CÁI XƯỞNG CỦA LÊ BÁ ĐẢNG

     Đi tìm cái mới trong một cái xưởng thì thật nhỏ bé và thiếu tầm vóc chăng? Nhưng với tôi, cái xưởng lại gần gũi với tay nghề hơn, và thân mật ấm cúng hơn, để phần cơm đổi áo, chia sẻ ngọt bùi cùng anh em bè bạn và con cháu cùng một chí hướng. Và lại đây là một bước đầu của tôi trên đất nước Việt Nam.

     Vậy đây là xưởng chứ không phải là trường. Trường có khuôn khổ, có ngăn nắp, đường lối đã định trước với những điều lệ nhất định, những bài vở đã soạn trước soạn sau, có ngày giờ, có thi cử, có luật lệ, bằng cấp. Có cả giám đốc, hiệu trưởng, có thầy trên trò dưới, có cả lương bổng, chức tước, hưu trí và nghỉ hè nữa.

     Nghĩa là hầu như có tất cả. Chỉ còn cái Mới trong sáng tạo nghệ thuật thì chưa có.

     Đây chỉ là một xưởng nhỏ để tìm tòi sáng kiến và đường lối sáng tạo giữa những con người cùng lý tưởng, không thầy, không trò, mà là bạn hữu, mà là đồng cảm, dạy bảo nhau như con em một nhà, với một ý thức tạo nên cái đẹp trong sáng, với tấm lòng yêu thương và theo đuổi chung một lý tưởng, chung một yêu cầu, chia sẻ những cái diệu kỳ của tri thức.

     Không khuôn khổ nhất định, cứng rắn hay đen trắng trên giấy tờ, mà nếu có khuôn khổ thì là một khuôn khổ vô hình, vô dạng, tự nhiên như lẽ sống, mát tươi của tình cảm thiên nhiên nằm trong văn hóa, trong thuần phong mỹ tục của cha ông để lại. Ở trong xưởng, tôi là người nhiều tuổi hơn ai hết, hay là một lứa tuổi với mọi người và có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tìm tòi sáng tác cũng nhiều hơn cả. Vậy trước hết tôi đề nghị: những ai có ý kiến chi đừng rụt rè, đừng mặc cảm, đưa ra đây để cùng nhau chia sẻ, bàn lui nói tới làm cho nhau hiểu, rồi mới tìm những mánh khóe, đường lối, chất liệu để tạo ra một cái gì chưa có, một cái gì vừa đẹp vừa có tình có nghĩa vừa ăn khớp với con người. Yêu chuộng cái tự nhiên, không từ ngữ giật gân, mà tầm thường, hãy nhìn thẳng vào cuộc đời, vạn vật với cặp mắt, với cả tấm lòng, một cách bình thường. Rồi từ đó lợi dụng những chất liệu sẵn có từ trong đất đai, cây cối vạn vật mà chúng ta chung đụng hàng ngày với ý nghĩ giản dị. không khách sáo, không bác học không có gì bó buộc tâm hồn. Rồi từ đó bày ra những kỹ thuật mới. Cách tìm tòi sát cánh với đời sống văn hóa của dân tộc, của con người thật, không chịu ảnh hưởng của ai hết. Cái đẹp mới đang tìm chưa ai hình dung nó ra thế nào cà.

     Tôi chỉ biết là nó sẽ không giống những cái gì đã có, đã cũ kỹ, lạc hậu hay bắt chước của xứ ngoài.

