại Từ, Thái Nguyên để dự thi và rồi trúng tuyển (1950). Thật là sung sướng và còn “oai” nữa chứ, vì dầu sao mình cũng đã trở thành sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật. Các sinh viên của Trường phần lớn là những người đang công tác ở các ty thông tin, từ đơn vị quân đội, cơ quan tuyên huấn địa phương hoặc xưởng họa, lại có cả những người đã “thành danh” họa sĩ vì đã có tranh bày ở triển lãm Hà Nội trước cách mạng.

      Vừa khai giảng được ít bữa thì Trường  phải chuyển sang Đoan Hùng, Phú Thọ. Ở đây, tôi có một kỷ niệm đáng nhớ. Đó là trong những tháng đầu học vẽ hình, tôi chỉ được 5, 6 điểm, trong khi hệ số điểm của lớp là 20 (tuy nhiên những bài được điểm cao nhất lúc ấy là 16) Một lần tôi đi vẽ cùng họa sĩ Quang Phòng, vẽ bà Khiêm - mẹ chiến sĩ. Khi về chấm bài tôi được hẳn 16,5 (mười sáu điểm rưỡi , cao hơn thông lệ nửa điểm) Quá phấn khởi vì như vậy là tôi không bị “giản chính”, đồng thời khẳng định mình có khả năng theo nghề vẽ. Lại còn điều may mắn cho tôi là bức vẽ “Bà Khiêm” tưởng đã thất lạc, không ngờ được họa sĩ Lưu Công Nhân giữ hộ từ ngày ấy (kể cả bài vẽ “goát” màu bột do cô Huệ cấp dưỡng ngồi mẫu cũng được Lưu Công Nhân giữ và gửi ảnh cho tôi dịp Tết 2004. Thế là qua hơn nửa thế kỷ tôi lại được thấy những hình vẽ đầu đời của mình!

Tìm phác thảo (Trịnh Thiệp, Đặng Đức), 1982. Ký họa của Ngô Mạnh Lân.

      Ở Nghĩa Quân (Phú Thọ) được ít lâu, Trường lại chuyển lên Yên Bình (Yên Bái), ở bản làng dân tộc Cao Lan, mỗi nhà sàn được phân cho vài anh em. Ở nơi rừng núi này, chẳng có hàng quán gì, nên hay bị đói. Trong bản, nhà nào cũng có sắn tươi nhổ ở nương về, lại có cả đu đủ (gọi là cà Lào) bà con làm thức ăn cho lợn nhưng ròn và ngọt… Tôi hay đến nhà “flao Chin” xin sắn rồi bóc vỏ nướng trên bếp than hồng, sắn chín rộp vàng, vừa thơm vừa bở, ngon nhất hạng. Các học viên nữ được xếp ở riêng một nhà gồm có Thu Dung (anh em gọi là Thu Dung hiền tỷ) rồi Thục Phi, Kim Vinh. Các chị luôn ngăn nắp gọn gàng, trên vách liếp treo khẩu hiệu “ Vui tươi nhẹ nhàng”. Các họa sĩ giảng viên nếu có gia đình đi theo cũng được bố trí ở như vậy, ấy là nhà thầy Tô Ngọc Vân, thầy Nguyễn Văn Tỵ, thầy Sỹ Ngọc…

      Về học bổng, mỗi người được cấp 20kg gạo tính ra tiền để nhà bếp đong gạo và nấu nướng. Các bữa cơm đều đạm bạc, cơm chín, nhà bếp đơm vào miệng bát ô tô (bát to đựng canh) rồi úp từng phần trên lá chuối làm mâm cho từng người, thức ăn là rau muống luộc chấm nước muối, còn nước rau thì lấy quả dọc nướng lên đánh giấm. Lúc đó tôi còn trẻ nên ăn như vậy chưa đủ no, thế là tôi đi xin phần cơm nào không ăn hết, trút sang phần cho mình. Thỉnh thoảng còn thừa ít tiền, anh em mua cân thịt trâu về ninh với sắn, thả mấy lá quế vào cho dậy mùi. Thế là cả lớp xì xụp liên hoan, sau đó quây quần cất tiếng hát… Cứ như vậy, năm thứ nhất trôi qua, tuy ăn chưa no nhưng mọi người đều vui vẻ, yêu đời và hăng hái đi vẽ, cặm cụi làm bố cục…

