CHẤT LIỆU TRUYỀN THỐNG VÀ ĐỀ TÀI ĐƯƠNG ĐẠI

     Đến anh em Van Eyck thuộc trường phái hội hoạ Flamang, đầu thế kỷ XV, mầu sơn dầu đã kết thúc hoàn chỉnh một thời kỳ tìm kiếm. Qua tay các hoạ sỹ phục hưng, nó phát triển để trở thành chất liệu hàng đầu trong hội hoạ thế giới cho tới ngày nay. Qua sự cách tân của nhiều danh hoạ thiên tài, nó càng củng cố vị trí trong các chất liệu tạo hình . Kỹ thuật vẽ màu lên khi còn ướt hay nấu màu với sáp để làm tranh tường trước đây, đã được Rivera và các hoạ sỹ người Mexico tiếp thu. Đồng thời, họ lại phát triển thêm các loại màu tổng hợp, các loại xi măng, đá nhuộm màu, các loại sơn không bóng … để phục vụ tranh tường, nhất là tranh ở tường mặt ngoài. Nhật bản khai thác tượng gỗ và tượng đồng của mình vốn xưa từng đạt tới đỉnh cao, ở Việt Nam nghề sơn mài truyền thống được tiếp thu và phát triển, tạo nên một chất liệu độc đáo giúp hoạ sỹ thực hiện tốt hơn những nguyện vọng và nhiệm vụ của mình. Ta thấy đó, trong lịch sử nghệ thuật, cùng với những thay đổi về quan niệm thẩm mỹ và những nội dung tư tưởng mới của một phong trào hay xu hướng nghệ thuật, lại luôn có những thay đổi, những cách tân về chất liệu hay phương thức sử dụng chất liệu. 

     Cũng trong một phái hội hoạ Hà Lan, Frantz Hals (1580 - 1666) đưa những đường bút hoạt bát, hăng hái, còn Rembrandt (1626 - 1669) kiên nhẫn chồng từng đốm màu lớp lớp tương phản lên mặt hình, kết quả là hai ông đã tạo được hai thế giới tâm hồn khác biệt. Khi coi ánh sáng là nội dung, là đối tượng mô tả, chứ không chỉ là phương tiện rọi sáng đồ vật, khi có cơ sở khoa học về sự đồng hiện của ánh sáng và hiện tượng khúc xạ bởi hơi nước, khi có thái độ trân trọng thờ phụng thiên nhiên, các hoạ sỹ của trường phái Ấn tượng mới đi tới lối dùng màu trực tiếp, thậm chí màu không pha hoặc tách ánh sáng thành những hạt màu độc lập. Hoạ sỹ Ấn tượng vẽ ngoài trời, thường ở những nơi nhiều ánh sáng, có sương, có nước, vào những lúc không khí chứa nhiều hơi nước), chứ không ngồi trong phòng vẽ mà tỉa lá cây cho một phong cảnh tưởng tượng và lý tưởng kiểu Phục hưng nữa. Chiến thắng của ánh sáng và thiên nhiên, tức là chiến thắng của cách mạng thẩm mỹ trong ngôn ngữ hội hoạ thế kỷ XIX, đã dẫn đến những cách tân táo bạo hơn cho chất liệu sơn dầu. Còn có thể kể ra nhiều ví dụ về đổi mới chất liệu, qua những phong trào khác, qua những hoạ sỹ khác. 