     "TA VỀ TA TĂM AO TA"

     Ý nghĩ đầu tiên của tôi là phải đi xa hơn cái đẹp huyền bí của kẻ thông thái, của bức tranh, cái tượng mà xưa nay mọi người ca tụng, ôm ấp như cái gì thần thánh võ biên. Theo tôi, cái đẹp này từ xưa đến nay vẫn nằm một chỗ dù có thấy đen ra trắng, thấy tròn ra vuông Chứ cái bản chất của nó vẫn y nguyên. Con người cứ chạy quanh cái đẹp ấy rồi đặt ra thuyết này thuyết nọ, cao siêu trong sách vở, bí ẩn trong tâm hồn. Từ hiện thực đến trừu tượng, từ trừu tượng đến siêu này siêu nọ, siêu cả cái siêu, nhưng vẫn một đường mòn này đến đường mòn khác đi mãi vào chỗ bế tắc như bất cứ ở đâu trên thế giới này. Nhưng đây là chuyện của người ta. Tri thức hóa, tâm linh hóa cái đẹp cũng là đường mòn. Tôi tưởng rằng phải tình cảm hóa, nhân đạo hóa cái đẹp mới là mới, mới là hợp thời, mới phụng sự được số đông con người. Cái đẹp có thêm bề rộng lẫn bề sâu ...

     Và hơn nữa, nếu chúng ta, Việt Nam muốn ra khỏi vòng vây phải thay đổi cả bản chất của cái đẹp mới hoạ may đi kịp người ta và phụng sự được con người Việt Nam hiện giờ. Cái Đẹp mới phải đi xa hơn cái đẹp hiện giờ. Cái đẹp với Tình người nằm ngoài cái khuôn khổ nhà trường, của sách vở hiện có.

     Trong tiếng nói của ta hay nghe hai chữ Tài Tình. Vậy Tài chung với Tình. Có tài phải có tình như cha ông đã sắp vào trong tiếng nói để con cháu dễ hiểu hơn. Tôi mơ ước cái đẹp này sẽ giản dị, nhưng không phai giản dị mà mất bớt phẩm chất, xuống cấp. Cải đẹp mới phải ăn khớp với đời sống, với văn hóa, lịch sử của dân tộc, với con người Việt Nam trước đó, với thiên nhiên tạo hóa, với thị trường quốc tế.

     Cái đẹp tạo ra bằng bàn tay, tri óc để phung sự Con người thật, chứ không phải chỉ trên sách vở hay lý thuyết của nước ngoài rồi nghêu ngao inh ỏi. Rồi tựu trung không vẫn là không. Cái đẹp không những chỉ ở trong tranh, trên tượng sơn son thiếp vàng, ngạo ngược trên vách, ngủ gục trong bảo tàng, cửa đóng then cài hay trầm ngâm im lặng trên cái bệ vừa nặng vừa cao hay trong cái khung chạm trổ nhắng nhít. Chỗ nào cũng bắt chước chỗ nào rồi khen nhau là đẹp!

     Nhưng ở đây cũng là chuyện của người ta và quyền tự do của mọi người.

     Cái đẹp trong tranh tượng là chuyện dĩ nhiên mà nó còn phải ở trong những thứ cần dùng của con người, tất cả con người như cái bát, cái đĩa, đôi giày, cái nón, cái áo, các đồ nữ trang, cái xe xích lô, cái trường học, cái nhà trẻ, cái mô mà ông cha, cái đình, cái miếu, cái xóm, cái làng, cái thành thị và cả cái kinh đô nữa. Nghĩa là từ cái nhỏ đến cái lớn và bất cứ cái chi mà thân thuộc với con người trên xứ sở này cho đến cái ý nghĩa, lời nói, tình thương.

     Từ cái đẹp có hình thức cho đến cái đẹp vô hình thức cũng nằm trong bước tìm tòi của xưởng tôi.

     Không biết cái đẹp này có toàn mỹ hay không? Có động chạm chi đến quyền lợi của ai không? Có nằm chung trong cái đẹp huyền bí, cao siêu hay không? Những người sáng tác ra những cái này có phải là nghệ sĩ, nghệ nhân hay không?

     Chúng tôi cứ bình tĩnh mà tìm tòi sáng tác. Sau này con cháu và lịch sử sẽ đánh giá và xếp lại, ai vào chỗ nấy theo luật tự nhiên chứ không phe phái, không tự cao.

