Triển lãm:
Hà Nội
Năm sáng tác:
2020
Chất liệu:
Sơn mài
Kích thước:
120 X 80 cm
MIỀN KÝ ỨC 2, 2020
Đôi lời về họa sĩ
Nguyễn Hữu Thông
Lacquer – Sơn mài là một trong những chất liệu độc đáo của nền Hội Họa Việt Nam. Hội họa Sơn Mài Việt Nam là kết quả tích hợp của hai luồng kiến thức: cổ truyền dân gian của cha ông ta và hàn lâm phương Tây. Sơn Mài có một sự đóng góp không nhỏ vào nền nghệ thuật tạo hình tại Việt Nam hiện đại bởi khả năng biểu đạt của Sơn mài thật phong phú, đa dạng. Để từ đó các họa sỹ Việt Nam đã “thăng hoa” cùng chất liệu Sơn mài, đã biến nó thành nghệ thuật, thành chính tâm hồn mình.
Họa sỹ Nguyễn Hữu Thông sinh năm 1986 tại Nông Cống, Thanh Hóa. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất chăm làm và hay nghĩ này, lên Hà Nội theo học Mỹ thuật từ năm 2004, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung Ương năm 2007, tốt nghiệp khoa Hội họa đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2014, tốt nghiệp cao học chuyên ngành hội họa Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2017. Ngay từ khi đi học, họa sỹ đã đặc biệt yêu thích Hội họa, thích cảm giác tự do trong sáng tác hội họa, mong muốn diễn tả tình cảm riêng của mình trong mỗi tác phẩm. Họa sỹ luôn khao khát về cái đẹp. Cái đẹp lôi cuốn, cái đẹp hài hòa, cái đẹp thuần túy và cái đẹp giản dị trong các tác phẩm của mình. Vậy làm thế nào để thổ lộ được lý tưởng sáng tác đó?! Chính khát vọng về cái đẹp đã thôi thúc họa sỹ phải đi tìm một con đường nghệ thuật của riêng mình.
Nguyễn Hữu Thông hiểu rằng, muốn chạm được vào nghệ thuật đích thực sẽ không bao giờ có sự an nhàn. Và càng khó khăn hơn khi anh quyết định chọn lựa Sơn mài là chất liệu gắn bó với con đường Nghệ thuật của mình. Hành trình học vẽ Sơn mài của Nguyễn Hữu Thông là một chặng đường đầy nỗ lực của bản thân, tự thân vận động để vượt qua rất nhiều thử thách về nghề. Biết tới chất liệu Sơn mài qua những bài học và tài liệu Lịch sử Mỹ thuật, năm 2005 họa sỹ bắt đầu tìm hiểu và học vẽ chất liệu này. Với bản tính chịu khó và cẩn thận, họa sỹ đã nhận được rất nhiều những sự giúp đỡ quý báu – chân thành của lớp thế hệ tiền bối, đàn anh đi trước.Từ đó, họa sỹ đầu tư nhiều thời gian hơn nữa cho việc học hỏi và khám phá chất liệu Sơn mài ở trường, ở xưởng và những họa sỹ tiền bối khác.
Nhưng Sơn mài là loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều về sáng tạo, thời gian, công sức và cả kinh tế. Đối với một sinh viên ngoại tỉnh thì kinh tế là vấn đề thật sự khó khăn, không chỉ riêng Họa sỹ mà với rất nhiều bạn học khác. Từ khi học tiếp ở trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam họa sỹ đã không còn nhận tiền trợ cấp từ gia đình mà tự vận động, vừa học vừa đi làm thêm, để có thu nhập, có tiền mua nguyên vật liệu để sáng tác tranh, có tiền để đóng học phí và sinh hoạt tại Hà Nội. Đây chính là giai đoạn thử thách họa sỹ nhất để quyết tâm học nghề và quyết tâm theo đuổi ước mơ chạm được vào nghệ thuật đích thực, ước mơ về cái đẹp của mình. Học nghệ thuật đánh giá cao việc phải tự giác học tập rèn luyện. Mỗi người có một tâm thức sáng tạo khác nhau. Lý luận nghệ thuật chỉ bó hẹp trong một phạm vi nhất định, còn tâm thức sáng tạo của người họa sỹ mới thoát ra khỏi mọi thứ.
Khoảng thời gian cuối năm 2014, thật sự là một khoảng lặng đối với Nguyễn Hữu Thông, trước những áp lực về cuộc sống, áp lực về tài chính,về thời gian dành cho Hội họa. Buồn nhất là khi họa sỹ có ý định “bỏ nghề” không sáng tác nữa, nhưng không - họa sỹ đã vượt qua được thử thách rất khó khăn đó. Bậc thầy Nguyễn Gia Trí đã từng chia sẻ rằng: “Nghệ thuật là phương tiện để nâng con người ngày càng tốt hơn”, nhìn các bậc tiền bối họ vẫn sống với niềm đam mê, với nghề, vẫn yêu nghề, rất nghiêm túc với nghệ thuật. Và cuối cùng, họa sỹ đã chọn tiếp tục đi tìm con đường nghệ thuật của riêng mình. Sống với niềm đam mê, với nghề.
Mọi sự tìm tòi trong nghệ thuật đều do cuộc sống thực tế quyết định, sự tìm tòi của họa sỹ đều dựa trên cơ sở hiểu biết và diễn đạt sâu sắc hiện thực. Họa sỹ chia sẻ: “…Càng vẽ Sơn mài nhiều càng muốn vẽ nhiều hơn nữa, mỗi tác phẩm là một quá trình tự do sáng tạo, đầy sự ham mê và thú vị. Mỗi chất liệu đều có ngôn ngữ tạo hình riêng, có cách thể hiện riêng và chất liệu sẽ quy định cách vẽ, kỹ thuật vẽ...”
Ở các tác phẩm Sơn mài đầu tay họa sỹ thiên về đề tài quê hương Thanh Hóa: Xóm nhỏ, Cổng, Đường Quê, Tuổi thơ, Bình Minh Xanh … Những hình ảnh, không khí quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của họa sỹ được khai thác và thể hiện bằng những hình mảng, màu sắc nhẹ nhàng thân thuộc nhưng cũng đậm chất hội họa. Những tác phẩm một vài năm gần đây Nguyễn Hữu Thông chuyển sang thể hiện những trạng thái cảm xúc của họa sỹ khi đứng trước “mẹ thiên nhiên” hay cả những khi đối diện với chính mình, vạn vật hữu linh và mọi thứ đều có câu truyện riêng của nó. Khi ở trong “rừng cây”, lúc đứng trước những cơn mưa rừng, mọi vật thật đẹp và tự nhiên. Tác phẩm: Mưa rừng, Rừng Thông, Rừng Đêm, Vườn Xuân … những khung cảnh này đã cho họa sỹ một cảm giác gần gũi thiên nhiên, quay trở lại bên trong con người mình.
Với hành trình tìm tòi và sáng tạo của mình, họa sỹ Nguyễn Hữu Thông đã hoàn thành nhiều tác phẩm hay và “thật sự chân thành”. Tình yêu nghệ thuật Hội họa Sơn mài của họa sỹ vẫn bền bỉ và càng ngày càng đậm đà sâu lắng trong nhiều dự định trong tương lai.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vào con người – Tâm thức sáng tạo của họa sỹ Nguyễn Hữu Thông cũng như những tác phẩm Sơn mài đẹp mà họa sỹ sẽ trình bày trước công chúng yêu thích nghệ thuật, yêu thích cái đẹp.