CÁC HỌA SĨ SƠN MÀI HÀ NỘI

      Có người nói về sự rực rỡ của những tác phẩm sơn mài tại triển lãm ở Trường Mỹ thuật của Hiệp hội Họa sĩ Đông Dương như sau: “Đó là thành quả rõ ràng của một truyền thống lâu đời”. Nói như vậy vừa đúng vừa sai. Đúng vì ngày xưa Đông Dương đã có những tác phẩm cạnh tranh với các tác phẩm của Trung Quốc, nhưng nghệ thuật chói sáng này đã chìm trong bóng tối của quên lãng suốt nhiều thế kỷ, có chăng chỉ còn lại kỷ niệm về làng Đình Bảng, một làng có nhiều thợ sơn mài nổi tiếng. Ngày nay, ở làng này chỉ còn lại một chiếc cáng cổ khảm chữ.

      Sơn mài Đông Dương trong mười thế kỷ qua chỉ loanh quanh với câu đối và một số mặt hàng tạp nham để bán quanh và rất ít nghệ sĩ có tay nghề cao. Tuy nhiên, chính thứ hàng ỉ ôi đó vào năm 1925 đã lôi cuốn họa sĩ tài năng Joseph Inguimberty, người đoạt giải thưởng quốc gia, nghiên cứu kỹ thuật sơn mài và thành lập cái ngày nay gọi là "trường phái Hà Nội".

      Inguimberty là và mãi mãi là một họa sĩ nghiệp dư lớn về sơn mài Trung Hoa và Nhật Bản; vì thế khi tới một xứ vẫn còn một số nghệ nhân biết sử dụng thứ chất liệu quý giá như sơn, ông nảy ra ý muốn cải tiến một ngành nghệ thuật lớn đã bị biến mất. Đúng là một ý tưởng đẹp nhưng ai sẽ dẫn dắt ông vào cuộc mạo hiểm đầy chông gai này. Trước hết nghề sơn mài là một nghề không được coi trọng. Thợ sơn mài chỉ là một người thợ bình thường trong khi thợ vẽ hoặc họa sĩ lại được xem là nghệ sĩ, như thi sĩ hoặc văn sĩ. Vì thế, Inguimberty phải vượt qua khó khăn to lớn đó bằng cách chiêu mộ các môn đệ. Có lẽ một số học sinh dễ dàng bị ông thuyết phục nếu tham vọng không lôi cuốn họ vào tranh lụa, một bộ môn đang xếp hàng đầu ở Trường Mỹ thuật, giúp họ không hái ra tiền thì cũng có thu nhập thường xuyên.

      Cuộc đua không được công bằng lắm: tranh lụa không đòi hỏi công sức và một vài họa sĩ tên tuổi có thể bán tranh với giá cao rất nhiều so với giá một họa sĩ sơn mài rụt rè đưa ra cho một bức tranh làm được hằng tháng. May thay, một cơn gió dữ đã tới giúp Inguimberty: các tranh lụa thực hiện bằng kỹ thuật trung bình khi thì rách, khi thì phai màu. Thế là người ta theo sơn mài và bắt tay vào chế tác. Người ta xông vào các bí mật của quá khứ, nhằm tìm hiểu và phục hồi sơn mài.

Họa sỹ Joseph Inguimberty (thứ 2, từ phải sang, hàng đầu) cùng ban giám hiệu và các sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

      Năm 1927, Inguimberty mời một nghệ nhân rất khéo tay, chuyên làm câu đối, làm việc với mình nhưng người này lại không biết tiếng Pháp. Do đó, Inguimberty gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện hai mục tiêu tìm hiểu chất liệu và tìm hiểu kỹ thuật. Ngay lập tức người ta hiểu rằng chỉ có chất liệu tốt mới giúp làm nên những tranh sơn mài đẹp. Nhưng chất liệu đó là gì? Người ta hỏi nghệ nhân, xem nghệ nhân làm, nghiên cứu các sách cổ, sử dụng những mảnh vỡ còn lại của các tuyệt tác. Nhờ đó, người ta hiểu rằng phải làm sao loại trừ được dầu, phải có nhiều (bảy, tám) lớp phủ lên nhau và muốn đẹp thì không được sơn trực tiếp lên gỗ mà lên lớp vải phủ lên gỗ. Như thế vẫn chưa đủ. Đôi khi sơn rạn ra vì khó không đều, cũng có khi lớp sơn bị bong ra vì quá dày hoặc thời tiết khô hanh. Cũng có khi sự cố xảy ra khi mài, chẳng hạn lớp sơn quá mỏng sẽ bị đá mài làm tróc. Người ta cũng hiểu rằng bột vàng hoặc bột bạc phải trộn với sơn đen hoặc sơn cánh gián, nhưng trộn theo tỷ lệ nào? Lại nghiên cứu và thử nghiệm. Có khi xảy ra hiện tượng sơn bị oxy hóa làm màu họa tiết trở thành đen thui. Mỗi lần như vậy, phải bắt đầu lại. Và sáu tháng trời ròng rã làm việc chỉ cho ra được một cái hộp, bán được chỉ vừa đủ bù chi phí. Gỗ và nguyên liệu rất đắt, do đó người nghệ sĩ như làm việc không công trong khi khách hàng thấy giá đắt quá nên thỉnh thoảng lắm mới mua. Ông Trần, một trong những người đầu tiên ghi tên học sơn mài, đã phải bỏ lớp. Inguimberty mất đi chỗ dựa tin cậy nhất. Tuy nhiên, ông vẫn chiến đấu một mình; năm 1931, Trường Mỹ thuật Hà Nội gửi tới Triển lãm Thuộc địa hai bức tranh sơn mài. Tệ hại là hai bức tranh đó không được thành công: Inguimberty không thể để mắt quán xuyến tới hai bức tranh từ đầu chí cuối, thế nên các bức vẽ giao cho học sinh thực hiện lại được phó tiếp cho các thợ sơn mài. Đám thợ làm xong, trả lại có một bức trông hệt như tranh khắc gỗ thô thiển.