     Trong xưởng chúng tôi, anh em không cần phải học năm bảy năm như ở trường để rồi ra trường sáng tác những cái gì mà người khác đã làm rồi và hơn nữa lúc ra trường nhiều người không sống được với nghề nghiệp của mình. Thế thì chẳng khác chi dã tràng xe cát biển đông cả. Ở trong xưởng, chúng tôi tìm tòi, bàn cãi về tất cả các vấn đề quan hệ đến cái đẹp với đời sống, cũng không quên cái đẹp trong tranh tượng. Rồi từ đó thảo luận, lý thuyết và mỗi khi có ý kiến hay nhiều ý kiến mới bắt tay vào thực tế. Trí óc điều khiển cái tay, trí khôn bày ra kỹ thuật là lẽ tự nhiên. Mỗi người một cá tính, một lối khéo tay, một trí khôn, nhiều mánh lới, không dễ cho thầy lấn áp. Tôi đã thấy nhiều người chịu ảnh hưởng của thầy quá nặng rồi đời không bỏ được.

     Rất nguy hiểm!

     Mặt khác cũng không nên cúi đầu làm để làm.Trước khi bắt tay vào làm phải hiểu phải biết, rành rỏi mình muốn làm cái gì đã ...

Không gian Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế

     Sáng tác phải có sáng kiến và tay nghề. Tìm ra sáng kiến là chuyện rất gay go nhưng rồi cũng có cái kỹ thuật tìm ra sáng kiến. Còn chuyện tay nghề là chuyện nhuần nhuyễn tay chân với trí óc suốt cả đời chưa đủ. Chúng tôi vừa học sáng tác vừa học hỏi tay nghề cùng một lúc làm ăn sinh sống. Cái sống vật chất là cái cần thiết, rất cần thiết để mở đường sáng tạo. Vậy tôi tưởng rằng cả hai cái phải đi đôi với nhau như cuộc sống của tôi đã mấy chục năm nay, làm thầy, làm thợ với làm thuê. 

     Nhưng đây không phải là tất cả. Giấc mơ trong ý chí một ngày sẽ nở ra hoa rồi thành trái. Trí óc, tài nghệ và ý chí của con người vô giới hạn.

     Đây là ý nghĩ đầu tiên của tôi. Còn sau này mỗi chúng tôi sẽ tìm ra một đường lối, nhiều đường lối khác nữa, Và cái mục đích chính là để phụng sự dân tộc này đang bị thiệt thòi vì giặc giã vì lý thuyết ngoại bang. Chúng tôi sẽ tự cao là một phần tử trong gia đình Việt Nam, một Việt Nam không hề chịu một lý thuyết hay sức mạnh nào từ xứ ngoài đưa đến nếu chúng tôi không thể uốn nắn nó lại ăn khớp với dân tộc.

     Bài này đến đây chỉ là lý thuyết. Không ai còn là gì lý thuyết chỉ là lý thuyết.Lý thuyết hay bay theo mưa theo gió. Vậy tôi nêu ra đây vài tỉ dụ để dễ hiểu hơn :

     1. Con người Việt Nam bất cứ đạo giáo nào, trình độ học thức cao siêu đến đâu, giàu hay nghèo, nhà quê hay thành thị, từ Nam chí Bắc, ai ai cũng một lòng thờ phụng cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã quá vãng. Đây là cái đẹp thuần túy của dân tộc ta.

     Vậy sao chúng ta không lợi dụng cái chung nhất này mà sáng tác ra một thứ mộ cho đẹp, cho hài hòa với sông núi, hài hòa với văn hóa, lịch sử, tương lai, với đoàn kết giống nòi như một bọc trăm trứng sinh ta. Không giống mồ mả của nước nào hết cũng không lố lăng, xu thời, chướng tai gai mắt mà thật là đặc sắc, độc đáo Việt Nam, đặc sắc con cháu vua Hùng, ăn khớp với đất đai sông núi và lòng người.

     Còn về mặt mỹ thuật là một tác phẩm mang dấu người xưa, như thành ốc Cổ Loa. Mỗi làng một tác phẩm, lan tràn từ miền núi đến đồng ruộng, từ Nam chí Bắc. Tình nghĩa đẹp tươi, hình thức mang dấu người xưa mấy nghìn năm còn đó.

