ĐỐI LẬP & HÀI HOÀ

      Thầy giáo – Hoạ sỹ Diệp Quý Hải là một trong những hoạ sỹ Sơn mài tài năng của của giới Mỹ thuật Việt Nam. Hoạ sỹ đang bước vào tuổi ngũ tuần của cuộc đời mình và trải gần ba thập kỷ hoạt động nghệ thuật. Tên tuổi của Hoạ sỹ gắn với cộng đồng yêu thích Nghệ thuật ở vẻ đẹp trong phong cách “Biểu hiện trừu tượng”, hoạ sỹ luôn sáng tạo phân tích tìm hiểu sức mạnh của Sơn mài và Sơn dầu để bổ sung – phát triển nội lực sáng tạo cho Sơn mài trừu tượng.

      Hoạ sỹ Diệp Quý Hải sinh năm 1971, tại Hà Nội. Hoạ sỹ đã tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1995, sau đó ở lại trường để trực tiếp giảng dạy Hội hoạ cho các thế hệ sinh viên. Với năng lực sáng tạo khá dồi dào về các thể loại và chất liệu kỹ thuật như bột màu, sơn dầu và sở trường là sử dụng chất liệu Sơn mài dân tộc, hoạ sỹ đã tạo dựng một định hình cho bút pháp và phong cách nghệ thuật của riêng mình. Đó là sắc thái hài hoà, dung hợp nhuần nhuyễn yếu tố tạo hình truyền thống nghệ thuật dân tộc, nhất là tính chất truyền cảm ở việc sử dụng bảng màu cơ bản của Sơn mài và tiếp thu hiệu quả tinh hoa nghệ thuật tạo hình hiện đại mà không đánh mất đi bản sắc riêng của mình.

      Suốt những năm đầu học vẽ và giảng dạy tại trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, hoạ sỹ Diệp Quý Hải đã luôn trăn trở, suy nghĩ về Sơn mài, làm sao có thể khai thác sâu sắc đặc điểm của kỹ thuật Sơn mài để hoàn thiện ngôn ngữ của chất liệu đặc biệt dân tộc này. Hoạ sỹ muốn Sơn mài có thể biểu hiện thực nhiều tính ước lệ, ẩn dụ của người châu Á, lại có khả năng tạo không khí sâu sắc – phong phú của sơn dầu nhưng vẫn phải tôn trọng tối đa vẻ đẹp lộng lẫy, huyền ảo, sâu lắng do màu sắc và kỹ thuật mài đem lại.

      Hoạ sỹ đã chuyển hẳn qua vẽ tranh Sơn mài từ năm 2000, thông qua mỗi tác phẩm trừu tượng, hoạ sỹ muốn đem lại một khía cạnh mới mẻ cho nghệ thuật này. Hoạ sỹ không muốn rơi vào tình trạng trùng lặp mà muốn thể nghiệm làm phong phú thêm cho sơn mài. Theo hoạ sỹ, mỗi chất liệu đều có ngôn ngữ riêng và chính chất liệu quy định cách vẽ, kỹ thuật vẽ. Cùng bố cục ấy, màu sắc ấy có thể rất thành công ở chất liệu sơn dầu, nhưng có khi lại mờ nhạt nếu chuyển sang Sơn mài. Hoạ sỹ luôn đặt cao sự hài hoà trong các tác phẩm của mình, có nhẵn bóng thì phải có gồ gề, có đỏ thì phải có đen, đắp nổi cao thì lại có khắc sâu xuống và quan trọng nhất chính là sự tả gợi của mỗi tác phẩm, nó giống với quan điểm sống của người Phương Đông, không thích sự trực tiếp mà phải là gián tiếp, nó không áp đặt quá mức cho người xem, mà chỉ muốn tả gợi để người xem có thể hoà mình vào trong tác phẩm, có thể đồng điệu được cùng với tác phẩm trong một thời gian dài, càng xem lâu càng Ngộ ra nhiều điều.

      Khát vọng nghệ thuậtPhong cách nghệ thuậtTình yêu nghệ thuậtThủ pháp nghệ thuật của Hoạ sỹ là như vậy, nhưng hoạ sỹ luôn mong muốn nuôi dưỡng và chia lửa tất cả những điều trên với thế hệ sau, những lớp đàn em, sinh viên ưu tú của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Dạy vẽ, cũng như dạy các bộ môn nghệ thuật khác, là một nghề sư phạm có tính chất đặc biệt, đòi hỏi sự tinh tế đặc biệt, lòng kiên trì và tôn trọng các cá tính, sự khác biệt mỗi của sinh viên. Hoạ sỹ Diệp Quý Hải chia sẻ: “...Một thầy giáo tồi có thể làm hư hỏng, thui chột một khả năng nghệ thuật đầy hứa hẹn, còn một người thầy tinh tế có thể chỉ ra cho học trò của mình một con đường mà anh ta mà với lỗ lực bản thân sẽ trở thành sự khác biệt lớn và thành công trong tương lai...”.

Họa sỹ Diệp Quý Hải đang hướng dẫn sinh viên hội họa 

      Người hoạ sỹ - Người thầy dạy nghệ thuật phải có cặp mặt tinh tường như những người chọn cá giống. Làm sao giữa hàng vạn con cá con hình dáng giống y hệt nhau, phải biết nhặt ra những con cá mương, bởi vì dẫu có nuôi hằng chục năm thì cá mương cũng không thể trở thành cá chép để có thể hoá rồng được. Suốt nhiều năm giảng dạy, hoạ sỹ Diệp Quý Hải cái chủ yếu của người thầy Mỹ thuật không phải chỉ ở chỗ dạy nghề, dạy kỹ thuật, dạy bố cục, hình hoạ … mà dạy học sinh lòng say sưa yêu nghề, lý tưởng sống chân chính và tạo ra một không khí sáng tạo và phụng sự nghệ thuật. Hoạ sỹ hoàn toàn không muốn tạo ra những người học trò giống mình, cũng không thích thú gì với những sinh viên sau nhiều năm học lại chỉ có thể trở thành thợ vẽ hay một công chức Mỹ thuật. Cuối cùng, nhân cách và bản lĩnh nghệ thuật của người thầy là trên hết, nó hoàn toàn nằm ngoài giáo trình giảng dạy của trường Mỹ thuật. Mọi sáng tác của sinh viên đều chịu ảnh hưởng của người thầy là trước hết. Và một người thầy tài năng sẽ không có những học trò tồi.

      Tình yêu nghệ thuật Sơn mài của hoạ sỹ Diệp Quý Hải cũng đã được hơn 20 năm. Trong suốt 20 năm ấy, với những phân tích, tìm tòi, thể nghiệm của mình, hoạ sỹ đã hoàn thành nhiều tác phẩm hay, độc đáo, đóng góp vào sự phát triển của Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam, không những ở số lượng tác phẩm, chất lượng nghệ thuật mà còn ở ngay trong những bước khai thác kỹ thuật của chất liệu dân tộc độc đáo này. Tình yêu đó vẫn cứ bền bỉ và truyền lửa cho các thế hệ kế cận, càng ngày càng son sắc, sâu lắng như trong các tác phẩm sơn mài Diệp Quý Hải.

#NguyễnTrọngHoàngHải