     Vấn đề chất liệu luôn được đặt ra ở mọi nơi, trong mọi thời kỳ và đối với từng hoạ sý. Với một xu hướng, một phong trào, thì vấn đề ấy có khi là cấp bách, là thời sự, cũng có khi là ổn định hơn, nhưng đối với từng nghệ sỹ thì đó là vấn đề hàng ngày. Cũng vẽ sơn đầu nhưng mỗi hoạ sỹ bậc thầy có lối vẽ riêng, những thủ pháp kỹ thuật riêng, mà người đó để tầm nghiền ngẫm, ngọt giũa, cho tới khi nó trở thành phương tiện phục vụ tốt nhất cho ý đồ sáng tác của mình. Cũng làm tượng gỗ, nhưng Ernst Balach (1870 - 1937) - nhà điêu khắc nổi tiếng người Đức đã có cách sử lý riêng. Cũng dùng cẩm thạch trắng, nhưng Rodin - nhà điêu khắc vĩ đại Pháp, có lỗi sử lý riêng. Siqueros thì suốt đời không nguôi được cái khát vọng muốn cách tân kỹ thuật và chất liệu cho tranh tường, nhằm phục vụ một thứ “nghệ thuật công cộng” mà ông suốt đời đấu tranh để thực hiện, vì cho rằng chỉ có nó mới thực sự là nghệ thuật cho số đông, nghệ thuật của nhân dân. 

     Xem như vậy, vấn đề chất liệu chỉ là biểu hiện bề nổi của sự thay đổi ở nội dung. Đó chính là một biểu hiện sinh động của mối thống nhất biện chứng giữa nội dung và hình thức. 

Cái gì là động lực thúc đẩy việc khai thác một chất liệu truyền thống?

     Đối với nghệ sỹ, đó là lòng tự hào dân tộc, hay đúng hơn, là ý thức dân tộc, ý thức về những truyền thống văn hiến của dân tộc mình. Ý thức dân tộc dâng cao là do những biến đổi trong lịch sử xã hội. Đặc biệt, khi diễn ra những biến đổi lớn lao, sức sống của dân tộc được đem ra thử thách, đối lập với những lực lượng bên ngoài, những lực lượng ngăn cản sự tiến bộ. Đó là những cuộc chiến thắng ngoại xâm, những thời kỳ hưng thịnh về kinh tế, những cuộc cách mạng, những cải cách có ý nghĩa xã hội lớn. Khi một dân tộc bộc lộ sức sống của một về một cuộc đấu tranh cho tiến bộ xã hội, thì cũng đồng thời bộc lộ những truyền thống rực rỡ về văn hoá của mình. Những nghệ sỹ sống cùng lịch sử bị những truyền thống rực rỡ đó lôi cuốn. Họ tự hào về những truyền thống đó và tìm cách khai thác chúng, phát huy chúng lên. Họ tự ý thức về vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống. Đồng thời, qua những cuộc “đọ sức” như vậy, dân tộc nào cũng thấy rõ thêm cái cần bổ sung vào, cần phát huy lên, cần tiếp thu một cách sáng tạo từ kho tàng văn hoá chung của nhân loại. Nhờ cuộc cách mạng và cuộc nội chiến đẫm máy trong những năm 20 của thế kỷ XX, khi mà sức mạnh dân tộc Mexico bộc lộ rõ nhất, các hoạ sỹ Mexico mới ý thức được tương đối đầy đủ về dân tộc mìnhm về nền văn hoá cổ của các bộ tộc Maya, Nahua … Cũng từ đó mà có tranh tường hiện đại Mexico. 

     Ở Việt Nam, thời kỳ nhà Trần thắng quân Nguyên, thời nhà nước phong kiến tập quyền được củng cố, ý thức dân tộc phát triển, thì ông Nguyễn Thuyên mới dám dùng tiếng Việt làm “chất liệu” cho thơ Đường luật để tạo nên thơ “Hàn luật” - tác phẩm nghệ thuật dân tộc. Không yêu thương người Việt Nam, không tự hào về họ, thì là sao Nguyễn Du lại lấy được thơ lục bát dân gian mà đắp nên hình tượng nàng Kiều! 