     Cái đẹp này nằm trong văn hóa, thuần phong mỹ tục của giống nòi Việt Nam. Cái quí hóa nhất là mỗi tác phẩm một, chỉ có một chỗ để nhang khói, cúng vái, tụng niệm. Thành thử ra mỗi người đến nhang khói là cho tất cả các linh hồn, tượng trưng cái lòng chia sẻ cùng nhau, chết sống vẫn có nhau, và đã cùng một giống nòi, đồng bào là thành một khối. Có gì tươi đẹp hơn không? 

     2. Xứ ta mọi người đều biết cái xe xích lô trong các thành phố là xấu xí, là nô lệ, là nghèo nàn.

     Chúng ta không phải là nhà cầm quyền để xóa bỏ mà cũng không phải là nhà từ thiện mà giúp đỡ.

     Nhưng chúng ta có thể chữa đổi, vẽ lại cái xe xích lô cho kiểu cách, sạch sẽ, đẹp mắt. Làm cho cái xấu xí này trở nên một tác phẩm mỹ thuật bình dân, sinh động mà ai cũng muốn dùng. Và làm sao ngoài cái đẹp, người lái được đỡ nhọc, đạp ít mà lại đi nhanh, áo quần giấy dép cũng hài hòa với xe với cảnh. Trong một thành phố mà bao nhiêu tác phẩm đẹp, linh động chạy quanh thì có đẹp mắt cho mọi người, có che đậy được ít nghèo nàn, nô lệ hay không? Như vậy cái đẹp ở đây có thực tế không? Có khác với cái tượng trên bệ, cái tranh trên vách ở chỗ nào không?

     3. Nước nào cũng có nhà thương. Nhà thương là nơi rất buồn tẻ. Cho nên ở ta gọi là bệnh viện nhưng cái buồn tẻ vẫn đeo đuổi mãi trong bệnh viện. Người bệnh nhiều khi nằm lại đó hàng tuần, hàng tháng giữa bốn bức vách chật hẹp với ý nghĩ đen tối. Mà hiện giờ cái đẹp của chúng ta lại đưa vào bảo tàng cửa đóng then cài cho kẻ lành mạnh. Còn người đau ốm, bệnh tật thường thường buồn bã, hiu quanh lại không có.

     Vậy sao, chúng ta không tìm ra một lối đẹp mới, hài hòa với tình cảm ốm đau, rồi đưa vào các phòng bệnh cho người nằm đó được khuây khỏa tâm hồn, được chút vui mắt, rồi biết đâu cái đẹp ấy sẽ trở nên một thứ thuốc an thần giúp người ốm chịu đựng cái số phận của mình. Không cái đẹp nào, màu sắc nào dù có giá trị trên thị trường đến đầu đi nữa cũng có thể đưa cho người bệnh được. Phải có một thứ đẹp riêng biệt, không động cham đến bề sâu của người bệnh và cái đẹp ấy phải nhẹ nhàng đưa họ vào một thế giới yên tĩnh mới được.

     Cái đẹp này nằm trong tình cảm, tính nhân đạo không phải thừa và chưa nước nào có dù họ có giàu đến đâu đi nữa. Con người sáng tác ra thứ đẹp này có dáng vóc, tầm cỡ Con Người Thật. Tìm ra một thứ đẹp, đưa cái đẹp đó vào không gian xấu xí để làm cho nó thêm đẹp cả trong lẫn ngoài và bề sâu cũng đẹp thì thật là kiểu cách của một dân tộc văn minh. 

     Nếu một ngày nào có triển lãm quốc tế, tôi muốn đưa cái đẹp này đi đấu thì có đặc sắc không? Có khác người ta không?

     3. Trên các ngã ba trong thành phố giữa kinh đô, xôn xao người qua kẻ lại lúc đèn xanh bảo hiệu. Con người bắt buộc xô đẩy nhau qua đường phải chen chúc trong hai cái vạch cứng rắn, xấu xí như muốn ép bức con người. Tất cả các nước giàu hay nghèo, đâu đâu cũng vậy, bắt chước nhau đặt đèn xanh đỏ, sơn mấy vạch cứng rắn để ép xuống con người qua lại. Thật là thiếu óc sáng tạo, thiếu văn minh hay không muốn trọng con người và xem con người không có nhậy cảm.

