BỨC SƠN MÀI TIẾNG GỌI CỦA HỌA SỸ TRẦN HÀ

       Ước đoán bức tranh được sáng tác vào những năm 1938-1940. Ước đoán này dựa vào dấu mộc Hãng vận chuyển của người Pháp hoạt động trong những thập niên 30,40 của thế kỷ trước và nơi những chủ nhân cũ đã lưu giữ. Bức tranh trước thuộc ông Nguyễn Viết Tài, sinh năm 1938, sống tại Sài Gòn. Ông Tài được thừa kế bức tranh từ người cậu của ông là giáo sư Trương Văn Chôm (Hiệu trưởng đầu tiên của Dược Khoa Đại học Đường Sài Gòn). Sau khi giáo sư Trương Văn Chôm và gia đình định cư ở Pháp thì bức tranh được ông Nguyễn Viết Tài gìn giữ suốt hơn 50 năm qua.

Tác phẩm Tiếng gọi, 1940 200 x 100 cm - Họa sỹ Trần Hà

       Đây quả thực là một tác phẩm tầm cỡ của nghệ thuật bảo tàng, không chỉ bởi đề tài mang tính sử thi hay cách tổ chức tri giác có tính hoành tráng của nó, mà ngay cả về mặt lịch sử, thời điểm ra đời của bức tranh cũng đáng để liệt hạng trên hành trình phát triển của hội họa sơn mài Việt Nam. Tác giả là họa sĩ Trần Hà, tức Trần Văn Hà, một trong những tên tuổi lẫy lừng của nghệ thuật sơn mài phía Nam, cả về sáng tác mỹ thuật lẫn mỹ nghệ.

       Thực ra, chủ để “săn bắn” xuất hiện khá nhiều trong nghệ thuật châu Âu, nhất là kể từ thế kỷ 16, chẳng hạn Trường phái Fontainebleau có bức “Nữ thần săn bắn” nổi tiếng (vẽ năm 1550, được cho là của Luna Penni vẽ), hay những tranh trang trí khổ lớn về đề tài săn bắn của các họa sĩ như Carle Van Loo, Jean Baptiste Pater, Jean Francois de Troy trang hoàng cho các lâu đài danh tiếng thời kỳ Louis XV. Ở phương Đông, như ở Ấn Độ, cũng có một số tác phẩm hội họa về chủ đề này…

       Bức tranh “Tiếng gọi” của Trần Hà được vẽ vào khoảng những năm 30 cuối cùng của thế kỷ trước, hoặc muộn nhất cũng phải vào năm 1940, khi ông chưa đầy 30 tuổi, và cũng là thời kỳ sáng tác rực rỡ nhất của ông trong lĩnh vực hội họa, trước khi ông chuyển sang thời kỳ “sơn mài mỹ nghệ” sánh ngang với tên tuổi lẫy lừng của Thành Lễ.

       Ngày ấy, đối với các bậc vương giả và giới thượng lưu ở Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng, thú săn bắn đã khá phổ biến. “Những câu chuyện đi săn” (Récits de chasse) kiểu Dumas đã đặc biệt trở nên sống động và lãng mạn dọc theo con đường đi từ Nha Trang lên Đà Lạt để rồi tỏa ra khắp các đại ngàn Tây Nguyên hoang dã. Nhưng khác với các cao nguyên đại ngàn ở Lào, Tây Nguyên khi ấy không vượt quá tầm với của nền văn minh công nghiệp tư bản thuộc địa. Bởi vậy, một giả thuyết cho rằng bức tranh này đã được thực hiện theo lời đề nghị của một vương tôn công tử nào đó là rất có cơ sở, điểm xuất phát của nó chắc chắn không thuộc về một thị hiếu bình dân.

      Nội dung của bức tranh “Tiếng gọi” tựa như một diễn xướng có sử dụng hình thức đối đáp và điệu bộ thường gặp trong các “khan”- sử thi anh hùng ca dân gian của người Êđê (tương tự như các “akhan” của người Giarai hay “hơmon” của người Bana), lấy cảm hứng từ hình tượng chàng trai Đam San dũng cảm với khát vọng tìm đường lên không trung chinh phục nữ thần mặt trời.