     Gần đây hơn, trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, không phải ngẫu nhiên mà những chất liệu dành được nhiều thành công nhất lại là những chất liệu truyền thống: Sơn mài, Lụa … Trong cái ánh sáng tù mù mị dân của chính sách khai hoá thực dân, những hoạ sỹ yêu nước đã bắt đầu ý thức được về dân tộc mình. Khi chưa có đường lối của Đảng, ý thức dân tộc đó còn mơ hồ, có khi mang tính hoài cổ, khi mang màu sắc cải lương, khi nặng ý thức hệ tư sản … Song họ bắt đầu có ý thức về dân tộc và lòng truyền thống văn hiến của “con Rồng cháu Tiên”, của “dòng dõi Lạc Hồng” … Lòng tự hào đó cho họ đủ dũng cảm để khai thác Sơn mài, vốn chỉ là một chất liệu thủ công, để làm tranh bày bên cạnh những bức Sơn dầu, một chất liệu hàng đầu với mấy trăm năm lịch sử huy hoàng. Tủi hổ về thân phận cảu người Việt nô lệ mà vẽ Người đàn bà rửa rau (hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh) âm thầm lên lụa cho thật trân trọng, thì đó cũng là dấu hiệu của một lòng tự hào dân tộc chân chính sẽ hình thành. Khỏi phải nói về bước phát triển của lòng tự hào dân tộc, từ khi có đường lối của Đảng trong hoạt động của giới Nghệ sỹ Việt Nam, những người đã cùng nhân dân đương đầu với cuộc thử thách lớn lao của lịch sử trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chúng ta ngưỡng mộ điêu khắc gỗ truyền thống, trân trọng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, nâng niu nhưng câu ca dao, dân ca … một phần là xuất phát từ lòng tự hào dân tộc chính đáng. Đó, một trong những động cơ thúc giục ta khai thác truyền thống văn hoá nói chung và những chất liệu truyền thống nói riêng.  

Tác phẩm Người đàn bà rửa rau, 1931 - Họa sỹ Nguyễn Phan Chánh

Hướng về các chất liệu truyền thống

     Ý thức dân tộc ở nghệ sỹ một phần là ý thức về truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Mà truyền thống văn hoá đó lại được đại diện bởi những tác phẩm đã thành công bằng chất liệu này hay chất liệu khác. Và tự nhiên, việc khai thác truyền thống dân tộc buộc người hoạ sỹ tạo hình mới đi vào các chất liệu truyền thống, phải đối chất mình với mầu nguyên, với giấy điệp, với gỗ thị hay gỗ mít, với màu cánh sen hay màu lam, với những đường viền khoẻ mạnh, cách bố cục độc đáo, những nét trang trí tuyệt vời ở tượng chùa, tượng đình … 