     Vậy ở thành phố, kinh đô chúng ta sao không trang hoàng các chỗ này bằng những bức thảm ghép bằng đá cẩm thạch hay đất nung đẹp như các bức thảm trong nhiều nhà giàu có sang trọng thì có văn minh hơn không? Có phụng sự con người không? Có phải là nghệ thuật của một dân tộc văn minh không? Cái đẹp chia sẻ cho mọi người, không ích kỷ thì có Việt Nam không?

     Vì sao xưa nay và ở đâu cũng cứ nhìn thẳng vào phong cảnh rồi họa ra bức tranh. Cho vào khung treo lên vách, làm tiệc mời bạn bè rước người đến phê bình, cầu lụy kẻ sưu tầm đến ngắm nghía.

     Người khen đẹp vì có chấm đỏ. Kẻ chế xấu vì màu xanh. Lý thuyết của ai giàu có, la to, lớn tiếng là có lý và phần đông ù ù gật gật không thì bị khinh là kẻ không có khiếu mỹ thuật. Có khi lại đưa vào thị trường buôn bán giả tạo, hôm nay giá cao, mai giá thấp, không ai biết đâu vào đây hay là chỉ một vài bọn lái buôn, mánh khóe, lừa gạt kẻ mê tín mà thôi. Tôi đã mục kích cái đẹp này mấy chục năm nay rồi. Hiện giờ tôi muốn đi xa hơn nữa là tưởng tượng ra một bức tranh rồi từ mẫu nhỏ xây cất ra một bức tranh lớn ngoài trời như cái vườn, cái xóm, cái làng, cái nhóm đảo du lịch, các thành phố, cái kinh đô một nước mà con người là chi tiết làm ăn sinh sống trong bức tranh ấy. Ông cha thường trỏ vào cảnh vật rồi nói là "đẹp như tranh".

     Bức tranh này không giống với ánh sáng già tạo, không cửa đóng then cài, không riêng cho nhà trí thức thông thái hay giàu tiền của, cũng không cho bọn lái buôn lợi dụng mà cho tất cả con người, con vật và cả tạo hóa thiên nhiên. Linh động sống với mưa gió, bão lụt, nắng hạn mưa phùn, sáng tối tự nhiên. Sông ngòi, đường sá, cây cối như những nét bút thần tiên. Nhà cửa, đền đài như các khối điêu khắc. Tất cả được xếp đặt hài hòa như thần thánh, người kiến trúc sư tuyệt diệu. Trong bức tranh có chó sủa, heo kêu, người cười kẻ khóc, tiếng hát tiếng hò, người đen kẻ trắng. Màu sắc đó thánh thần thay đổi theo mùa, mùa xuân, mùa hạ. Anh sáng cũng thay đổi từng giờ từng phút. Một không gian mới lạ mà quen thuộc.

     Hỏi thử ở xứ nào trên toàn cầu này đã có những bức tranh như vậy. Rải rác nhiều bức tranh này trên lãnh thổ Việt Nam. Thì có chú ngoại quốc nào đến đây dám tự cao rằng chỉ có nước họ mới văn minh?

     5. Nếu chúng ta để riêng ra cái tự cao, cái đắc thắng rồi bình tĩnh xem lại các đồ gọi là mỹ nghệ buôn bán trên thị trường Việt Nam thì thật buồn tẻ. Nếu đi vào các nơi làm đồ gỗ, làm đất nung, làm thảm hiện giờ, mà nhiều người giới thiệu, la ó, đấy là truyền thống. Có lẽ chúng ta không có chung một truyền thống chăng? Thực ra tôi không thấy truyền thống ở chỗ nào cả. Toàn là đồ nhố nhăng, không có gì là Việt Nam. Chỉ là cầu thả, không có trình độ, không có thể nằm trên đà buôn bán của thị trường quốc tế. Cái nào cũng giông giống của bên này hay bên kia, không có tính cách là Việt Nam gì cả. Lại còn thấy bóc lột đàn bà, trẻ con nữa.