      Inguimberty vẫn không nản chí. Ông kiên trì theo đuổi ý định của mình, và năm 1934 được phép mở một lớp kỹ thuật sơn mài dành cho các học sinh không trúng vào lớp hội họa của Trường Mỹ thuật, một khởi đầu khiêm tốn của Trường Sơn mài Hà Nội sau này. Tại lớp này, sẽ tiếp tục các nghiên cứu và thực hiện các tìm tòi. Dần dần chỉ còn lại những bộ môn có giá trị và năm 1938 các bộ môn này, trong đó có sơn mài, được đưa vào giảng dạy ở phần đại cương của Trường Mỹ thuật. Có thể xem năm 1938 là thời điểm đánh dấu sự tồn tại của sơn mài Hà Nội. Người ta tìm ra kỹ thuật Coromandel và năm 1938 đã ghi nhận nhiều tiến bộ.

Chân dung Nhà điêu khắc Évariste Jonchère 

      Thoạt đầu, người ta đắp lên mặt gỗ một lớp bột nhão gồm mạt cưa trộn với sơn để khắc hình lên. Kết quả rất tồi. Thế là người ta thử dùng bột gạo. Kết quả rất tốt nhưng tới khi khắc thì chỗ gỗ lộ ra lại hút sơn và phồng lên. Cuối cùng cũng tìm ra bí quyết: phải khắc lên lớp sơn sao cho không được chạm vào gỗ. Kỹ thuật mới tìm ra được đưa vào áp dụng. Thử nghiệm đầu tiên rất tệ hại. Các bức tranh khổ lớn gây cảm giác hoàn toàn phản mỹ học. Thế là Inguimberty nhờ Bảo tàng Cluny ở Paris gửi cho mình tranh vẽ các bình phong có ghi chú chính xác màu sắc. Sau đó ông cho học sinh sao chép y nguyên. Ông thu được thành công. Thử nghiệm khẳng định việc tìm lại được kỹ thuật Coromandel. Từ đó, công chúng bắt đầu quan tâm tới nghiên cứu của ông, và có hai sự kiện làm cho kỹ thuật sơn mài Đông Dương đạt bước nhảy quyết định. Thứ nhất là Toàn quyền Brévié đặt mua ba bức bình phong làm bằng kỹ thuật Coromandel để gửi đến hội chợ San Francisco. Thứ hai, ông Jonchère' được bổ làm hiệu trưởng mới của Trường Mỹ thuật.

      Ngay lập tức, ông Jonchère bị những nghiên cứu của Inguimberty và các môn đệ thu hút. Điều này không có gì gây ngạc nhiên cho những ai biết rằng ông Jonchère đã đoạt giải lớn về điêu khắc của thành phố Roma, rằng nhà nặn tượng Evariste Jonchère từng giam mình bốn năm liền từ năm 1925 tới năm 1929 ở biệt thự Médecis để khám phá bí mật của các nghệ sĩ bậc thầy thời kỳ Cổ đại và Phục hưng. Lần này, nhất định sơn mài Đông Dương sẽ có một khởi đầu thuận lợi. Quả như vậy: không lâu la gì, ngoài ba bức bình phong trên, vị tân hiệu trưởng nhận được hợp đồng đặt bốn bức khác của Sở Thương mại. Để chứng tỏ khả năng của trường phái mới, người ta quyết định thực hiện bốn bức tranh làm bằng sơn ta. Hai bức được giao cho ông Hau [Phạm Hậu?], hai bức cho ông Tri [Nguyễn Gia Trí?]. Các bức tranh chứng tỏ giới họa sĩ Hà Nội đã lĩnh hội được kỹ thuật sơn mài An Nam cũng như sơn Coromandel. Được thực hiện bằng sự tìm tòi, các bức bình phong này đã quyến rũ công chúng. Vì thế hai ông Inguimberty và Jonchère quyết định trưng bày chúng ở Sài Gòn trước khi gửi đi San Francisco. Ngoài ra, người ta tập trung các nghệ sĩ hàng đầu để thực hiện bảy bức tranh bằng những thành tựu mới nhất và đã thu được thành công đáng kể.

#Indochine