     Chúng ta muốn thể hiện hiện thực của chúng ta ngày nay. Chúng ta tìm thấy một tấm gương: các hoạ sỹ làng Hồ, những nhà điêu khắc của Thổ Tang, Tây Đằng, Tây Phương, Phật Tích … đã thể hiện thành công hiện thục của họ. Bằng những màu sắc tự nhiên ít ỏi (chứ không phải bằng cả một nền công nghiệp màu), với những kiến thức không quá dồi dào về nghệ thuật tạo hình (chứ không phải với những bài học của hàng nghìn năm, của bao nhiêu quốc gia, của nhiều phương pháp sáng tác), họ đã tạo nên những tác phẩm thể hiện đến là sinh động hiện thực nông thôn ta lúc bấy giờ. Họ vẽ và đẽo chính bản thân họ, bằng những chất liệu mà họ làm chủ được một cách tài tình, bằng những công cụ họ dùng thành thạo, cho nên tranh và tượng của họ đầy sức sống. Trong cảnh đánh ghen, cảnh các chàng trai trêu ghẹo các cô gái trong đầm sen, cảnh hội hè, hay đàn gà đàn lợn, chúng ta thấy người nghệ sỹ xưa hiểu thấu đáo hiện thực của họ tới mức nào. Họ nhìn những cảnh đó, hiện thực đó bằng con mắt có tổng kết, có chắt lọc và họ thể hiện điều đó bằng nét bút, nhát đục có cân nhắc, có phê phán, nghĩa là có một thái độ nghệ sỹ đối với cái mình thể hiện. Cũng vì vậy mà chúng ta nhận thấy rằng đó là những tác phẩm bậc thầy, chứ không phải chỉ là bằng chứng tản mạn của năng khiếu tạo hình tự phát. Tranh và tượng dân gian có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, có sự thống nhất trog phong cách biểu hiện. Cái quý nữa là các tác phẩm đó cho chúng ta thấy những đường nét của con người Việt Nam, những khía cạnh tâm lý, thẩm mỹ, những nét về quan niệm sống, do đó lại góp phần củng cố thêm những “nét thuần Việt” ấy của con người Việt Nam. Tính kế thừa lịch sử làm cho con người Việt Nam ngày nay, soi thấy bóng mình trong con người Việt Nam thời các trống đồng cũng như thời Trịnh - Nguyễn. Trong quá trình nhiều thăng trầm đó, có nhiều nét hình thành, được củng cố bền vững thành truyền thống, góp phần tạo nên con người Việt Nam hiện tại. Nghệ thuật hiện nay của chúng ta không thể không mang dấu ấn của truyền thống dân tộc, không thể bị lìa khỏi truyền thống dân tộc, mà biểu hiện là giá trị thẩm mỹ không phai mờ của những tác phẩm đã thành công bằng các chất liệu truyền thống. Nền hội hoạ Đức với tính duy lý khá rõ nét, với bố cục chặt, hình chắc, luôn quay về lấy một phần sức mạnh của mình ở đồ hoạ Phục hưng, với những tấm khắc đồng bất hủ của Durer, Cranach … 

     Song dòng sông ở những thời điểm khác nhau, không còn là dòng sông đó nữa. Ý kiến nổi tiếng của một nhà triết học cổ đại cho chúng ta thấy rằng: Tiếp thu và khai thác một chất liệu truyền thống, là tiếp thu những giá trị thẩm mỹ của từng tác phẩm, với tư cách một thể thống nhất, chứ không phải là tiếp nhận những chất liệu, thủ pháp hay yếu tố tạo hình một cách hình thức chủ nghĩa. Nương tựa vào truyền thống, trước hết là nương tựa về tinh thần. Tiếp thu mà không phát triển, lấy nguyên những yếu tố tạo hình đã thành công nhằm tạo cho tác phẩm ngày nay của chúng ta một vẻ ngoài dân tộc, dễ gây cảm giác là có học tập truyền thống, đấy chính là chủ nghĩa hình thức. Hiện tượng đó không phải hiếm. Ta gặp nó ở nhiều nước, ngay cả Xô Viết những năm 30 thế kỷ XX. Ở chúng ta hiện nay cũng có: thay cô tố nữ bằng cô bộ đội, thay đồ vật trên giấy điệp bằng anh hải quân, dùng tuỳ tiện màu cánh sen, lãng phí những nét trang trí ở tường … Điều đó không tạo nên chất lượng mới cho tranh - tượng, mà cũng không nâng cao Nghệ thuật dân gian