      Ngày đi vẽ cảnh, nhiều người mang theo mấy đoạn nứa để buộc làm giá vẽ, tỏa đi các ngả vẽ cây rừng, vẽ núi non thấp thoáng vài nếp nhà sàn, có những tà áo chàm màu xanh đậm, làm cho cảnh vật có sức hấp dẫn với những sắc màu kỳ diệu ẩn trốn bên nhau trong làn sương mù tỏa nhẹ, tạo ra một hòa sắc đa thanh, đa cảm lôi cuốn người vẽ… Những buổi vẽ màu ở lớp thường do các nhân viên của Trường ngồi mẫu như bác cấp dưỡng, cô Huệ tiếp phẩm hay cậu Kẹo liên lạc… Có buổi đi vẽ các tượng Phật trong chùa, hoặc buổi họp xóm bản đông người làm anh em càng phải cố gắng chộp lấy dáng điệu từng người …

Làm bài tập (Thục Phi, Lê Lam, Linh Chi), 1982. Ký họa của Ngô Mạnh Lân.

 

      Nhà Trường thường xuyên tổ chức triển lãm tranh của anh em sáng tác theo phong trào xã hội như tăng gia sản xuất, cày cấy, gặt hái, đi dân công hoặc cổ động các phong trào ở địa phương… Cuối năm còn vẽ tranh tham gia Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới, làm bài tập vẽ bằng khen, huân chương…

      Cuối 1951, Hội Văn nghệ mở Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Nhà trường để anh em đi vẽ tự do, đến các cơ sở sản xuất, các xưởng làm vũ khí, xưởng giấy, về xã vẽ đóng thuế nông nghiệp, chăm sóc gia súc, phong trào tiết kiệm… Triển lãm tập hợp công trình sáng tác của đông đảo anh em nghệ sĩ, nêu cao ý thức phục vụ của giới mỹ thuật, đồng thời giới thiệu nghệ thuật của loại tranh phổ biến và tác dụng sâu sắc của nó trong quần chúng nhân dân. Ban vận động Triển lãm là họa sĩ Tô Ngọc Vân, còn Trưởng ban tổ chức là họa sĩ Trần Văn Cẩn. Gần như hầu hết sinh viên mỹ thuật đều tham dự, trong đó có tranh truyện liên hoàn về nữ Anh hùng Nguyễn Thị Chiên, tranh Tăng gia gà vịt của Lê Lam, tranh Chống rét cho trâu bò của Lưu Công Nhân, tranh cổ động Tố cáo giặc Pháp sát hại trẻ em (Trần Đông Lương), tranh Anh hùng La Văn Cầu (Trịnh Phòng), Lê Nguyên Lợi vẽ Đón thương binh về làng, Mai Long vẽ Cảnh bộ đội và nhân dân bí mật rút qua gầm cầu Long Biên…, trong đó tranh Chống rét cho trâu bò của Lưu Công Nhân được Giải ba của Triển lãm.

      Đặc biệt, Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ, nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người còn nêu: “Tiền đồ dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi!” Những lời động viên rất thiết thực của Bác làm cho mọi người rất phấn khởi và tự hào về bước đường phấn đấu của nghệ thuật ta.

      Năm 1952, sau kỳ chỉnh huấn văn nghệ sĩ, cả Trường đi vận động phong trào “Sản xuất – Tiết kiệm“ ở Thái Nguyên, chia làm 3 tổ, nhóm ở huyện Đồng Hỷ có thầy Vân và tôi, nhiệm vụ là vừa công tâc vừa vẽ phục vụ trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh. Thời gian này, các thầy luôn trao đổi, giảng giải nhiều điều bổ ích cho nghề từ cách vẽ ký họa đến dựng phác thảo, chú ý là cần thực tế và giản dị, đơn giản hóa hình thực (nhưng không phải là bóp méo hoặc làm mất đi). Phương châm là “không dựa vào ý thích của mình mà phải dựa vào sự thật mình thích… và rồi anh có thể học cách nhìn, cách làm việc của người khác nhưng lại cần tỉnh táo, tinh khôn để rời bỏ các ảnh hưởng mà phát huy sáng tạo theo lối nhìn của riêng mình”. Trong thời gian công tác ở Thái Nguyên tôi vẽ các cô thôn nữ đi cấy với những dáng điệu mềm mại được các thầy khen có cái nhìn beauté grecque (nét đẹp Hy Lạp). Tuy nhiên khi dựng tranh “Tăng năng suất” thì tôi làm mất đi những ưu điểm đó… Còn bức “Họp xóm ở chùa” trông hình duyên dáng, thực mà có chắt lọc, trông hợp lý… Ngoài ra, trong đợt kiểm tra công việc của các học viên, thầy Vân còn nói nhiều chuyện kim cổ Đông Tây, vừa nêu nhận xét cụ thể ưu khuyết điểm của từng người.

Một buổi học vẽ ngoài trời, Lăng Quán, Tuyên Quang, 1953. Ký họa của Ngô Mạnh Lân.

