Trịnh Quốc Chiến

      Hội họa khó diễn đạt được thành lời. Có ngôn ngữ riêng bằng hình ảnh, nó là chuỗi cảm thức về không gian, thời gian và Tâm thức Sáng tạo của mỗi tác giả. Nhà phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân đã từng chia sẻ: "Ngôn ngữ trong tranh sơn mài Trịnh Quốc Chiến là một tiếng nói khẽ, khẩn cầu, nhân bản mà hội họa hiện đại Việt Nam bởi những bận rộn lớn lao của thời cuộc đã đành nhiều năm không vương vấn. Khi xem tranh của Trịnh Quốc Chiến chúng ta thấy hình tượng hội họa của họa sỹ không bao giờ bị nhốt chặt trong thể xác hình và sắc của nó. Hay nói theo một cách khác, hình tượng của họa sỹ Trịnh Quốc Chiến không đóng khung trên tấm vóc mà nó miên man trong ý tưởng người xem. Nghĩa là thông báo nghệ thuật của nó không đơn phương và chỉ nhằm gửi cho ai cụ thể. Nó không bao giờ được (hay bị) khai thác kiệt cùng mà cứ cùng mỗi người xem, mỗi lần xem mà lại nhân lên mãi". Ta có thể cảm nhận điều đó trên những: Ánh Sáng Tâm Linh, Đức Phật Ngủ, Thanh Âm Mùa Thu, Âm Thanh Trong Sự Tĩnh Lặng

      Phật giáo là một cống hiến vĩ đại của loài người nhằm lý giải về vũ trụ và đời sống (cả về mặt vật chất và tinh thần). Họa sỹ tự nhận mình không phải là một Phật tử thuần thành, mà chỉ là một hoạ sỹ sơn mài cảm nhận về đời sống thông qua cảm thức được biểu đạt từ không gian Phật giáo. Các tác phẩm của họa sỹ là hiện hữu, nó luôn có một nghĩa thông suốt của đề tài trôi chảy trong nghệ thuật hội họa Sơn mài.

      Tác phẩm là một, cứ cho rằng ý nghĩa tác phẩm chỉ là một sự thật cá nhân, thì đến đây, cái ý nghĩa đó đã may mắn ngẫu hợp giữa cá nhân và xã hội. Giá trị thẩm mỹ của tác phẩm là nằm ở ngay đấy. Chữ Nghệ thuật viết hoa vẫn hàm chứa trong mình cái bí mật và thiêng liêng như tôn giáo.