     Hiện thực của chúng ta có những nét đặc thù, nhưng vẫn là một phần của hiện thực thế kỷ XXI này. Con người Việt Nam không còn là con người của làng quê thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay của một phố nghèo thời Tú Xương nữa, mà là một con người của hiện đại trên toàn thế giới, hơn nữa, như chúng ta thường nói là con người tiên phong của thời đại. Nếu coi nghệ thuật tạo hình là môt phương tiện để phản ánh, thẩm nhận, nghiên cứu, biến cải thế giới, thì tính hiện đại chính là nội dung, chứ không phải là hình thức. Những chất liệu được các nghệ sỹ tiến bộ trên thế giới (nhất là các nghệ sỹ xã hội chủ nghĩa) sử dụng thành công, cần phải trở thành tài sản của nghệ sỹ chúng ta hiện nay. Nếu tranh khắc gỗ màu, tượng gỗ, tượng đá truyền thống cho ta những tấm gương về ý chí dùng nghệ thuật tạo hình để phản ánh con người Việt Nam trong lịch sử, thì những tác phẩm đã thành công bằng Sơn dầu, bút sắt, gò đồng, tượng đồng, tượng xi măng, khắc cao su … lại cho ta những gợi ý về ý chí thể hiện con người của thời đại này, mà nhiều nét cũng trùng với những nét của con người Việt Nam đương đại. Thí dụ tranh Sơn dầu của các nước xã hội chủ nghĩa có nhiều thành công trong việc thể hiện con người mới, tinh thần quốc tế vô sản kết hợp với lòng yêu nước … Những thành quả đó thật thiết yếu đối với chúng ta, khi chúng ta khai thác chất liệu truyền thống. Tất nhiên một nghệ sỹ ít tài năng, không tỉnh táo, hay kém bản lĩnh sẽ xa vào bắt chước, vay mượn. Bởi vì những hoạ sỹ nước ngoài cũng mang tính chất dân tộc của họ. Picasso là đảng viên đảng cộng sản Pháp, sống gần trọn đời ở Pháp, ngưỡng mộ nghệ thuật Hy Lạp, yêu kính Cranach, nhưng vẫn khó phỏ nhận những nét Tây Ban Nha trong sáng tác của ông. Lai căng và nhại cổ đều có hại. Khắc phục hai hướng đó, ta không thể tách bạch thành hai việc riêng lẻ. Bởi lẽ học hỏi - kế thừa vừa có tính chất đồng đại, vừa có tính chất lịch đại và hai mặt ấy gắn bó khăng khít với nhau một cách biện chứng. 

Tác phẩm Nhạc công Guitar già, 1904 - Họa sỹ Pablo Picasso

Khai thác nội dung, hình thức, thủ pháp kỹ thuật hay phương pháp sáng tác từ chất liệu truyền thống?

     Nếu công nhận rằng tác phẩm nghệ thuật là một “vật” thống nhất, thì ta phải học tập tất cả, mà không để cho một mặt nào thiếu sự phát huy, thiếu công thay đổi. Nhìn Sơn mài phát triển trong hơn 70 năm qua, ta thấy rõ những cách tân về vật liệu và thủ pháp kỹ thuật quan trọng tới mức nào. Riêng kỹ thuật Sơn mài cũng sẽ không dừng lại ở đây. Còn cần sự can thiệp sâu hơn của khoa học kỹ thuật hiện đại, sao cho tính thủ công của quá trình vẽ tranh giảm đi và hoạ sỹ dễ làm chủ màu sắc hơn. Làm sao cho chất liệu này dễ dùng hơn và qua đó sức biểu đạt của nó tăng lên. 

     Khai thác những chất liệu truyền thống còn là khai thác những nguyên lý tạo nên những giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm. Hơn nữa, đó là nghiên cứu cơ chế gây ra hiệu quả thẩm mỹ ở người xem tác phẩm đó. Ca dao là hay. Truyện kiều là tuyệt. Chúng ta triệt để khai thác thơ lục bát. Song không “chàng rằng”, “nàng rằng”, lại càng không dùng các điển cố của Nguyễn Du. Tiếp thu là tiếp thu cách sử dụng hình ảnh, cách ví von so sánh, cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Du và lối đi vào ngõ ngách tâm hồn người Việt Nam của ông. Một nhà thơ (mà cũng là một hoạ sỹ) vẽ một chân dung: 

Cổ tay em trắng như ngà,

Con mắt em sắc như là dao cau.

Miệng cười như thể hoa Ngâu,

Cái khăn đội đầu như thể hoa Sen.