     Chất liệu của ta không thiếu, tài nghệ có thể đào tạo được, trí óc sẵn có. Cái cần nhất là tổ chức với trách nhiệm với hiểu biết chứ không tổ chức để có tổ chức với giám đốc ù ù gật gật, với điều lệ, lương bồng, hối lộ, chức tước mới được. Chúng ta phải nhìn lại một cách khách quan, trách nhiệm để chữa đổi từng cái một. Mỗi cái phải đẹp, phải độc đáo, duy nhất. Mỗi cái là một tác phẩm mỹ thuật, làm bằng tay không giống ai hết.

     Hiện giờ các nước nghèo cũng bắt chước các nước giàu, làm cái gì cũng máy móc. Mỗi cái làm ra hàng ngàn hàng vạn cái , giống nhau như đúc, những cái làm ra đã không có một tý tính người, lại chỗ nào cũng có, ai ai cũng cũng có thể có được. Sản xuất ra nhiều quá chẳng biết bán cho ai. Các cửa hàng chật ních những đồ nhố nhăng ấy. Chúng ta nên đi con đường khác là có mẫu khác người ta rồi làm bằng tay. Một mặt đồ của mình có tình người hơn, người mua cầm lấy đồ có một cái tình cảm hơn là đồ làm bằng máy và hơn nữa nước mình có nhiều tay làm.

   Và hiện giờ chỉ có một đường này mới hòng buôn bán làm ăn được. Tôi chắc rằng đây là một cửa mở rộng rãi có tương lai cho hàng nghìn hàng triệu người đang kiếm việc làm ăn sinh sống. Cái khéo léo kiếm cách làm ăn, cái đẹp ở đây đưa đến cái sống đầy đủ hơn, thoải mái hơn. Và hiện giờ dân tộc Việt Nam cần sống đầy đủ hơn lúc nào hết

     "Muốn ăn phải lăn vô bếp "

     Đây chỉ là một vài ý kiến của riêng tôi trước khi xưởng thành hình. Tôi tin rằng việc sau này sẽ có bao nhiêu người như chúng tôi từ lòng xưởng mà ra với hàng đống ý nghĩ mới mẻ hơn, to tát hơn, tình người hơn là lẽ tự nhiên.

     Tôi rất tin ở những con người Việt Nam thật. Tôi không tin ở lý thuyết rỗng, ở chức quyền choán chỗ, trường phái trên giấy tờ, thủ tục hàng cây số. Tôi tin ở một ngày gần đây chúng ta có thể đưa những ý nghĩ này vào thực tế được. Vì tôi còn nhớ là ngày mới đi học (1942) tôi đã mơ ước một ngày nào có thể vẽ được những bức tranh xanh đỏ tím vàng, vẽ cô đứng, cô ngồi, cô rơi lụy, treo trên vách như nhiều đại sư khác và có thể bán buôn những tranh này để sống bằng nghề họa mà các cô các bà yêu chuộng.

     Giấc mơ ngày còn trẻ nay đã thành hình và hơn nữa lại được nhiều nước văn minh, con người có văn hóa, biết chuộng nghệ thuật mời mọc và kính trọng như con người thật, đi đâu có kẻ đón người đưa nhã nhặn chứ không phải bắt cóc, không thủ tục lăng nhăng và họ còn để cho bác sĩ tự do lên tận phòng để khám bệnh nếu bị đau đầu nghẹt mũi.

Còn ngày nay, tôi đã trưởng thành, cái mơ ước của tôi là đưa cái Đẹp Mới về với dân tộc tôi có lẽ chỉ là ngày một ngày hai chăng?

Tôi đã trở lại với dân tộc tôi như cá với nước.

Nhưng biết đâu, trong đám bùn lầy, rong rêu, nước đục, chài lưới còn lại vãng đâu đây?

#LêBáĐảng