 

      Dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Trường lại tổ chức triển lãm ở Tuyên Quang. Đặc biệt lần này có lấy ý kiến nhận xét của nhân dân. Nhiều ý kiến đều thích tranh truyện hơn tranh bố cục vì người xem có thể học tập kinh nghiệm và có thì giờ xem kỹ để góp ý cho họa sĩ. Như tranh “Học sinh đi tham gia sản xuất” của tôi được góp ý là vẽ đám học sinh vác cuốc đi trên nền đất đỏ trông “rợ”, còn vẽ luống lạc như giải chiếu hoa… Tóm lại là đúc rút những vấn đề về quan điểm quần chúng, có đúng sinh hoạt thực tế không, có rõ ý và có tính dân tộc không…

      Trường có chương trình học đồ hoạ, mỗi học viên thể hiện tranh khắc gỗ và in đá. Anh em vui vẻ hăng hái tham gia. Tôi khắc cảnh đi dân công tải đạn, cảnh gia đình bàn nhau đóng thuế nông, còn in đá thì có áp phích “Sản xuất tiết kiệm” (in hai màu) với anh công nhân vác đạn, chị nông dân ôm bó lúa, phía sau là cảnh lao động và chiến đấu của quân dân ta được đánh giá tốt.

      Hết năm thứ ba, cả Trường học lớp “Chỉnh Đảng” ba tháng. Lớp đông nghệ sĩ các ngành văn nghệ, sau lại tiếp tục học về chính sách ruộng đất, giảm tô và cải cách ruộng đất. Lại kiểm thảo, lại tự nhận xét và phê bình nhau, viết tổng kiểm thảo dài hàng chục trang để đưa ra tổ góp ý. Có thể nói năm nào cũng chỉnh huấn, cũng kiểm thảo… khá là mệt. Tuy nhiên, việc ấy cũng có những kết quả nhất định, mỗi người nhận rõ bản thân mình hơn, nâng cao ý thức rèn luyện về quan điểm lập trường trong công tác và sáng tác. Sau lớp học, Trường chủ trương đưa học sinh đi thực tế trên các mặt trận đấu tranh của đất nước. Có nhóm vào bộ đội, có nhóm đi công tác ở vùng sau lưng địch Liên khu III, nhóm đi công tác giảm tô, nhóm đi Tây Bắc, số khác về nhà in và các báo Trung ương. Tôi ở nhóm 3 người vào bộ đội (Trung đoàn Thủ đô E102), tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thật là vất vả, gian khổ, có lúc tưởng như bom đạn rơi trúng đầu mình… Ở mặt trận Điện Biên về qua Tuyên Quang, tôi có ghé thăm chị Tô Ngọc Vân mới biết nhóm họa sĩ gồm anh Tô Ngọc Vân, anh Nguyễn Văn Tỵ và anh Sỹ Ngọc cũng đi Điện Biên Phủ nhưng… đau xót thay, anh Vân đã hy sinh ngày 17/6/1954 trên đường công tác.

      Sau đó tôi và họa sĩ Trần Lưu Hậu được cử đi công tác tại Nam Định mới giải phóng; tiếp theo về Hà Nội làm Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1954; rồi đi cải cách ruộng đất đợt III ở Phúc Yên, đến tháng 8/1955 mới lên tàu liên vận đi học Liên Xô.

Sản xuất và tiết kiệm, 1952. Tranh li-tô của Ngô Mạnh Lân.

 

      Trải qua thời gian học tập, phục vụ các công tác xã hội, Khóa Mỹ thuật Kháng chiến khóa đào tạo chính qui đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đào tạo được một đội ngũ mỹ thuật có chuyên môn khá để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Từ những học viên năm ấy, khi hòa bình họ đã trở thành lực lượng chính đảm nhiệm nhiều công việc mỹ thuật của các ngành, đồng thời vẫn say mê sáng tác, góp sức mình vào diện mạo chung của mỹ thuật Việt Nam. Xin trích lời họa sĩ Trần Văn Cẩn nhân Triển lãm của Khóa Kháng chiến năm 1993 tại Hà Nội: “Chúc mừng 22 họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam trong Chiến khu Việt Bắc, đều đã thành đạt, đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam”.

      Việc đào tạo lớp họa sĩ cán bộ, họa sĩ chiến sĩ, ấy là công lao to lớn của họa sĩ Tô Ngọc Vân - người Thầy của Khóa Mỹ thuật Kháng chiến, đúng như câu đối của GS. Vũ Khiêu đã đề tặng nhân triển lãm năm 1993:

Ai gieo hạt giống từ năm ấy,

Để đến bây giờ bát ngát hoa!

#NgôMạnhLân