     Là nghệ sỹ tạo hình, chúng ta hãy nắm lấy các nguyên lý tạo nên vẻ đẹp hội hoạ của câu thơ trên: Cách chấm phá (lấy chính bỏ phụ), sự dày công nghiên cứu đối tượng mô tả … làn da, con mắt, viền môi, mái tóc vốn là những nét mà bậc thầy vẽ chân dung xưa nay từng dày công khai thác. Phải chăng tranh dân gian cũng chứa đựng những nguyên lý thẩm nhận cái đẹp của nguời Việt Nam như là một quá trình sáng tạo, như là một tập hợp gồm nhiều yếu tố. Không nên chỉ dừng lại ở chỗ thích thú khi nhận ra rằng hoạ sỹ làng Hồ đã biết sử dụng màu sắc đối chọi nhau trước các hoạ sỹ biểu tượng hàng trăm năm. Vấn đề chính, nói cho cùng, không phải là trước hay sau. Hoạ sỹ biểu tượng vẽ cái choáng ngợp của mình trước thiên nhiên. Anh ta vẽ trạng thái tâm hồn mình trước thiên nhiên. Vì thế, anh ta bổ, xẻ, bóp méo thiên nhiên. Còn vì sao hoạ sỹ làng Hồ lại có thẩm mỹ màu như ta thấy? Những vấn đề tương tự như vậy là những điều trước tiên chúng ta cần tìm hiểu để khai thác, để phát huy. 

Vì sao có chất liệu thành công và có chất liệu chưa thành công? 

     Hãy xét vấn đề trong trường hợp chất liệu Sơn mài. Phạm vi bài này không cho phép trình bày đầy đủ về Sơn mài, lại càng không cho phép bàn kỹ tới những yếu tố làm nền cho thành công của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, như đường lối văn hoá đúng đắn của Đảng, lòng tự hào dân tộc, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa … Bên cạnh những yếu tố chung đó, về đại lược, nguyên nhân thành công có thể là: Các hoạ sỹ có thái độ đúng, biện chứng đối với truyền thống của chất liệu này. Đó là thái độ vừa biết nâng niu, vừa có phê phán. Họ tìm ra chỗ mạnh (điều đó quan trọng) và cả chỗ yếu của Sơn mài truyền thống (điều này còn quan trọng hơn). Chẳng hạn, họ thấy những hạn chế về mầu, về bố cục, về nguyên lý tạo hình … và quyết tâm khắc phục. 

     Các hoạ sỹ có cách đi đúng trong khắc phục chỗ yếu và phát huy chỗ mạnh của chất liệu truyền thống. Họ đã vận dụng những hiểu biết, những kinh nghiệm của nghệ thuật tạo hình hiện đại, của các chất liệu khác vào Sơn mài. Họ làm cho Sơn mài trở thành một chất liệu của Nghệ thuật tạo hình, bằng những nguyên tắc làm tranh mới (như luật dùng màu, luật bố cục…) mà vẫn cố giữ lấy cái mạnh cổ truyền (như màu sắc, sơn, vàng, bạc, then …) tạo nên vẻ rực rỡ, chất nghệ thuật cho tranh Sơn mài mới. 

Có những tìm tòi cải tiến về kỹ thuật, về thủ pháp kỹ thuật. 

     Điểm cốt tử cốt tử cho thành công của tranh Sơn mài trong những năm 50 - 60 là các hoạ sỹ đã để cho hiện thực cách mạng, mà họ đã sống qua trong và sau kháng chiến chống Pháp, kết tinh vào tác phẩm. Trong kháng chiến, họ đã phát hiện ra một thiên nhiên Việt Nam khác trước, một con người Việt Nam khác trước. Chính những nét đặc trưng của dân tộc trong đời sống cách mạng của dân tộc, mà các hoạ sỹ nắm bắt được, là yếu tố quyết định trong sự sinh thành của tính dân tộc trên tranh Sơn mài mới của chúng ta. 

     Quy chiếu vào các nguyên nhân thành công kể trên của tranh Sơn mài, chúng ta có thể giả thiết rằng, nếu thiếu những yếu tố ấy, hay phần lớn những yếu tố ấy, thì mọi thể nghiệm khai thác chất liệu truyền thống để phục vụ đề tài đương đại dễ vấp phải thất bại. 

#NguyễnQuân