Tác phẩm Chiều Trung du - Họa sỹ Trần Hà 

       Bức tranh rộng hai thước vuông, bố cục thức dọc, chiều cao gấp đôi chiều rộng, và được thể hiện theo nguyên lý “nhị phân” của nghệ thuật Á Đông: kết hợp giữa biểu tượng và trang trí, thấm đẫm những xung năng lễ nghi, gợi đến một thế giới vừa như phôi thai vừa như hiện tồn, vừa tự nhiên vừa siêu nhiên, một hiện thực huyền diệu. Ở đây, đề tài chỉ còn là cái cớ, là phương tiện để hướng tới mục đích tìm câu trả lời về bản thể và ý nghĩa của sinh tồn theo cả hai chiều thời gian.

       Khó có cảnh tượng nào hút con mắt nhìn bằng không gian của một khu rừng nguyên sinh thâm sâu cùng cốc, một điển hình của thảm thực vật miền nhiệt đới, dưới ráng chiều, có núi, sông, những cây lá hình thù kỳ lạ, đàn chim bay, những con chim tìm về tổ, những con thuyền trôi lặng lẽ, tất cả ẩn hiện trong sáng tối chập chờn sương khói… Và rồi, một người thợ săn đột nhiên xuất hiện, mình trần, vạm vỡ, sáng quắc, đang đứng giương cung – như một tiêu điểm cực kỳ lộng lẫy mà người ta chỉ có thể bắt gặp trong nghệ thuật ba - rốc.

      … Về mặt niên đại, bức tranh “Tiếng gọi” của Trần Hà thuộc đúng vào thời kỳ cực thịnh của hội họa sơn mài Việt Nam những năm 1938-1944, sau hơn một thập kỷ nỗ lực tính từ lúc khởi đầu, với những tên tuổi lớn như Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Lê Quốc Lộc và nhất là Nguyễn Gia Trí, những họa sĩ sơn mài “Bắc kỳ”. Tuy nhiên, điều đó cũng không loại trừ những đóng góp của các họa sĩ “Nam kỳ”, mà sự nghiên cứu về họ cho mãi tới gần đây, nhờ một số điều kiện khách quan, mới tìm lại được những bằng chứng quan trọng mang tính hệ thống. Sự thật thì phong cách hội họa sơn mài phía Nam có những đặc điểm rất riêng cả về tư tưởng thẩm mỹ lẫn kỹ thuật và kỹ năng. Các họa sĩ phía Nam, theo một huyết thống nào đó, luôn luôn là những nhà kỹ thuật giỏi và có tinh thần tự do. Họ thường có kỹ năng rộng rãi để đưa tác phẩm của mình đạt tới những độ hoàn thiện phải nói là tinh xảo, đôi khi chỉ dựa trên các thuật công bút đồ họa mỹ nghệ mà hiệu quả lại rất giản dị, hiện đại mà vẫn giữ được cái cốt cách và những yếu tố triết lý của nghệ thuật thủ công dân gian xa xưa.

      “Tiếng gọi” là một tác phẩm “sơn mài chìm”, phẳng tuyệt đối. Nó ở giữa sơn mài cổ điển đồng nhất (laque unie) và sơn mài sáng (laque claire), hoàn toàn không sử dụng các kỹ thuật bổ sung như đắp, khắc, không cả vỏ trứng (hay đúng hơn, kỹ thuật dán vỏ trứng chỉ được áp dụng trên mặt khung gắn liền với nó), không cả các chất màu ngoại lai. Cái thâm trầm, sâu thẳm mà không kém phần lộng lẫy ở đây, dường như chỉ do các chất liệu cổ truyền (tất nhiên, cổ truyền dưới dạng mới) tạo nên, như vàng, son, then, bột ngà voi và cánh gián. Do vậy, nếu được đặt dưới ánh sáng hơi u huyền, bức tranh bỗng càng trở nên ẩn hiện lung linh như đưa người xem được trở về với mẫu thức tiếp cận các tác phẩm sơn theo lối cổ xưa, linh thiêng và huyền bí.

#QuangViệt